31 tháng 8, 2021

Chùa Sùng Nghiêm

Tên thường gọi: Chùa Mía

Chùa tọa lạc ở làng Mía, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Chùa cách Hà Nội khoảng 50 km về phía Tây. Xưa kia, vùng đất này có tên Nôm là Mía nên chùa thường được gọi là chùa Mía. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Cổng chùa

Mặt tiền chùa

Theo truyền thuyết, chùa được dựng vào thời Trần. Đến thế kỷ XVII, bà Nguyễn Thị Rong (có tài liệu ghi là Nguyễn Thị Dong, Nguyễn Thị Ngọc Dong, Ngô Thị Ngọc Diệu), vợ chúa Trịnh Tráng (1623 – 1657), đã đứng ra đại trùng tu ngôi chùa vào năm Đức Long thứ 4 (1632).

Chùa có tam quan (vừa là gác chuông) là ngôi nhà ba gian làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Ở dưới, có hai tấm bia đặt ở hai gian bên trái, bên phải. Bia năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) nói về việc lập chợ trước chùa. Bia năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750) nói việc sửa lại tiền đường. Trên gác, có treo một quả chuông đúc năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743) và một khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1846).

Sau tam quan là một sân rộng. Ở đây có cây đa cổ thụ và bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 13m. Có lối đi dẫn đến cổng thứ hai là Bát-nhã môn. Qua cổng là một sân vườn rộng. Phía trái có ni thất và tổ đường. Ở giữa là ngôi chùa với tiền đường, trung điện (còn gọi là chùa Trung) và hậu điện (còn gọi là chùa Thượng). Trung điện và hậu điện nối với nhau bằng hai dãy hành lang, bao quanh lấy nhà thiêu hương và điện Phật ở giữa. Ở tiền đường có tấm bia năm Đức Long thứ 6 (1634), cao khoảng 1,6m, dựng trên lưng một con rùa, nói việc sửa chữa, mở rộng ngôi chùa vào năm 1632 do các cung tần phủ chúa Trịnh hưng công.

Mặt động Thập điện

Tượng Bồ tát Quan Âm

Tượng Bồ Tát Quan Âm chuẩn đề

Tượng Bồ Tát Di Lặc

Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Chùa có 287 pho tượng thờ, trong đó có 174 tượng bằng đất nung. Nhiều tượng ở chùa là những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng như: tượng Tuyết Sơn, tượng Di Lặc, tượng Bát bộ Kim Cang, tượng Bà Chúa Mía... Đặc biệt, pho tượng Quan Âm tống tử, thường gọi là tượng Bà Thị Kính, là một tuyệt tác về điêu khắc. Người dân làng Mía đã tự hào:

Nổi danh chùa Mía làng ta,
Có pho Tống Tử Phật Bà Quan Âm.

Tượng Quan Âm Tống Tử

Tượng La Hán


Tượng Tuyết Sơn

Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Chùa là ngôi cổ tự danh tiếng, là “nhà bảo tàng” về nghệ thuật điêu khắc cổ ở nước ta.

Tượng Bà Chúa Mía

Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa

Bia chùa

Đi lễ chùa

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Những giai thoại huyền bí về chùa Mía xứ Đoài

Trong tâm thức của người dân xứ Đoài, chùa Mía là một ngôi chùa đặc biệt linh thiêng. Xung quanh ngôi chùa này, có những giai thoại thẩm đẫm màu sắc huyền bí được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Nằm ở làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Nội), chùa Mía hình thành từ thế kỷ 17, là ngôi chùa danh tiếng bậc nhất xứ Đoài – vùng đất ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.
 
Tương truyền, chùa do bà Nguyễn Thị Rong, vợ chúa Trịnh Tráng (1623-1657), cho xây dựng. Sau khi bà mất, nhân dân trong vùng mến mộ uy đức của bà đã tạc tượng đem thờ ở chùa và tôn sùng bà là “Bà chúa Mía”.

Trong tâm thức của người dân xứ Đoài, chùa Mía là một ngôi chùa đặc biệt linh thiêng. Xung quanh ngôi chùa này, có những giai thoại thẩm đẫm màu sắc huyền bí được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng Đường Lâm, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Mía từng che chở nhiều dân làng trước họng súng kẻ thù. Có lần, giặc mở trận càn ở vùng đất Mía. Đi đến đâu, chúng gieo rắc đau thương, chết chóc đến đó

Khi giặc về làng, người dân liền lũ lượt kéo nhau lên chùa Mía để lánh nạn. Quân Pháp đến gần chùa, biết có người ẩn náu bên trong, liền chĩa súng vào và bắn xối xả

Lạ kỳ thay, đạn giặc như bị một bàn tay vô hình đẩy lạc hướng, không một viên nào chạm được vào các gian chùa. Nhờ đó, người dân làng Đường Lâm đã vượt qua cơn hoạn nạn, và họ tin rằng mình đã được thần linh phù hộ.

Cũng theo các bậc cao niên, chùa Mía đã cứu dân làng trong lần đê sông Hồng vỡ cách đây hơn nửa thế kỷ. Năm đó, từ tuyến đê vỡ, nước sông tràn về rất nhanh khiến dân chúng nháo nhào, tưởng như số đã tận

Lạ thay, dòng nước đến gần làng thì chậm dần rồi dừng lại giữa con dốc trước cổng Đông. Đường vào chùa Mía không bị ảnh hưởng bởi dòng nước, ngôi chùa vẫn sừng sững uy nghiêm. Dân làng tin rằng thủy thần sợ oai linh chùa Mía mà không dám phạm vào

Ngày nay, những câu chuyện trên có thể được nhiều người lý giải theo các cách khác nhau, không mang màu sắc tâm linh. Dù vậy, đức tin của người dân xứ Đoài về sự linh thiêng của chúa Mía vẫn vẹn toàn như hàng trăm năm trước, và đó là một nét đẹp văn hóa cần gìn giữ cho muôn đời... 

Quốc Lê
Ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam

Nếu có dịp đến Đường Lâm, bạn đừng bỏ qua ngôi chùa có nhiều tượng nghệ thuật được gọi với cái tên rất mộc mạc, chùa Mía.

Chùa Mía (tên chữ: Sùng Nghiêm tự) là một ngôi chùa ở xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Xưa kia, vùng này là Cam Giá, tên Nôm là Mía, nên chùa này được quen gọi là chùa Mía. Từ ngoài vào, tam quan nhà chùa nằm ngay dưới tán cây đa cổ thụ 400 năm tuổi, trông rất cổ kính, thâm nghiêm. 

Đây là ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam, do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố. Trên các bức tượng, mỗi vị mỗi vẻ, nhưng đều toát lên vẻ uy nghiêm, thanh tịnh. 

Ban thờ Đức Thánh Hiền. 

Tại chùa Thượng, người ta còn thấy các động bằng đất đắp, trong và xung quanh các động có khá nhiều tượng. 

Động Quán Âm Nam Hải. Đây là một bức tượng thuộc loại quý hiếm, ít thấy trong các chùa ở miền Bắc cũng như cả nước. 

Một tuyệt tác nữa ở chùa là pho tượng Quan Âm tống tử, thường gọi là tượng bà Thị Kính cao 0,76 m. Tượng này diễn tả người phụ nữ thùy mị, vẻ mặt hơi buồn, ẵm một đứa bé bụ bẫm, kháu khỉnh. Đường nét chạm khắc mềm mại, trau chuốt, thoải mái về dáng điệu, sinh động về tinh thần. 

Ở dãy hành lang bên trái là 9 pho La Hán được tạo đắp diện tướng khác nhau, nhiều vẻ mặt nhưng đều với trạng thái từ bi đôn hậu. Dãy hành lang bên phải có 9 pho La Hán khác. 

Ở chùa Trung có hai pho tượng Hộ Pháp lớn, một tượng ông Thiện (bên trái), một tượng ông Ác (bên phải). 

Tòa bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 13 m thờ vọng Xá Lợi đức Phật. Với kiến trúc độc đáo và những tác phẩm điêu khắc có giá trị, chùa Mía được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. 

Lê Bích
Chùa Mía

Chùa Mía toạ lạc tại thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội 40 km về phía Tây Bắc. Chùa Mía có hiệu là “Sùng Nghiêm Tự”, nằm trên quả đồi giữa làng Đông Sàng (xã Đường Lâm).

Chùa được xây dựng từ thời xa xưa. Đến đầu thế kỷ thứ 17, chùa bị hoang phế, điêu tàn. Tương truyền, bà cung phi Ngọc Dong còn gọi là Ngô Thị Ngọc Diệu - một phi tần trong phủ chúa Trịnh Tráng (1623-1657), gốc người làng Mía, năm 1632 đã bỏ tiền đứng ra khuyên mộ dân trong vùng cùng nhau tôn tạo ngôi chùa. Khi bà qua đời, nhân dân trong vùng mến mộ uy đức của bà đã cho tạc tượng và đưa vào thờ tại chùa Mía. Người dân trong vùng còn gọi bà một cách tôn kính là Bà Chúa Mía. 

Cổng chùa Mía

Chùa Mía là một trong những ngôi chùa có nhiều tượng Phật nhất trong tất cả các ngôi chùa ở Việt Nam. Tại đây có khoảng 287 pho tượng được phân bố, bài trí trang nghiêm, là 287 câu chuyện ngợi ca những đức tính tốt đẹp tài trí của dân tộc Việt Nam. 

Toà bảo tháp 

Khách đến chùa Mía phải đi qua chợ Làng Mía, tấp nập, đông vui, cả bốn mùa. Cổng chùa Mía đơn sơ, thoạt nhìn khó đoán được cảnh trí bên trong chùa, chỉ thấy cửa Tam quan thấp thoáng trong tán cây đa già như những vệt màu đen loang lổ trên màu trời và màu cây. Tầng trên tam quan có một quả chuông lớn đúc từ năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) thuộc đời Lê và một chiếc khánh đồng, đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Cổng Tam quan nằm dưới một cây đa đại thụ, tán phủ rộng, rễ cây chi chít, nổi lên trên mặt đất. Bước vào chùa, không gian nơi đây thoáng đãng và yên tĩnh. 

Chùa Mía có 287 pho tượng 

Cấu trúc chùa Mía gồm có các tòa Tam quan, chính điện, thượng điện, nhà tổ, hành lang san sát liền kề, trong ngoài bao bọc đan xen, tạo dáng thành hình chữ mục. Đối đỉnh với ngọn cây đa là Tòa bảo tháp cử phẩm Liên hoa. Tòa tháp này mới được xây dựng gần đây để thờ vọng Xá lị đức Phật. Đây cũng là ngọn Tháp bút, Kính Thiên, bổ túc và chấn giữ cho mạch văn của làng quê phát triển. Bên trong là khu nội điện gồm: Tiền đường, Đại Hùng, Bảo Điện, Thượng điện được cấu trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” trông rất bề thế, phô diễn vẻ uy nghiêm chốn phật đường. Phía trái tiền đường có dựng một tấm bia lớn đặt lên lưng rùa, ghi rõ niên đại Đức Long năm thứ 6 (1632) đời Lê. Ngoài ra còn có một tấm bia kích cỡ lớn nhất, có niên đại cổ nhất ở khu vực chùa. Chân bia có chạm hình lưỡng long chầu nguyệt, phía dưới có đài sen rực rỡ. 


Bên trong toà Đại Hùng bảo biện nguy nga đồ sộ có 287 pho tượng trong đó có 6 tượng đồng, 107 tượng mộc và 174 tượng thổ. Đặc biệt ở chùa Mía có những cây cột bằng gỗ mít rất lớn một người ôm không hết, lên nước láng bóng rất đẹp. 


Đến chùa Mía ngày rằm hay mùng một, du khách sẽ thấy lại quang cảnh rất đẹp và trang nghiêm của các cụ bà trong làng đến dự lễ. Ở đây vẫn còn giữ phong tục đi lễ chùa ngày rằm, mùng một. Các cụ bà áo dài tứ thân, khăn đen vấn đầu, đi lễ chùa cầu kinh. Tiếng chuông, tiếng mõ, câu kinh, hòa lẫn vào dòng người áo dài khăn vấn... du khách sẽ có cảm giác như trở về thời xa xưa, hay đang xem một bộ phim lịch sử nào đó. Vòng ra phía sau chùa, vườn hoa cây cảnh thơ mộng, đặc biệt là một không gian yên tĩnh gần như tuyệt đối làm lòng người chợt thấy thanh thản.

Bên ngoài, cách chùa Mía khoảng 200 mét, có một ngôi đình làng mới được xây dựng, những ngày lễ, các cụ ông, cụ bà ra đình ngồi uống chén nước, trò chuyện, hay cùng chờ nhau đi lễ chùa. Đến đây, du khách sẽ được thấy lại một trong những đặc trưng của văn hóa miền quê xứ Bắc.


BÌNH AN

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét