31 tháng 8, 2021

Chùa Vạn Phúc

Tên thường gọi: Chùa Phật Tích

Chùa thường gọi là chùa Phật Tích, tọa lạc ở sườn núi Lạn Kha, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chùa cách Hà Nội khoảng 20 km về phía Đông Bắc. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Toàn cảnh chùa

Chùa Phật Tích nhìn từ đỉnh núi Lạn Kha

Chùa Phật Tích, Hà Bắc (kiến trúc năm 1991)

Chùa được khởi dựng vào khoảng thế kỷ VII – X. Đến thời Lý, chùa được đại trùng tu quy mô, trở thành một trung tâm Phật giáo. Vào năm 1057, Vua Lý Thánh Tông đã cho dựng cây tháp và đúc pho tượng mình vàng. Thời Trần đã cho lập một Thư viện lớn trên núi Lạn Kha do danh nho Trần Tôn làm Viện trưởng để giảng dạy các sinh đồ.

Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết hằng năm vào ngày mồng 4 tháng giêng mở hội xem hoa, nhiều người đến dâng hương lễ Phật. Chính hội xem hoa này đã dẫn đến câu chuyện lãng mạn “Từ Thức gặp tiên”. Năm 1383, Trần Nghệ Tông tổ chức thi Thái học sinh ở ngay trong chùa, lấy đỗ 30 người.

Chùa được bà Trần Ngọc Am, đệ nhất cung tần của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng cho sủa chữa quy mô vào thế kỷ XVII. Chùa bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1947. Năm 1958, chùa được dựng lại sơ sài. Đến năm 1991, chùa được xây dựng dần theo quy mô kiến trúc cổ. Vườn tháp mộ sau chùa có 32 ngôi tháp. Chùa thờ tượng nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết.

Tượng Đức Phật ngồi thiền định trên tòa sen (tượng đá cao 1,85 m, kể cả bệ là 3 m)

Quan Âm viện

Cửa sổ ở Quan Âm viện

Điện thờ Bồ tát Quan Âm



Vườn tháp Tổ

Đại hồng chung

Nhà tổ

Chùa còn giữ một số tác phẩm điêu khắc thời Lý. Ở thềm bậc nền thứ hai, có 10 tượng thú bằng đá là sư tử, voi, trâu, ngựa, tê giác, mỗi loại 2 con, mỗi con cao khoảng 2m nằm trên bệ hoa sen, cùng một số di vật khác như đấu kê, chân tảng... Đặc biệt, có một chân tảng chạm khắc thật sinh động các nghệ sĩ đang biểu diễn các nhạc khí gồm: sáo dọc, sáo ngang, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tam, đàn tì bà, trống phách. Đó là dàn nhạc bát âm cổ vào thời Lý. Bát âm là tám chất liệu âm thanh gọi chung cho 8 loại nhạc khí được chế tác bằng 8 chất liệu khác nhau: Thạch (đá, như đàn đá, khánh đá), Thổ (đất, như trống đất của dân tộc Cao Lan), Kim (sắt, có dây bằng sắt), Mộc (gỗ, như song loan, mõ), Trúc (hơi thổi, như tiêu, sáo), Bào (nhạc khí làm bằng vỏ quả bầu, như tính tẩu, đàn bầu), Tì (dây tơ, như đàn nhị, hồ, líu), Cách (da, như trống cái, trống chầu).

Đặc biệt, ở điện Phật, có pho tượng đức Phật ngồi thiền định trên tòa sen cao 1,85m, kể cả bệ là 3m. Một số nhà nghiên cứu ngày nay cho rằng bệ đá hoa sen có từ thời Lý, còn pho tượng có thể có trước thời Lý. Đây là một kiệt tác điêu khắc bằng đá ở Việt Nam.

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Nhục thân thiền sư chùa Phật Tích

Hiện vật cổ

Di vật thời Lý



Tượng thú bằng đá (mỗi con cao gần 2 met)


Tượng linh thú bằng đá thời Lý




Điêu khắc đá trên bệ tượng Phật








Điêu khắc đá ở đầu kê, chân tảng

Ao Long Trì

Tảng đá phẳng thường gọi là "bàn cở Tiên" trên đỉnh núi Lạn Kha


Phật tử tụng kinh

Bảng giới thiệu việc phục nguyên di hài thiền sư

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Chùa Phật Tích – ngôi cổ tự linh thiêng tại Bắc Ninh

Chùa Phật Tích còn được gọi là chùa Vạn Phúc, nằm cách Hà Nội 20km về phía Đông, tọa lạc trên núi Lạn Kha thuộc địa phận xã Phật Tích, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong những ngôi chùa lâu đời mang đậm dấu ấn kiến trúc thời nhà Lý.

Đường lên chùa Phật tích. Ảnh: Hoài Anh 

Theo tài liệu cổ thì chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Thái Bình thứ tư (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc. Năm 1066, vua Lý Thánh Tông lại cho xây dựng một cây tháp cao.

Sau khi tháp đổ mới lộ ra ở trong đó bức tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh nguyên khối được dát ngoài bằng vàng. Để ghi nhận sự xuất hiện kỳ diệu của bức tượng này, làng đổi tên là Phật Tích và dời cả lên trên sườn núi.

Hiện nay, chùa Phật Tích có 7 gian tiền đường để dùng vào việc đón tiếp khách, 5 gian bảo thờ Phật, đức A di đà cùng các vị tam thế, 8 gian nhà Tổ và 7 gian nhà thờ Mẫu.

Chùa Phật Tích Bắc Ninh có kiến trúc của thời Lý, thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi có kè bằng đá tảng dựng đứng như bức tường dài 58m, cao từ 3–5m, ở khoảng giữa tường là lối đi bằng đá rộng 5m có 80 bậc.

Toàn cảnh chùa Phật Tích nhìn từ xa. Ảnh: Hoài Anh

Chùa được kiến trúc theo kiểu Nội công ngoại quốc, bậc nền thứ nhất là sân chùa Phật Tích Bắc Ninh với vườn hoa mẫu đơn lưu truyền mối tình duyên trong truyền kỳ “Từ Thức gặp tiên”. Bên phải là miếu Tiên chúa thờ Trần Ngọc Am. Phía trước miếu có dựng một ngọn tháp Linh Quang xây năm Chính Hoà XX (1699).

Bậc nền thứ hai chùa Phật Tích Bắc Ninh là nơi có các kiến trúc cổ ngày nay không còn được thấy. Khi đào xuống nền ngôi chùa này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều di vật điêu khắc thời nhà Lý và nền móng của một ngôi tháp gạch hình vuông, mỗi cạnh dài 8,5 m.

Nền thứ ba cao nhất, có Long Trì (Ao Rồng) là một cái ao hình chữ nhật, đã cạn nước.

Vườn mộ tháp chùa Phật Tích. Ảnh: Hoài Anh 

10 linh thú có tuổi đời gần 1.000 năm của chùa Phật Tích. Ảnh: Hoài Anh

Ngoài ra, chùa Phật Tích còn nổi tiếng với một công trình hết sức hoành tráng và hùng vĩ đó là bức tượng Phật A di đà cao 27m nằm trên đỉnh núi.

Đây là phiên bản được lấy nguyên mẫu từ tượng Phật A di đà trong chùa, được xây dựng nhân dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tượng được đánh giá là một trong những bức tượng đá lớn bậc nhất Đông Nam Á với nhiều đường nét chạm khắc rất công phu và tinh xảo.

Tượng A-di-đà chùa Phật Tích được điêu khắc bằng đá từ thời nhà Lý. Ảnh: Hoài Anh

Sau sân nền có 32 ngọn tháp xây bằng gạch và đá là nơi cất giữ xá lị của các nhà sư từng trụ trì ở đây, phần lớn được dựng vào thế kỷ 17. Ngọn tháp lớn nhất là Tháp Phổ Quang, cao 5,10 m gồm đế, khám thờ, hai tầng diềm và mái mui luyện với chóp tròn.



Nét cổ kính bên trong chùa Phật Tích. Ảnh: Hoài Anh

HOÀI ANH
Lao Động online - 11/06/2019
Tòa bảo tháp kỳ vĩ của chùa Phật Tích

Dáng vẻ kỳ vĩ của bảo tháp chùa Phật Tích gợi nhớ về thời kỳ hoàng kim của ngôi chùa có lịch sử 1.000 năm này.

Nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi núi Lạn Kha, non Tiên), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, chùa Phật Tích là một Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Nhìn từ xa, ngôi chùa gây ấn tượng mạnh với tòa bảo tháp cao vút vươn lên từ đỉnh núi.

Bảo tháp của chùa Phật Tích được xây dựng cách đây ít năm, là công trình gợi nhớ về một tòa tháp cổ từng hiện diện ở chùa Phật Tích thời kỳ hoàng kim. Theo sử sách, năm 1066, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng một tòa tháp cao 40m

Vào thời Trần, ngôi tháp cổ bị đổ và lộ ra một bức tượng Phật A di đà bằng đá mà đến nay vẫn được lưu giữ. Nền móng tòa tháp cũ đã được khai quật, nằm ngay chính vị trí thờ Tam Bảo ngày nay

Tòa bảo tháp mới của chùa Phật Tích được xây trên đỉnh núi phía sau chùa. Tháp có 14 tầng, nhỏ dần từ dưới lên trên, chiều cao tương đương tòa tháp được ghi lại trong sử sách

Mỗi tầng tháp có 8 mặt, chính giữa mỗi mặt có trổ ô cửa vòm xếp gạch múi cam

Trong mỗi ô cửa bài trí một tượng Phật, tạo hình giống với tượng Phật cổ được phát hiện ở tòa bảo tháp xưa. Riêng các ô cửa ở tầng một là lối vào trong lòng tháp

Hai tầng dưới của tháp được trang trí bằng tượng chim thần Garuda, phỏng theo bức tượng Garuda cổ được khai quật tại chùa, hiện lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Từ chân tháp có một cầu thang cuốn dẫn lên đỉnh tháp

Đỉnh tháp treo một quả Đại hồng chung

Đại hồng chung trong bảo tháp chùa Phật Tích có kích cỡ rất lớn, chỉ được đánh vào những dịp đặc biệt

Toàn cảnh tòa bảo tháp nhìn từ tượng Phật A Di Đà khổng lồ nằm cách đó không xa

10 linh thú quỳ chầu ở chùa Phật Tích

Được xây dựng từ thế kỷ 11, 10 tượng linh thú quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) trở thành nét độc đáo, hiếm chùa nào có được.

Tượng 10 linh thú là một trong ba nhóm cổ vật của tỉnh Bắc Ninh được công nhận bảo vật quốc gia đợt 6, năm 2017. Các nhà nghiên cứu nhận định, bảo vật này có giá trị đặc biệt, gắn liền với lịch sử thời Lý (thế kỷ 11), cùng thời điểm xây dựng chùa Phật Tích.

Các linh thú có tư thế quỳ chầu trước cửa Tam Bảo. Ảnh: Quang Chiến 

Theo văn bia “Vạn Phúc đại thiền tự bi” dựng năm 1686, vua thứ ba nhà Lý (tức vua Lý Thánh Tông) năm 1057 xây tháp cao, tạo pho tượng mình vàng cao 6 thước, cấp hơn trăm thửa ruộng, xây chùa trăm gian. Trên đỉnh núi có một tòa nhà đá, "bên trong điện tự nhiên sáng như ngọc lưu ly".

"Điện ấy đã rộng, lại to, sáng sủa và lớn. Trên bậc thềm đằng trước có bày 10 con thú, phía sau có ao rồng, góc cao vẽ chim phượng và sao Đẩu lấp lánh, lầu rộng và cao, tay rồng với tận trời cao...”, văn bia ghi.

Tượng 10 linh thú gồm 5 cặp ngựa, tê giác, trâu, voi, sư tử được xếp đối xứng nhau phía trước hành lang tòa Tam Bảo. Đây là những hiện vật gốc, độc bản, được tạo tác bằng đá sa thạch nguyên khối (trừ con trâu). Riêng phần tai, sừng, đuôi được làm rời rồi lắp ghép vào thân linh thú bằng liên kết mộng. Mình của một số con thú được chạm văn mây, móc nối mềm mại.

Mỗi linh thú cao khoảng 1,2m, dài 1,5-1,8m và đều được đặt trên bệ đá hoa sen dài 1,7m, rộng 0,8m và cao 0,36m. Mặt trên của bệ đá tạc nổi hình tròn trang trí những cánh hoa sen cách điệu, mặt bên chạm nổi hình dàn nhạc công đang biểu diễn.

"Năm 1952, thực dân Pháp chiếm đóng Phật Tích, phá hủy hoàn toàn kiến trúc ngôi chùa. 10 linh thú cũng bị ảnh hưởng. Tượng voi bên phải Tam Bảo bị mất ngà và vòi, tượng trâu bên trái Tam Bảo mất sừng và mặt”, thầy Thích Giác Tính (chùa Phật Tích) cho hay.

Theo thầy Tính, do nền đất cũ thấp, các tượng linh thú đã được tôn bằng bệ đá cao thêm khoảng 20cm, vị trí đặt không thay đổi. Trải qua cả nghìn năm, trừ một số hư hỏng thời Pháp, đến nay các tượng linh thú còn tương đối nguyên vẹn. 

Riêng tượng trâu bên trái Tam Bảo được ghép bằng hai khối đá. Ảnh: Quang Chiến 

Từng có thông tin lưu truyền trong dân gian rằng khi thực dân Pháp xâm lược, nghi ngờ vua chúa giấu vàng trong các linh thú nên người Pháp xẻ thử tượng trâu để tìm kiếm. Tuy nhiên, sau nhiều công trình nghiên cứu khoa học, các nhà khảo cổ chỉ ra rằng khác với tượng linh thú còn lại, tượng trâu phía bên trái Tam Bảo được ghép bằng hai khối đá.

Những linh thú này đều có trong tích nhà Phật, mang ý nghĩa bảo vệ và quy y Phật pháp. Sư tử biểu trưng của sức mạnh. Voi được coi là sức mạnh tinh thần. Tê giác biểu tượng cho những người tu hành kiên trì cho đến ngày giải thoát. Ngựa biểu tượng cho năng lượng và sức lực trong việc hành pháp. Trâu mang ý nghĩa giải thoát tự nhiên, tư tại trong thế giới của Phật.

Hệ thống tượng thú đá kết hợp với tác phẩm điêu khắc đá cùng thời (tượng A Di Đà, tượng Kinnari - đầu người mình chim, điêu khắc rồng tại ao rồng…) tạo nên vẻ đẹp cổ kính, độc đáo của chùa Phật Tích, điều hiếm ngôi chùa nào có được.

Mặt khác bảo vật cho thấy sự phong phú về đề tài cũng như chủ đề sáng tác trong mỹ thuật Phật giáo thời Lý nói riêng, lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam nói chung. Việc giải mã ý nghĩa biểu tượng linh thú gắn với thuyết “vật linh” của Phật giáo cho thấy nét đặc trưng tư tưởng triết học Phật giáo - phổ độ chúng sinh, giác ngộ muôn loài.

Quang Chiến
Leo núi Phật Tích ngắm tượng A-di-đà

Phật Tích là một ngọn núi cao nằm ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, trên núi có chùa Phật Tích cổ kính cùng pho tượng A-di-đà cao gần 40m.

Núi Phật Tích nhìn từ con đường dẫn vào núi

Chùa Phật Tích được xây dựng năm 1057 dưới thời Lý, tọa lạc hoàn toàn trên núi Phật Tích (còn được gọi là núi Lạn Kha, Non Tiên). Núi Phật Tích cao khoảng 500 m so với mực nước biển, trên núi chủ yếu là cây thông trải dài hai bên sườn núi. Tượng A-di-đà có đôi mắt hiền từ, thanh thoát, dáng ngồi thiền, những buổi chiều hoàng hôn khi mặt trời xuống đượm vàng, tượng tạo nên một khung cảnh linh thiêng hiếm thấy.

Trên đỉnh núi còn có tòa tháp cao chừng 40 m sừng sững, có thể nhìn thấy được từ nội thành Hà Nội những hôm trời quang mây tạnh. Khách tham quan hoàn toàn có thể leo lên trên tháp để ngắm cảnh non nước Kinh Bắc hữu tình. 

Trong chùa Phật Tích còn lưu giữ bức tượng ngọc xanh cao khoảng 1,8m, đây là một bức tượng quý giá có niên đại từ thời nhà Lý, một tuyệt tác nghệ thuật điêu khắc vẫn còn tồn tại tới ngày nay.

Các rặng thông trên núi xanh quanh năm, dưới nền là lớp lá khô tạo nên khung cảnh lãng mạn, nhất là vào những ngày thu, thông tỏa ra một mùi hương quyến rũ, ngọt ngào.

Chùa Phật Tích cách trung tâm thành phố Bắc Ninh chừng 15km về phía đông nam. Bạn chạy xe máy mất chừng 15 phút là đã có thể nhìn thấy tượng A-di-đà từ xa. Nếu di chuyển từ Hà Nội, du khách đi theo đường quốc lộ 1A hoặc 1B tới Khu đô thị Hoàn Sơn rẽ phải đi tiếp một đoạn là đã đến chân núi Phật Tích. Du ngoạn chùa Phật Tích hết trọn 1 ngày do ngọn núi khá cao và rộng, cần chuẩn bị nhiều đồ ăn, nước uống trước khi lên kế hoạch vãn cảnh Phật Tích.

Tượng A-di-đà cao khoảng 40m trên đỉnh núi 


Tòa tháp đối diện với tượng Phật trên núi Phật Tích 


Quả chuông nặng khoảng 2 tấn treo trong tòa tháp 



Lối lên núi vãn cảnh chùa 



Con đường đá được xếp kín chặt bằng những phiến đá lớn 




Rừng thông phủ kín núi Phật Tích tỏa mùi thơm ngát 

Con đường xếp đá… 


Giếng cổ ở dưới chân núi Phật Tích chứa nước trong xanh mát lành 

Nguyễn Văn Công
Chùa Phật Tích

Trên sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi là núi Lạn Kha) ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh có một ngôi chùa cổ mang tên là chùa Phật Tích, hiệu là Vạn Phúc tự. Chùa nổi tiếng với kiến trúc đẹp, cảnh sắc thanh tịnh, và đặc biệt là bộ tượng đá quý hiếm mang đặc trưng nghệ thuật điêu khắc thời Lý.

Theo các tài liệu cổ, chùa Phật Tích được khởi dựng vào khoảng thế kỉ VII. Đến năm 1066, vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) cho xây dựng thêm tòa tháp Phật Tích kì vĩ, cao khoảng 40m ở sườn phía Nam núi Lạn Kha.

Tương truyền, sau khi tòa tháp đổ, bên trong lộ ra một pho tượng Phật A di đà tạc bằng đá xanh nguyên khối. Trước hiện tượng kì lạ này, xóm Hỏa Kê cạnh chùa đã đổi tên thành thôn Phật Tích.

Qua nhiều triều đại, chùa đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Năm 1947, thực dân Pháp tiến hành chiến tranh và đã thiêu rụi chùa. Từ 1954 đến nay, chùa được khôi phục dần. Tháng 4 năm 1962, chùa được nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

Chùa Phật Tích nằm nép mình bên sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi là núi Lạn Kha).

Pho tượng Phật A di đà bằng đá cao 1,85 m, có niên đại từ thời nhà Lý, được xem như một bảo vật của Quốc gia. 

Theo các nhà nghiên cứu, ngôi chùa được xây theo lối “nội công, ngoại quốc” và mang đậm phong cách kiến trúc thời Lý (1010 - 1225). Chùa toạ lạc trên khu đất cao, có nhiều kết cầu bằng đá như: thềm đá, bậc thang đá, tường kè bao quanh bằng đá... 

Trải qua thời gian và sự tàn phá của con người, nhiều công trình kiến trúc đẹp của chùa đã trở thành phế tích. Hiện nay, chùa Phật Tích còn lại 7 gian tiền đường dùng để tiếp khách, 5 gian nhà thờ Phật, 8 gian nhà tổ và 7 gian nhà thờ thánh Mẫu.

Sau chùa có khu vườn tháp với 32 ngọn tháp lớn nhỏ xây bằng gạch và đá. Phần lớn các ngọn tháp này được xây dựng vào khoảng thế kỉ XVII. Đây là nơi cất giữ xá lị của các vị sư trụ trì.

Các vị La Hán chùa Phật Tích

Đầu đao chùa Phật Tích.

3 trong số 10 pho tượng linh thú bằng đá nổi tiếng của chùa . 

Khu mộ tháp trong vườn chùa Phật tích. 

Điểm nổi bật nhất của chùa Phật Tích có lẽ phải kể đến bộ tượng đá quý hiếm có từ thời Lý. 
Điển hình nhất là pho tượng Phật A di đà cao 1,85 m, kể cả bệ là 2,8m. Đây được xem như pho tượng Phật A di đà cổ nhất miền Bắc và là bảo vật của quốc gia. Pho tượng biểu đạt một vị Phật đang trong tư thế tọa thiền trên tòa sen, hai mắt khép hờ, vẻ mặt tươi nhuận, phúc hậu và bao dung, độ lượng. Năm 2006, pho tượng đã được Trung tâm Sách kỉ lục Việt Nam xác lập kỉ lục là tượng Phật bằng đá thời Lý lớn nhất Việt Nam. Chùa Phật Tích còn có 10 pho tượng linh thú bằng đá gồm sư tử, voi, trâu, ngựa, tê giác trong tư thế quỳ phủ phục trên tòa sen cách điệu cũng?đã?được xác lập kỉ lục 5 cặp tượng linh thú bằng đá lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, tại chùa Phật Tích, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy nhiều tác phẩm điêu khắc đá cổ thời Lý có giá trị rất lớn về mặt nghệ thuật và lịch sử.

Bên cạnh những giá trị về mặt cảnh quan, kiến trúc, chùa Phật Tích còn nổi tiếng với nhiều giai thoại lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển. Sử cũ kể rằng, năm 1071, vua Lý Thánh Tông trong một lần lên vãn cảnh chùa Phật Tích, nhân lúc cao hứng đã múa bút viết một chữ “Phật” dài tới 5m và sai người khắc vào đá rồi?đem dựng?trên sườn núi. Năm 1129, vua Lý Thần Tông (1128 - 1138) lại cho làm 8 vạn 4 ngàn bảo tháp bằng đất nung đặt xung quanh chùa. Đến đời nhà Trần, năm 1383, vua Trần Nghệ Tông còn cho tổ chức kì thi Hội ở ngay trong chùa. Khoa thi năm ấy lấy đỗ 30 người.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngày nay, chùa Phật Tích đang được đầu tư tu bổ để trở thành một trong những trung tâm văn hóa Phật giáo lớn của miền Bắc.

Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét