26 tháng 9, 2021

Chùa Hải Vân

Tên thường gọi: Chùa Hải Vân

Chùa tọa lạc tại số 74 đường Hạ Long, phường 1, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. ĐT: 064.856303. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Toàn cảnh chùa

Đường lên chùa Hải Vân

Chùa được Ni trưởng Thích Nữ Như Thanh khai sơn vào năm 1966.

Ni trưởng tiếp tục cho trùng tu, mở rộng ngôi chùa vào các năm 1969, 1972, 1974. Chùa có phòng phát hành kinh sách và phòng đọc sách hoạt động rất tốt. 

Ngôi Quan Âm bảo điện được xây dựng năm 1990 và hoàn thành năm 1992 do sự phát tâm cúng dường của hai Phật tử Mạch Văn Kỳ và Nguyễn Thị Ánh (Canada). Đại lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 22 – 3 – 1992, với sự chứng minh của chư vị Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Từ Nhơn, Hòa thượng Thích Đạt Hảo cùng sự tham dự của hàng ngàn chư tôn giáo phẩm, Tăng Ni và Phật tử. Đây được coi là ngôi bảo điện Quan Âm lớn nhất của Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Điện Phật

Quan Âm Bảo điện

Bức phù điêu Bồ tát Quan Âm


Lễ cắt băng khánh thành Quan Âm Bảo điện

Chư tôn đức, tăng ni trong buổi lễ khánh thành Quan Âm Bảo điện (năm 1992)



Chư tôn đức

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Chùa Hải Vân - Điểm đến của nhiều du khách

Lưng tựa vào Núi Nhỏ, mặt hướng ra biển Bãi Dứa tạo nên phong cảnh ngoạn mục, chùa Hải Vân (đường Hạ Long, phường 2, TP. Vũng Tàu) là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách khi đến thành phố biển.

Cổng chùa Hải Vân hướng nhìn từ đường Hạ Long.

Đầu Xuân, từ Bãi Sau, đi theo đường Hạ Long hướng về Bãi Dứa, chúng tôi lên chùa Hải Vân viếng cảnh. Gió Xuân lồng lộng, hương Xuân còn vương vấn trên cảnh sắc ven đường. Khung cảnh thơ mộng, một bên là biển cả bao la, một bên là vách núi. Chùa Hải Vân nằm trên triền núi, nhưng cổng chùa được xây dựng ngay mặt đường Hạ Long, dưới chân Núi Nhỏ.

Tiếp chúng tôi, ni sư Huệ Nghĩa đang tu tập tại chùa giới thiệu, chùa Hải Vân thuộc hệ phái Bắc Tông. Với mong muốn tạo lập một ngôi chùa nơi thanh vắng, có cảnh núi non hùng vĩ để độ cho phật tử lớn tuổi có chí nguyện xuất gia, mở đạo tràng tòng lâm cho ni chúng, năm 1964, Ni trưởng Thích Nữ Như Thanh, nguyên Viện chủ chùa Huê Lâm (quận 11, TP. Hồ Chí Minh) đã chọn núi Tao Phùng (Núi Nhỏ) làm nơi xây dựng chùa Hải Vân, với sự trợ giúp của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện.

Chùa Hải Vân có diện tích hơn 739 m², gồm 3 khu vực: Điện chính, sân lễ và tiền sảnh. Thiền đường được xây dựng xong vào năm 1965. Năm 1969, hoàn thành việc xây dựng chính điện và nhà tổ. Năm 1972, công trình Pháp bảo tạng hoàn thành, là nơi lưu giữ bộ Đại tạng Đại chánh tân tu đem về từ Nhật Bản.

Năm 1992, công trình kiến trúc Quan Âm Bảo điện hoàn thành, do phật tử ở Canada phát tâm cúng dường. Đường lên Quan Âm Bảo điện gồm 2 lối. Lối thứ nhất theo bậc cấp rẽ vòng lên tiền sảnh. Lối thứ hai lên thẳng theo tường ngăn bên hông.

Quan Âm Bảo điện ở chùa Hải Vân.

Từ tiền sảnh vào Quan Âm Bảo điện vòng quanh sân lễ, với 3 bậc từ thấp lên cao, tượng trưng cho Bát Chính đạo và Thập nhị nhân duyên. Bảo điện sừng sững uy nghi, mái ngói cong như ngọn sóng, phía trong là bức tượng Quan thế âm Bồ Tát cao gần 10m, dung mạo hiền từ nhân hậu. Vách tường bên phải trang trí bức phù điêu mô tả tích truyện Quan thế âm Bồ Tát thu phục Phổ Đà sơn. Vách tường bên trái là bức phù điêu mô tả tích truyện Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Quán tự tại Bồ Tát. Dọc theo bức vách đi lên Bảo điện có 53 bài thơ tham học Phật pháp của Thiện Tài Đồng tử dựa theo ý tứ Nhập pháp giới của bộ kinh Hoa Nghiêm. Quan Âm Bảo điện chùa Hải Vân là công trình kiến trúc tôn giáo có tính nghệ thuật cao, được coi là Bảo điện Phật giáo lớn nhất ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra, chùa Hải Vân còn thành lập đạo tràng Bát Quan Trai, có hàng trăm cư sĩ các nơi đến tu học.

Tiễn tôi ra cửa, ni sư Huệ Nghĩa lấy trên kệ sách tặng tôi tập thơ sinh thời cố Ni trưởng Thích Nữ Như Thanh sáng tác. Tôi xin mạn phép trích 2 câu in trong tập thơ ca ngợi vẻ đẹp của chùa Hải Vân: “Hải Vân soi bóng đông triều/Sứ đào tỏa rạng nắng chiều trời Xuân...”.

TRẦN QUANG VINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét