26 tháng 9, 2021

Chùa Mahatúp (Chùa Dơi)

Tên thường gọi: Chùa Dơi

Chùa thường được gọi là chùa Dơi, tọa lạc ở số 73B đường Lê Hồng Phong, phường 3, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. ĐT: 079.822233. Chùa thuộc hệ phái Nam tông (Khmer).

Cổng chùa

Chùa Mahatup

Mặt tiền chùa

Ngôi chánh điện

Chùa được dựng vào khoảng thế kỷ XVI, đã được trùng tu nhiều lần. Gần đây, nhà sư trụ trì Kim Rênh đã tổ chức trùng tu ngôi chùa trong hai năm 1994 – 1995.

Điện Phật được bài trí trang nghiêm, chính giữa tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca thành đạo bằng đá, cao 1,50m, ngồi trên bệ cao 1,9m. Phía trước, thờ hai pho tượng đức Phật Thích Ca trì bình khất thực (có tài liệu gọi là tượng Phật khuyến thiện) đứng trên đài sen, giữa là tượng đức Phật trong tư thế sư tử ngọa và níp bàn (Phật giáo Bắc tông thường gọi là tượng đức Phật nhập Niết bàn).

Chung quanh vách ngôi chánh điện, có nhiều tranh của họa sĩ Thạch Thôn vẽ minh họa cuộc đời của đức Bổn sư từ sơ sinh đến nhập níp bàn. Có bức tranh rất lớn như tranh đức Phật Thích Ca đi từ thiên đàng xuống, có chiều cao 5m, chiều ngang 3,8m.

Điện Phật

Tranh vẽ đức Phật Thích Ca


Kinh Phật viết trên lá thốt nốt

Chùa còn lưu giữ nhiều bộ kinh luận viết trên lá cây thốt nốt.

Cạnh nhà sala có một căn nhà đặt chiếc ghe ngo dùng trong hội đua ghe ngo trong ngày lễ Ok Oom Bok (lễ cúng trăng hoặc lễ đút cốm dẹp) được tổ chức vào ngày 15 tháng 10 âm lịch để tưởng nhớ công ơn mặt trăng vốn được người Khmer coi là vị thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi.

Ở tất cả nhánh cây trong vườn chùa, nhất là khu vực phía sau ngôi chánh điện, từ rất lâu, đã có những đàn dơi rất đông đến sinh sống. Các nhà sư ở đây cho biết, hàng vạn con dơi khắp nơi trong vùng đã bay về ở đây từ khi chùa mới được tạo dựng. Cứ mỗi đêm, chúng bay đi kiếm ăn. Và khi chùa bắt đầu tiếng chuông tụng niệm thời kinh vào sáng sớm, chúng lại về chùa. Chúng không hề ăn trái cây trong vườn chùa và cảm thấy chùa là nơi chúng trú ngụ an ổn nhất.

Chùa Dơi là điểm chiêm bái và tham quan du lịch nổi tiếng ở Nam Bộ xưa nay.

Tượng Krud

Trang trí rồng ở thành bậc cấp

Chiếc ghe ngo của chùa


Đàn dơi ở vườn chùa

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Về Sóc Trăng vãn cảnh chùa Dơi

Chùa Dơi (tỉnh Sóc Trăng) nổi tiếng là một quần thể kiến trúc đẹp và độc đáo bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một ngôi chùa cổ kính hơn 400 năm tuổi, và đặc biệt là được nhìn ngắm đàn dơi hàng trăm nghìn con đang cư ngụ trong khuôn viên chùa. 

Chùa Dơi còn gọi là chùa Mã Tộc hay chùa Mahatup là di tích nghệ thuật cấp quốc gia với hàng ngàn bảo vật quý gồm tượng Phật và bộ tứ linh Long Ly Quy Phượng đều được nặn bằng đất sét. Chùa gồm 3 công trình kiến trúc chính là chánh điện, Sala và nhà thờ cố lục cả Thạch Chia, người có công trong việc trùng tu lại ngôi chùa. Được khởi công xây dựng từ năm 1569, đến nay chùa Dơi đã được trùng tu nhiều lần. Trong đó, công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa là ngôi chánh điện đến năm 1960 được trùng tu thay đổi toàn bộ chất liệu: bêtông đã thay thế gỗ, mái ngói thay lá dừa nước.

Là một trong những ngôi chùa của đồng bào Khmer, chùa Dơi còn gọi là chùa Mã Tộc tọa lạc ở đường Mai Thanh Thế (Khóm 9, phường 3, Tp. Sóc Trăng). Ảnh: Trọng Chính

Nụ cười huyền bí của các bức tượng tiên nữ Kemnar chắp tay trước ngực trang trí dọc hành lang Chùa Dơi. Đầu mái phía đầu hồi được chạm trổ tinh xảo hình rắn Na-ga uốn lượn. Ảnh: Trọng Chính

Nhà Sala, nơi sinh hoạt cộng đồng, hội họp, làm lễ, tiếp khách và cũng chính là nơi nghỉ ngơi của các sư và khách hành hương ở lại. Ảnh: Trọng Chính

Khuôn viên chùa cổ kính và thanh tịnh với hàng cây sao cổ thụ to cao, chiếm hết không gian từ ngoài cổng cho đến phía sau của chùa, nơi có những ngôi tháp mộ mang kiến trúc đặc trưng bà con dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trọng Chính

Không gian bình dị bên trong chùa Dơi. Ảnh: Lê Minh

Chùa Dơi lọt thỏm trong không gian xanh của cả một cánh rừng cây sao và dầu cổ thụ. 

Cổng chùa Dơi có kiến trúc trang trí các hoạ tiết hoa văn hình cánh sen và hoa cà ri cách điệu. Bước vào khuôn viên chùa Dơi, không gian được mở ra là cả một cánh rừng với đủ loại cây, song nhiều nhất vẫn là cây sao và cây dầu. Đây chính là nơi cư trú của hàng trăm nghìn con dơi, trong đó có những con lớn đến mức sải cánh dài cả mét, sống thành bầy như đan dày đặc trên những nhánh cây. Ban ngày, dơi rủ nhau đi kiếm ăn, để lại một không gian vắng lặng nơi sân chùa. Chiều đến, sự vắng lặng ấy nhường lại cho sự xao xác, ồn ã của những cánh dơi, bay đen kịt trong cảnh hoàng hôn buông xuống.

Sau những trải nghiệm với dơi, du khách sẽ được khám phá nét kiến trúc của ngôi chùa Dơi cổ kính thể hiện ở điêu khắc Ăngkor với nhiều phù điêu và hoa văn trên làng loạt cột đài nơi chánh điện. Đầu tiên là nụ cười huyền bí của những bức tượng tiên nữ Kemnar chắp tay trước ngực, dọc hành lang. Phía trên, mái chánh điện có kết cấu đặc biệt với 4 hệ thống mái chồng lên nhau. Riêng mỗi mái đều được trang trí tượng hình rồng ở các góc, đầu có sừng uốn lượn, mảnh mai, thân rồng theo mô típ của loài cá Poon-co, nên không có chân, trên còn đeo những đao mác nhọn. Một phần mái tiếp giáp với cột trang trí hình tượng chim Cay-no, ưỡn ngực đỡ lấy mái chùa, cong vút, vẽ lên nền trời xanh một đường cong kỳ ảo, như thỉnh gọi đức Phật ban phước cho con người và vạn vật.

Bên trong chánh điện, tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối cao 1,5m được đặt trang trọng trên một tòa sen cao. Chánh điện càng trở nên tôn nghiêm, uy nghi thanh thoát khi trần được trang trí những mảng tranh sơn dầu hình tiên nữ múa hát trên bầu trời, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa giá trị nghệ thuật kiến trúc với hội họa mang đậm bản sắc văn hóa Khmer. Đặc biệt, du khách còn có cơ hội tìm hiểu giá trị nghệ thuật của bộ Kinh Phật viết trên lá cây thốt nốt ngay trong không gian chính điện chùa Dơi.

Với lối kiến trúc độc đáo, các hàng cột trong ngôi Chánh điện trang trí nhiều hình ảnh minh họa các tích Phật đã tạo ấn tượng mạnh cho du khách khi thăm chùa. Ảnh: Trọng Chính

Các bức tường của nhà Sa La ở chùa Dơi được trang trí các mảng tranh sơn dầu hình tiên nữ
đang múa trên bầu trời. Ảnh: Trọng Chính

Dàn nhạc cụ truyền thống phục vụ lễ hội của bà con dân tộc Khmer trong chùa Dơi. Ảnh: Lê Minh

Phù điêu trang trí ở chùa Dơi. Ảnh: Lê Minh

Ngay từ cổng vào, du khách đã choáng ngợp bởi màu vàng rực, óng bao phủ gần như toàn bộ ngôi chùa.  Ảnh: Trọng Chính

Bên trong chánh điện là pho tượng Phật sơn son thiếp vàng. Ảnh: Trọng Chính

Các nghệ sĩ dân tộc Khmer biểu diễn những giai điệu ngũ âm truyền thống của dân tộc mình ở chùa Dơi. Ảnh: Trọng Chính

Hàng ngày có hàng vạn con dơi về chùa trú ngụ mà chủ yếu là loài dơi quạ, dơi ngựa, mỗi con trưởng thành sải cánh dài khoảng 1m và nặng khoảng 1,5 kg. Ảnh: Lê Minh

Là quần thể kiến trúc đẹp, có giá trị thẩm mỹ cao, ngoài việc thoả mãn nhu cầu sinh hoạt của đời sống tâm linh, chùa Dơi còn có chức năng hướng người dân tham gia sinh hoạt tôn giáo đến chân - thiện - mỹ, làm điều hay lẽ phải, làm việc thiện, tích phúc cho đời. Chùa Dơi là một minh chứng về Phật giáo Nam tông trong xã hội Khmer hiện nay không phải là tôn giáo thoát tục, lánh xa cuộc đời mà hoà nhập vào cuộc sống đời thường với phương châm “tốt đạo, đẹp đời”.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Trọng Chính, Lê Minh
Những bí ẩn chưa có lời giải ở chùa Dơi

Đồng bằng sông Cửu Long có chừng 600 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, thì chùa Dơi ở Sóc Trăng nổi lên như một quần thể kiến trúc đẹp và độc vào bậc nhất.

Chùa Dơi hay chùa Mã Tộc, chùa Mahatup là quần thể kiến trúc tiêu biểu trong tín ngưỡng của đồng bào Khmer, nằm cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 3 km về hướng đông nam. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, diễm lệ của ngôi chùa cổ hơn 400 tuổi, mà còn được hòa mình vào thiên nhiên huyền bí với những bầy dơi treo mình trên khắp những tán cây trong khuôn viên chùa.

Kiến trúc độc đáo

Ngay từ cổng vào, du khách không khỏi choáng ngợp trước màu vàng rực, óng bao phủ gần như toàn bộ chùa Dơi. Nếu như cổng chính trang trí đơn giản, thì ở cổng phụ gác hai bên là rắn khổng lồ 5 đầu đang phồng mang trợn mắt như chờ chực đớp, khiến nhiều người phải giật mình, e sợ. 

Chùa Dơi là một trong những ngôi chùa Khmer cổ nhất ở Sóc Trăng. Ảnh: yesvietnam. 

Nhưng chỉ cần mạnh dạn bước tiếp vào trong, bạn sẽ được chào đón bằng nụ cười huyền bí của những bức tượng tiên nữ Kemnar chắp tay trước ngực, đắp trên hành lang bao quanh gian chính điện. Bên trong đặt một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối cao 1,5 m, ngự trên một tòa sen cao, xung quanh là những bức tường trang trí các tác phẩm tranh vẽ sinh động, mang phong cách dân gian.

Bạn cũng sẽ bắt gặp ở đây họa tiết tiêu biểu trong kiến trúc Khmer với nhiều tháp nhỏ trên mái chùa, phía đầu hồi chạm trổ hình rắn Naga uốn lượn đầy tinh xảo. Ngoài gian chính điện, trong khuôn viên chùa còn có nhiều bảo tháp chứa di hài, nơi thờ cúng các nhà sư quá cố và nhà ở của các sư, nhà hội Sa La.

Sức thu hút của chùa Dơi còn nằm ở khu vườn rộng mênh mông với vô vàn loại cây cổ thụ xen lẫn những loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt. Du khách có thể thỏa sức thả bộ trong vườn và tận hưởng không gian mát rượi. Đặc biệt ở đây còn có một hồ nước kè bằng đá, tạo cảm giác yên lành, thanh tịnh. Đứng trên bờ chỉ cần vỗ tay, cá dưới hồ sẽ ngoi lên và tranh nhau đớp mồi khi khách tham quan thả thức ăn xuống nước.

Nơi cư trú của loài dơi 

Những chú dơi vắt vẻo trên cây trong khuôn viên chùa như cây trái trên cành. Ảnh: nangxanh. 

Điều thích thú nhất với du khách khi đến chùa Mã Tộc là được chiêm ngưỡng cảnh hàng nghìn chú dơi treo mình lủng lẳng như trái cây trên cành lá. Lúc cao điểm chùa thu hút tới hơn một triệu con dơi. Mặc dù ở Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa thanh tịnh, vườn cây bóng mát, nhưng việc dơi chỉ chọn chùa Mã Tộc làm nơi cư trú dường như vẫn là điều bí ẩn. Chúng chỉ đậu trên những tán cây trong khuôn viên chùa, tuyệt nhiên không đậu ở bên ngoài.

Dơi ở chùa chủ yếu là loài dơi quạ quý hiếm, có trọng lượng 1 - 1,5 kg và sải cánh rộng đến 1,5 m. Là giống dơi ăn quả và sống trong khu vườn xum xuê cây trái nhưng chúng không bao giờ ăn hoa quả ở trong chùa, mà thường bay đi rất xa để kiếm ăn.

Vì thế, khi hoàng hôn buông xuống, khung cảnh ở chùa rộn ràng khác lạ, với âm thanh náo động của bầy dơi vỗ cánh, gọi đàn đi kiếm ăn đêm. Kỳ lạ thay, chúng bay thành hàng và lượn vài vòng trên bầu trời khu vực chùa chứ không bao giờ bay thẳng qua nóc ngôi chính điện. Dù chưa thể giải thích vì sao nhưng nhiều người liên tưởng điều này giống như lời cầu khẩn đức Phật ban phước lành của bầy dơi trước khi đi. 

Khu mộ của những chú lợn 5 móng ở chùa Dơi. Ảnh: otosaigo

Ngoài dơi, những câu chuyện truyền tai về loài lợn 5 móng khiến ngôi chùa cổ ở Sóc Trăng càng chìm đắm trong sắc màu bí ẩn. Theo người Khmer thì lợn 5 móng là “cốt tinh” của con người, họ tin rằng gia đình nào nuôi phải con heo này thì sẽ gặp bất hạnh, lục đục, vì bị con heo "thành tinh" này quấy phá. Vì vậy, từ hơn 20 năm trước, lợn 5 móng đã được gửi vào chùa Dơi nhờ trông nom, chăm sóc.

Dù những câu chuyện này thật hư chưa sáng tỏ nhưng khi đến đây, bạn sẽ được tham quan khu mộ của những chú lợn 5 móng nằm khuất sau chùa. Nhiều người ngày nay tin rằng thành khẩn thắp nhang cầu khấn ở đây sẽ được các “dị nhân” hiển linh ban cho những con số thần tài, độc đắc. Nếu có đôi chút tò mò về loài lợn 5 móng, bạn có thể đi theo cổng sau của chùa Dơi, rồi băng qua con đường nhỏ cách 50 m để mục sở thị tại "nhà" nuôi.

Vy An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét