26 tháng 9, 2021

Chùa Đại Tòng Lâm

Tên thường gọi: Chùa Đại Tòng Lâm

Chùa tọa lạc ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nằm bên trái quốc lộ 51 hướng đi Vũng Tàu, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km. ĐT: 064.876271, 064.876947, 064.876161, 0913893784. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Toàn cảnh chùa

Cổng chùa

Chùa Đại Tùng Lâm (năm 2003)

Mặt tiền chùa

Mặt tiền chùa (2006)

Ngôi chánh điện

Mặt bên ngôi chánh điện chùa Đại Tòng Lâm

Mặt sau ngôi chánh điện

Sân trước chùa Đại Tòng Lâm

Chùa do Hòa thượng Thích Thiện Hòa, từ chùa Ấn Quang (Sài Gòn) đến khai sơn vào năm 1958 với mục đích xây dựng nơi đây thành một đại tòng lâm có quy mô lớn, tiến đến mở Phật học viện, quy tụ Tăng Ni khắp nơi về tu học, đào tạo lực lượng kế thừa thực hiện sự nghiệp hoằng pháp độ sanh.

Hòa thượng Thích Thiện Hòa thế danh Hứa Khắc Lợi, sanh năm 1907 tại làng Tân Nhựt, Chợ Lớn. Ngài xuất gia năm 1935 tại Phật học đường Lưỡng Xuyên, Trà Vinh. Từ năm 1936 đến năm 1949, ngài được cử ra Huế, Bình Định, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nam học đạo và hoạt động Phật sự tại Hà Nội. Năm 1950, ngài trở về Nam, được cử làm Giám đốc Phật học đường Nam Việt, cơ sở đặt tại chùa Sùng Đức. Năm 1973, ngài được suy tôn Phó Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cho đến ngày viên tịch (1978).

Hòa thượng đã sáng lập Phật học đường Nam Việt, Phật học viện Giác Sanh, Phật học viện Huệ Nghiêm; kiến tạo Phật học Ni trường Từ Nghiêm, Phật học Ni trường Dược Sư, Trường Bồ Đề Giác Ngộ, Trường Bồ Đề Huệ Đức, chùa Đại Tòng Lâm…



Điện Phật

Bàn thờ Tổ

Bàn thờ Tổ

Tượng Vạn Phật ở chánh điện

Bàn thờ Hộ Pháp

Vạn tượng Phật gắn ở ngôi chánh điện

Cổng tam quan xây bằng đá vào năm 1974.

Trong khu đất rộng 57 hecta, bước vào cổng, bên trái có chùa Đại Tòng Lâm được xây từ năm 1958 và trùng tu năm 1982. Chùa nhỏ, diện tích 112m2 (ngang 7m, dài 16m), trước có tượng đài Bồ tát Quan Âm. Điện Phật tôn trí tượng đức Phật Thích Ca ngồi kiết già trên tòa sen, trước có tượng Đản sanh, hai bên đặt tượng Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Địa Tạng. Sát bên trong cửa chánh điện có thờ tượng Hộ Pháp và tượng Tiêu Diện. Phía sau điện Phật là bàn thờ Tổ sư Đạt Ma. Sau chùa có tháp, tượng, bia tưởng niệm cố Hòa thượng Thích Thiện Hòa. Bên trái chùa là nhà giảng, sau tượng đài có nhà tăng và nhà phương trượng.

Bảo tháp cố hòa thượng Thích Thiện Hòa

Tháp Đa Bảo

Vườn tháp

Đối diện với cổng là tháp Đa Bảo với kiểu kiến trúc ba tầng được xây dựng năm 1983. Tầng trên thờ tượng đức Phật Thích Ca, Phật Đa Bảo; hai vị Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền và hai vị đệ tử của đức Phật là Ca Diếp, A Nan. Tầng dưới thờ Bồ tát Di Lặc và bốn vị Hộ Pháp. Mặt trước tháp có cặp câu đối bằng chữ Quốc ngữ:

Thích Ca từ phụ phân thân đến
Đa Bảo Như Lai hiện pháp mầu.

Bên phải tháp Đa Bảo là vườn Lâm Tì Ni và vườn Lộc Uyển để kỷ niệm nơi Thái tử Tất Đạt Đa đản sanh và nơi đức Phật Thích Ca sau khi thành đạo chuyển pháp luân giáo hóa chúng sanh. Ở đây cũng có những câu đối bằng chữ Quốc ngữ.

Tại vườn Lâm Tì Ni:

Vườn Lâm Bi Ni bảy bước xưng tôn cùng vũ trụ
Nước Ca Tỳ La chín rồng tắm Phật tại ta bà.

Tại vườn Lộc Uyển:

Thế giới hoan ca mừng đại giác viên thành Phật quả
Diêm phù vui vẻ nay chúng sanh nhuần gội pháp mầu.

Vườn tượng đản sanh

Thái tử đản sanh

Tượng đức Phật thiền định

Tượng đức Phật thành đạo

Tượng đức Phật chuyển pháp luân

Bên trái tháp Đa Bảo có pho tượng đức Phật nhập Niết bàn nằm trên tòa sen. Tượng có mái che, trước có cổng vào.

Sau tháp Đa Bảo, có hồ sen, giữa có chiếc cầu đưa khách hành hương đến khu tượng đức Phật Thích Ca ngồi tham thiền dưới gốc cây bồ đề. Ở đây có hai cặp câu đối:

Bát sữa sư già ta dứt hết não phiền lên chánh giác
Tòa cỏ diệu kiết tường từ nay viên mãn đến bồ đề.

Bảy thất tham thiền chứng quả sao mai vừa ló dạng
Sáu năm khổ hạnh đạo thành vang dội khắp muôn phương.

Ở đây còn có pho tượng có giá trị thẩm mỹ là pho tượng Bồ tát Quan Âm lộ thiên đứng trên đầu con rồng, cao 17m.

Tượng đức Phật nhập niết bàn (năm 1996)

Tượng đức Phật nhập niết bàn (năm 2003)

Tượng Bồ Tát Quan Âm

Tượng Bồ Tát Di Lặc

Đài Di Lặc


Tượng Bồ tát Di Lặc

Tượng Bồ tát Quan Âm

Điện thờ Bồ tát Quan Âm

Bàn thờ đức Phật A Di Đà

Bàn thờ Bồ tát Quan Âm

Bàn thờ Bồ tát Đại Thế Chí

Ngôi chánh điện mới được xây dựng lớn ở khu vực này từ năm 2002 với kinh phí dự trù khoảng 30 tỷ đồng. Công trình do kiến trúc sư Lê Quang Mẫn thiết kế, công ty xây dựng Quốc Anh thi công ban đầu. Ngôi chánh điện với hai tầng thờ Phật, có chiều dài 91m, chiều rộng 46m. Đây là ngôi chánh điện thờ Phật lớn nhất Việt Nam. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục và công bố vào ngày 02-01-2006.

Trong chánh điện tầng lầu, điện Phật được bài trí trang nghiêm, tôn trí 9 pho tượng lớn bằng đá hoa cương. Chính giữa thờ tượng Di Dà Tam Tôn (đức Phật A Di Đà cao khoảng 3m, Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Đại Thế Chí); tượng Thích Ca Tam Tôn (đức Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền). Ở sau cửa vào, thờ 2 tượng Hộ Pháp; ở bàn thờ Tổ, thờ tượng Tổ Đạt Ma.

Trong chánh điện, chùa còn tôn trí 10.000 tượng Phật theo kinh Vạn Phật (từ đức Đông Phương A Súc Bệ Phật đến đức Tinh Tú Phật) làm bằng đồng mạ vàng (mỗi tượng 1.000.000đ) và tượng Phật bằng vàng (mỗi tượng 1.800.000đ).

Tầng dưới ngôi chánh điện, chùa dự định tôn trí 500 tượng đức Phật A Di Đà. Chung quanh ngôi chánh điện, chùa có kế hoạch xây dựng Linh Sơn Hội Thượng, phương trượng, trai đường, tăng xá, bệnh viện, nhà dưỡng lão… Hòa thượng Thích Quảng Hiển, Trưởng Ban Quản trị chùa, Trưởng Ban kiến thiết Đại Tòng Lâm Phật giáo đã có thông bạch ngày 21 – 10 – 2004 kêu gọi chư Tôn Đức Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước thành tâm ủng hộ tinh thần, vật chất cho công trình sơm hoàn thành.


Xá Lợi Phật

Giảng đường Đại Tòng Lâm

Một góc giảng đường

Ngôi chánh điện Phật học viện

Tượng đức Phật Thích Ca

Trước ngôi chánh điện là đài Di Lặc. Tượng Bồ tát Di Lặc bằng đá hoa cương nguyên khối, nặng 40 tấn.

Trong khuôn viên chùa hiện nay có đặt Trường Phật học Đại Tòng Lâm được hoàn thành vào năm 1995, dung chứa 1.000 người. Đại giới đàn Thiện Hòa thường được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức với quy mô lớn, nghiêm trang, trọng thể tại đây.

Năm 2004, lần đầu tiên, chùa tổ chức khóa An cư kiết hạ cho 1.047 Tăng Ni trong tỉnh về tập trung tu học trong ba tháng. 

Chùa tiếp đón hàng vạn du khách, Phật tử đến tham quan, chiêm bái hàng năm.











Đại giới đàn Thiện Hòa, ngày 22–12–1996

Đèn Dược Sư


Bia ghi công đức

Phối cảnh chùa Đại Tùng Lâm

Chùa Đại Tùng Lâm mới đang được xây dựng (năm 2003)

Chư tôn đức thọ trai

Chư tăng thọ trai


Chư ni thọ trai


Chư ni đang kinh hành

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường

Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm tự là gì?

Đại Tòng Lâm là gì?

Tui nhớ hồi còn nhỏ, khoảng giữa thập niên 1960, mỗi khi đi Vũng Tàu được nửa đường xe thường ngừng lại cho khách giải lao và... đi vệ sinh. Nơi xe dừng là bên trái quốc lộ 51 đường đi Vũng Tàu, nơi đó có nhiều cây cao, bóng mát, phong cảnh hữu tình. Người ta gọi là Đại Tòng Lâm.

Cổng chùa Đại Tòng Lâm ngày xưa. Ảnh: Võ văn Tường

Hồi đó, tui chỉ biết mang máng rằng Đại Tòng Lâm là tên một ngôi chùa nhưng khi dừng chân thì không hề bước vào ngôi chùa nào, và thiệt tình cũng không thấy ngôi chùa nào hết (cũng phải thôi, như sau này được biết, khuôn viên chùa Đại Tòng Lâm tới gần 100 ha trong khi ngôi chùa thuở ấy chỉ có 121 m²). Với đầu óc non nớt của một đứa học sinh tiểu học thuở ấy, tui tự giải nghĩa chữ đại tòng lâm là rừng cây tùng lớn, có điều cây ở đó... không phải cây tùng!

Sau này - mà sau lâu lắm, tới gần già mới biết - tui mới biết chữ Tòng trong Đại tòng lâm hổng phải là cây tùng, mà tòng lâm có nghĩa là ngôi chùa, và đại tòng lâm tức là ngôi chùa lớn.

Tui xin giải thích từng bước cho những người không biết như tui ngày xưa nghen.

Bảng tên chùa Đại Tòng Lâm được ghi bằng chữ Hán như sau:

大 叢 林 寺
Đại Tòng Lâm Tự

Chùa Đại Tòng Lâm năm 2003. Dòng chữ phía trên là Đại Tòng Lâm Tự (đọc từ phải qua trái). Ảnh: Võ văn Tường

Đại là lớn, Lâm là rừng, Tự là chùa thì rõ rồi. Tòng - viết là 叢 - nghĩa là gì?


Theo Từ điển Thiều Chửu, 叢 đọc là tùng hoặc tòng, có các nghĩa sau:

① Hợp. Sưu tập số nhiều để vào một chỗ gọi là tùng. Như tùng thư 
叢書, tùng báo 叢報 tích góp nhiều sách báo làm một bộ, một loại.

② Bụi rậm, như tùng lâm 叢林 rừng rậm, cây mọc từng bụi gọi là tùng. Bây giờ gọi chùa là 
tùng lâm 叢林 vì xưa Phật tổ thuyết pháp thường ở các nơi rừng rậm vắng vẻ sạch sẽ, cho tăng chúng tiện chỗ tu hành vậy.

Như vậy, dễ thấy rằng chữ Tòng trong tên chùa Đại Tòng Lâm chính là theo nghĩa thứ hai ở trên.

Để rõ hơn nữa, ta tra thêm trong Tự điển Phật học. Ý nghĩa của từ Tùng lâm, Tòng lâm theo Tự điển Phật học như sau:

Tòng lâm (叢林): chỉ các tự viện nơi tăng chúng tập trung sinh sống, đặc biệt chỉ cho các tự viện Thiền Tông. Xưa kia, tại Ấn Độ, phần lớn người ta thường chọn các khu rừng thâm u, tĩnh mịch, cách xa thành thị náo nhiệt, để kiến lập Tinh Xá; cho nên nơi chư tăng dừng lại an trú được gọi là Lan Nhã (蘭若, nơi vắng vẻ, yên tĩnh), tùng lâm, v.v.

Thiền Lâm Bảo Huấn Âm Nghĩa (禪林寶訓音義, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 64, No. 1262) định nghĩa hai chữ tùng lâm rằng: “Tùng lâm nãi chúng tăng sở chỉ chi xứ, hành nhân thê tâm tu đạo chi sở dã; thảo bất loạn sanh viết tùng, mộc bất loạn trưởng viết lâm; ngôn kỳ nội hữu quy cũ pháp độ dã (叢林乃眾僧所止之處、行人棲心修道之所也、草不亂生曰叢、木不亂長曰林、言其內有規矩法度也, tùng lâm là nơi chúng tăng dừng chân, là chốn hành giả dưỡng tâm tu đạo; cỏ không mọc loạn xạ gọi là tùng, cây không sinh trưởng tạp loạn gọi là lâm; gọi như vậy vì bên trong có quy củ, pháp tắc vậy).”

Chữ trên ngôi chánh điện hiện nay: Vạn Phật Quang - Đại Tòng Lâm Tự. Ảnh: PHN

Lần tìm về lịch sử hình thành ngôi chùa Đại Tòng Lâm, ta thấy viết:

Chùa do Hòa thượng Thích Thiện Hòa, từ chùa Ấn Quang (Sài Gòn) đến khai sơn vào năm 1958 với mục đích xây dựng nơi đây thành một đại tòng lâm có quy mô lớn, tiến đến mở Phật học viện, quy tụ tăng ni khắp nơi về tu học, đào tạo lực lượng kế thừa thực hiện sự nghiệp hoằng pháp độ sanh.

Vạn Phật là gì?

Hồi mới khai sơn năm 1958, chùa có tên là Đại Tòng Lâm. Sau này ta thấy có thêm chữ Vạn Phật Quang phía trước, bảng tên chùa ngày nay cũng ghi rõ là Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự.


Sở dĩ có tên Vạn Phật vì trong chánh điện chùa quả thật có tôn trí 10.000 tượng Phật. 10.000 tượng Phật thật sự, chớ không phải nói vạn một cách tượng trưng cho số nhiều. Các mặt vách chung quanh điện Phật tôn trí 10.000 tượng Phật nhỏ (mỗi tượng ngang gối 0,25 m, cao 0,30 m) theo kinh Vạn Phật. Theo Võ văn Tường, trong Chùa Việt Nam Xưa và nay, các pho tượng này bằng đồng mạ vàng mỗi tượng 1.000.000 đ và tượng Phật bằng vàng mỗi tượng 1.800.000 đ (thời giá năm 2005).



Tượng Vạn Phật ở chánh điện. Ảnh: Võ văn Tường

Phạm Hoài Nhân
Chùa Đại Tòng Lâm

Xưa kia chưa có các trạm dừng chân, các xe khách du lịch tuyến Sài Gòn - Vũng Tàu (hoặc Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Khánh - Vũng Tàu...) thường cho khách xuống xe nghỉ giải lao ở một nơi mà họ gọi là Đại Tòng Lâm.

Tôi cũng không biết xưa ấy là đến bao giờ, chỉ biết là những khi đi Vũng Tàu và dừng chân ở Đại Tòng Lâm thì mình còn nhỏ lắm. Hồi đó, tôi chỉ biết mang máng rằng Đại Tòng Lâm là tên một ngôi chùa nhưng khi dừng chân thì không hề bước vào ngôi chùa nào, và thật tình cũng không thấy ngôi chùa nào hết. Nơi xe dừng là bên trái quốc lộ 51 đường đi Vũng Tàu, nơi đó có nhiều cây cao, bóng mát, phong cảnh hữu tình. Tôi tự "dịch nghĩa" chữ đại tòng lâm là rừng cây tùng lớn, có điều cây ở đó... không phải cây tùng!

Tam quan chùa Đại Tòng Lâm, quay mặt ra quốc lộ 51

Chùa Đại Tòng Lâm tên đầy đủ là Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự, tọa lạc tại xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trên đường đi Vũng Tàu, đến địa phận xã Phú Mỹ ta nhìn sang bên trái sẽ thấy chùa. Khuôn viên chùa rộng đến gần 100 ha, chánh điện nằm sâu bên trong, do đó ngày xưa khi chùa chưa xây dựng và phát triển quy mô lớn thì khi dừng chân bên đường chỉ thấy rừng cây.


Nhiều năm qua, Đại Tòng Lâm Tự đã phát triển và xây dựng mới rất nhiều. Hiện giờ, đây là nơi đông đảo Phật tử đến thành tâm chiêm bái, cũng là nơi nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự còn là nơi giữ những kỷ lục quốc gia về Phật giáo như sau:
  • Ngôi chùa có ngôi chánh điện lớn nhất Việt Nam
  • Ngôi chùa có số tượng Phật nhiều nhất Việt Nam
  • Tượng Bồ tát Di Lặc bằng đá hoa cương nguyên khối lớn nhất Việt Nam
  • Chùa có khóa An cư kiết hạ có số Tăng Ni tập trung nhiều nhất Việt Nam.
Bài viết này không có tham vọng mô tả chi tiết về chùa Đại Tòng Lâm, bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây..

Bây giờ viếng thăm chùa Đại Tòng Lâm bạn cần có nhiều thời gian. Thời gian để đi dạo và ngắm cảnh, để chụp ảnh vừa trầm mặc trang nghiêm của chốn thiền môn vừa xanh tươi hữu tình của thiên nhiên; nếu là Phật tử bạn còn phải vào chùa cung kính lễ Phật... Vì vậy, không thể chỉ là chặng dừng chân 10 phút. Tốt nhất là khi đi tắm biển Vũng Tàu, Long Hải trên đường về bạn hãy ghé vào đây - trên đường về thì chùa nằm bên phải nhé bạn. 

Vườn tượng Cửu phẩm Cực Lạc gồm 48 pho tượng đức Phật A Di Đà bằng đá hoa cương

Tượng Phật Quan Âm từ bi trong nắng chiều

Các vị La Hán

Tượng Phật dưới gốc cây


Ngôi chánh điện 2 tầng, dài 91 met, rộng 46 met, lớn nhất Việt Nam

Sau khi gột rửa xác thân bằng sóng biển dạt dào thì giờ đây hãy tiếp tục làm tâm hồn mình trong mát bằng tiếng chuông chùa thanh tịnh nhé bạn..

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét