21 tháng 9, 2021

Chùa núi Châu Thới

Tên thường gọi: Chùa Châu Thới

Chùa tọa lạc tại xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, trên một ngọn núi cao 85m. ĐT: 0650.751519. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Chùa trên núi Châu Thới

Toàn cảnh chùa

Một góc chùa

Mặt tiền chùa

Chùa do Thiền sư Khánh Long tạo dựng vào thế kỷ XVII. Sách Sơ thảo Phật giáo Bình Dương (NXB. Mũi Cà Mau, 2000) cho biết chùa có thể được lập vào năm Tân Dậu (1681). Nhà tổ và giảng đường được trùng tu năm 1930, tam quan xây dựng năm 1970, 220 bậc thang lên xuống núi được xây đắp xi măng năm 1971. Ngôi chánh điện được Hòa thượng Viện chủ Thích Huệ Thông và Thượng tọa trụ trì Thích Minh Thiện tổ chức đại trùng tu từ năm 1993 đến năm 1995.

Kiến trúc chùa chính gồm một quần thể bao gồm: ngôi chánh điện, nhà Tổ, điện Thiên Thủ Thiên Nhãn, miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu và Ngũ Hành Nương Nương (thuộc tín ngưỡng dân gian). Cấu trúc mái trên chánh điện theo kiểu tứ tượng. Chùa sử dụng những mảnh gốm sứ đắp lên các con rồng ở cuối các đầu đao của mái chùa. Trên đỉnh mái, có chín con rồng nhìn ra nhiều hướng. Mặt tiền được đắp gốm sứ tạo các loại hình như tứ linh, thủ quyển, đức Phật đản sanh…

Điện Phật (1995)



Điện Phật

Điện thờ Hộ Pháp

Tượng đức Phật đản sanh

Tượng đức Phật Thích Ca

Tượng đức Phật A Di Đà

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm

Tượng Bồ tát Đại Thế Chí

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Tầng trên thờ tượng Di Dà Tam Tôn: đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Các tầng kế thờ đức Phật Thích Ca (cao 3m), đức Di Lặc, tượng Đản sanh. Các pho tượng trên đều được đúc bằng đồng tại chùa do nhóm thợ Huế thực hiện. Hai bên vách chánh điện thờ bộ tượng Thập Bát La Hán và Thập Điện Minh Vương bằng đất nung.

Năm 1988, chùa đúc một đại hồng chung (đúc tại Huế, theo mẫu đại hồng chung chùa Thiên Mụ).

Năm 1996, chùa xây dựng một bảo tháp 4 tầng, cao 24m: Tầng 1 tôn trí tượng Quan Đế bằng đồng nặng 5 tấn, tầng 2 tôn trí tượng Bồ tát Địa Tạng bằng đồng nặng 3 tấn, tầng 3 tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đồng nặng 1 tấn, đại hồng chung nặng trên 1,5 tấn và tầng 4 tôn thờ Xá Lợi Phật.

Ở Tây lang, chùa tôn trí tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn, đại hồng chung nặng 850kg đúc năm 2003. Đặc biệt ở đây có điện Di Lặc với pho tượng Ngài cao 2,4m, nặng 2,5 tấn, bằng gỗ buôn mu (ở Lào).

Ở Đông lang, chùa tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca nhập niết bàn bằng đá (ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) dài 4,5m, nặng 8 tấn; tượng Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) và tượng Ngọc Hoàng (năm 2003).

Tượng đức Phật nhập Niết Bàn



Đài Bồ tát Quan Âm

Tượng Bồ tát Địa Tạng

Tòa Cửu Long

Điện Diêu Trì Địa Mẫu

Chùa còn bảo tồn nhiều pho tượng cổ và tượng quý như bộ tượng Thập bát La Hán, Thập Điện Minh Vương bằng đất nung; tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng gỗ mít và một số tượng Phật, tượng Bà Chúa Xứ bằng đá xanh. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ 3 pho tượng Phật bằng đá có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVIII.

Các đời Hòa thượng trụ trì chùa: Hồng Kiềm – Chơn Quả, đời 40 dòng Lâm Tế Chánh Tông ( ? – 1922), Nhật Tâm – Đồng Minh (1922 – 1936), Nhật Liên – Thiện Hóa (1936 – 1950), Lệ Huệ – Thiện Chí (1950 – 1953), Lệ Thiện (1953 – 1958), Huệ Thông (1958 – 1983). Thượng tọa Thích Minh Thiện trụ trì từ năm 1983 đến nay.

Chùa là một danh lam thắng cảnh của tỉnh Bình Dương. Hằng năm, chùa đón tiếp hàng vạn du khách, Phật tử đến tham quan, chiêm bái. 

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1989.


Tượng Hộ Pháp

Đức Phật thuyết pháp

Tượng Trúc Lâm Tam Tổ

Tượng Ngọc Hoàng

Một góc mái chùa

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Có những ngôi chùa mang tiếng "oán tình nhân"

Người ta đồn rằng chùa Thiên Mụ ở Huế là ngôi chùa oán tình nhân, rằng đôi lứa yêu nhau mà đến viếng chùa này thì cuộc tình sẽ tan vỡ, không tử biệt thì cũng sinh ly. Không phải chỉ chùa Thiên Mụ, còn một số ngôi chùa khác cũng dính với lời nguyền giống như vậy, nhưng Thiên Mụ là ngôi chùa lớn nhất, nổi tiếng nhất nên được nhắc tới nhiều nhất về chuyện oán tình nhân này.

Có thiệt không hả? Có thiệt chớ! Là tui nói có lời đồn như vậy thiệt, còn lời đồn đó đúng hay sai thì... hi hi hi!

Tui thì hoàn toàn không tin những chuyện như vậy nên nghe qua rồi bỏ, chả để ý làm gì. Thế nhưng mới đây, nhân dịp trò chuyện với một người bạn tui mới biết không cần ra Huế chi cho xa, ở ngay sát bên tui cũng có một ngôi chùa oán tình nhân nổi tiếng không kém. Đó là chùa Núi Châu Thới, ở cách nhà tui có 5 km.

Châu Thới sơn tự, nhìn từ chân núi

Bạn tui dẫn chứng rất hùng hồn bằng... kinh nghiệm bản thân. Ảnh kể rằng sau khi dẫn người yêu lên núi Châu Thới viếng chùa thì chỉ một thời gian ngắn sau là hai người chia tay. Sau đó, ảnh có người yêu mới. Ảnh lại dắt nàng lên núi Châu Thới chơi và hai người lại chia tay. Bây giờ, ảnh đang có cô người yêu thứ ba, chưa dắt lên chùa núi Châu Thới chơi và... chưa chia tay.

Tui nghĩ thầm trong bụng: không biết tại anh chàng này có nhiều người yêu quá nên mới có nhiều lần chia tay hay tại lời nguyền linh ứng? Tui về nhà, search trên mạng và thấy đúng là từ lâu nay rồi chùa núi Châu Thới có lời đồn là ngôi chùa oán tình nhân thiệt, và cũng có rất nhiều lời bàn ra tán vô rằng lời nguyền ấy có linh không.

Chùa Châu Thới

Như đã nói, ngôi chùa oán tình nhân này ở gần xịt nhà tui hà, cho nên tui đã lên đó không biết bao nhiêu lần, có cả dẫn bạn bè lên chơi nữa. Tui ngồi lẩm nhẩm tính coi trong số những người mình dẫn lên chùa chơi có ai chịu ảnh hưởng của lời nguyền chưa. Hình như là chưa. Nhưng tui tin là lời nguyền sẽ ứng nghiệm. Là sao? Là vầy: nếu có cặp đôi nào lên chùa ắt hẳn không sớm thì muộn sẽ có một người chết trước, không phải là vài ba chục năm sau thì cũng là năm bảy chục hay một trăm năm sau. Chắc chắn là sẽ chết, sẽ chia lìa đôi lứa!

Còn về phía anh bạn tui, tui chợt nghĩ ra một ý hay, chẳng những áp dụng được cho ảnh mà còn cho nhiều người khác nữa. Nếu muốn chia tay người yêu, chỉ việc dắt nhau lên chùa Châu Thới chơi! Sau đó sẽ thoải mái đổ thừa Không phải tại chúng mình.

Không phải tại anh, cũng không phải tại em
Tại chùa Châu Thới nên chúng mình xa nhau

Tam quan chùa, nhìn từ bên trong

Phạm Hoài Nhân
Bóc trần sự thật về ngôi chùa “oán tình”

Những câu chuyện thêu dệt về ngôi chùa “hễ cầu nguyện là đôi lứa chia tay” khiến dư luận hoang mang

Lâu nay, tại Bình Dương, người ta đồn thổi về một ngôi chùa hết sức kỳ lạ. Hễ những cặp tình nhân nào đến đây khấn vái thì sau đó sẽ xảy ra cãi cọ rồi chia tay. Từ đó, những thông tin về ngôi chùa "oán tình" cứ thế lan rộng khiến bao người sợ hãi. Được biết, ngôi chùa "truyền thuyết" này có tên là Châu Thới Sơn, được xây ngay trên ngọn núi Châu Thới (xã Bình An, huyện Dĩ An, Bình Dương). Chùa được bao bọc bởi nhiều cây cối um tùm, dưới chân núi là hồ nước rộng lớn. Địa thế, cảnh vật ngôi chùa đã góp phần làm tăng sự thêu dệt của người dân bởi nơi đây quá u tịch.

Đỉnh ngôi chùa rộ tin đồn "oán" tình nhân

Ngôi chùa mang tiếng "oán tình"

Từ TP.HCM, chúng tôi chạy ngược xuống Bình Dương để tìm về ngôi chùa kỳ lạ này. Đến trung tâm thị trấn Dầu Tiếng rồi chạy dọc theo đập lòng hồ Dầu Tiếng khoảng chừng 3km sẽ thấy một ngôi chùa nằm phía bên phải ở vị trí rất cao. Ngôi chùa được xây dựng hai tầng mái, xung quanh còn có những ngôi nhà trang trí bằng nhiều loại gỗ quý. Chùa mang tiếng "oán tình" nằm chót vót trên đỉnh núi Châu Thới cao 85m.

Đứng từ xa, chúng tôi dễ dàng nhận ra ngôi chùa này với bức tượng Quan Âm cao 22,5m, nặng hơn 100 tấn được đặt trên đỉnh núi vào năm 2007. Với 220 bậc thang bằng xi măng, chùa Châu Thới Sơn đã được xây dựng mới và trùng tu nhiều lần theo kiểu kiến trúc cổ của Trung Quốc. Chùa gồm có nhiều pho tượng Phật, tượng Quan Thế Âm lớn được đúc bằng đồng hoặc đá cẩm thạch. Đặc biệt ở đây còn lưu giữ ba pho tượng Phật bằng đá cổ và một tượng Quan Âm bằng gỗ mít (lấy từ cây mít được trồng ở chùa hơn 100 năm). Đỉnh mái chùa có chín con rồng lớn nhìn ra nhiều hướng với những nét điêu khắc sinh động. Ngoài ra ở đây còn có các tác phẩm làm từ gốm sứ như Tứ linh, Thủ quyền và tượng Đức Phật giáng sinh có chín con rồng phun nước.

Tuy kiến trúc và những tượng Phật rất lớn nơi đây thật đặc sắc, thế nhưng người ta biết đến chùa không chỉ vì những điều ấy. Cái mà người dân Bình Dương truyền tai nhau là nhiều cặp phải chia tay sau khi đến chùa khấn vái. Nói chuyện với chúng tôi, chị Phượng cho biết: "Trước đây trong làng có mấy cặp đang yêu dắt nhau lên chùa cầu an nhưng không hiểu lý do vì sao sau đó được vài tháng thì lần lượt chia tay. Giờ mình cũng thấy sợ và không dám dẫn người yêu lên đó".

Theo lời Phượng, trước đây chị nghe mọi người đồn ngôi chùa Châu Thới Sơn ở tỉnh Bình Dương có lời nguyền "khắc" tình nhân. Hễ cặp nào đến đó cầu duyên về đều chia tay. Tuy nhiên vốn cứng lòng nên chị không tin và quyết định rủ các bạn trong nhóm lên đây để kiểm chứng. Chị còn nhớ như in chuyến đi hơn bảy tháng trước. Cả nhóm gồm 14 người, trong đó có năm cặp yêu nhau lặn lội leo hơn 200 bậc thang vãn cảnh chùa. "Không ngờ những tin đồn ấy lại xảy ra đúng như in. Chỉ ba tháng sau đã có bốn đôi chia tay mà trước đây không hề có dấu hiệu rạn nứt tình cảm. Còn một đôi kia không vào bái Phật mà chỉ đứng ở sân chùa cũng mới chia tay cách đây một tháng", Phượng nói với giọng đầy bí ẩn. Trước đây mình vốn không tin và cho rằng ai đó ác ý đồn thổi nhưng giờ người con gái này cảm thấy hoang mang, lo lắng.

Vài người bạn đi cùng với Phượng hôm đó cũng khẳng định, sự việc chia tay của đôi lứa mình là có thực. Nhiều người trong nhóm bạn của Phượng còn đúc kết một câu "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Tốt nhất đừng đưa người yêu cùng lên đây. Câu nói đó như một lời nhắn nhủ những người khác đừng dại dột dẫn người yêu tới mà chịu cảnh chia lìa.

Cổng vào chùa Châu Thới Sơn, nơi khiến nhiều cặp tình nhân ái ngại

Lời nguyền của "hồn ma" chết vì tình?

Đi tìm lời giải cho điều kỳ lạ này, chúng tôi tiếp xúc với những người dân sống quanh khu vực này để tìm hiểu rõ thực hư tin đồn. Chị Trịnh Thị Hương Trà, nhà ở gần chùa cho biết, từ lâu chị đã nghe tiền nhân kể lại về hiện tượng nhiều cặp tình nhân lên chùa cầu khấn nhưng sau đó trở về lại chia tay nhau mà không biết lý do. Nguồn gốc của tin đồn này thì xuất phát từ một câu chuyện người xưa kể rằng, trước kia trên núi có hai vợ chồng sống với nhau không mấy hòa thuận. Trong một lần họ xô xát, người chồng đã lỡ tay đẩy người vợ xuống vực. Linh hồn người vợ ở lại trên núi để oán trách người chồng. Mỗi khi thấy có đôi tình nhân nào lên núi là người vợ lại nhập vào một trong hai người và chia cắt tình cảm của họ. Khi chị Trà kể đến đây, bỗng nhiên chúng tôi cảm thấy rùng mình. Có lẽ nào lời đồn ma quỷ đó lại ứng thật? Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc của sự tích thì chị chỉ cười và cho rằng không có sử sách nào ghi chép lại. Song nhiều người địa phương cũng ngại dẫn bạn tình nên núi vì sợ vào cảnh chia ly.

Chị Trà cho biết, hàng ngày vẫn có nhiều người lặn lội lên chùa Châu Thới Sơn để cầu an, trong đó có không ít cặp tình nhân. Có lẽ họ chưa nghe tin đồn hoặc không tin vào lời nguyền nên vẫn đến đây quỳ dưới chân Phật Tổ khấn vái cầu duyên.

Lời đồn thổi sặc mùi liêu trai

Anh Đặng Công, thị trấn Dầu Tiếng cũng thường xuyên lên viếng chùa thì cho rằng, những lời đồn trên chỉ là trò ác ý của một số người hoặc vì mê tín dị đoan chứ hoàn toàn không có thật. Anh Công khẳng định, việc yêu nhau và chia tay là do mình chứ làm gì có chuyện lên chùa cầu khấn. Anh và người yêu vẫn thường cùng nhau lên đây cầu Phật nhưng có xảy ra chuyện gì đâu. Nếu lên đây mà chia tay chắc ngôi chùa này bị bỏ hoang từ lâu rồi chứ làm gì nhiều Phật tử và khách tham quan đến đây như hiện nay.

Trao đổi với PV Người đưa tin, trụ trì chùa Châu Thới Sơn, hòa thượng Thích Minh Thiện cho biết, theo tài liệu do một số vị sư ở đây cung cấp thì chùa Châu Thới được Hòa thượng Thành Nhạc khai sơn khoảng năm 1681. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, chùa đã từng có sáu đời trụ trì và được truyền thừa theo dòng kệ "Đạo Bổn Nguyên thành Phật tổ tiên". Qua nhiều năm tồn tại và chùa được xây dựng trên núi, phía dưới lại có hồ nước rộng lớn bao phủ, cảnh vật nơi đây khiến nhiều khách tới viếng thăm có cảm giác mơ hồ như ở trong một thung lũng. Chắc vì thế nên mới có những tin đồn thất thiệt về chùa như thế.

Trăn trở trước tin đồn này, hòa thượng Thích Minh Thiện, trụ trì chùa Châu Thới Sơn bày tỏ: Những người tung tin đồn trên hoàn toàn vô lý và chưa hiểu gì về giáo lý của đức Phật. Trong giáo lý của Phật có đạo luật Hàn Thuyên. Có nghĩa là hai người yêu nhau mà đưa nhau đến trước cửa Phật thì sẽ được chúc phúc cho suốt đời hòa thuận, làm ăn phát tài. Phật dạy phải chung thủy, không tà dâm nên không thể nào có chuyện lên cửa Phật về sẽ chia tay hay ly dị như nhiều người thường nói.

Nên duyên từ đất Phật

Vị sư trụ trì cho biết, ở đây có nhiều người không quen biết đã bén duyên khi lên tới cửa Phật. Có một đôi trai gái khi cùng quỳ xuống bái lạy Phật, người con trai vô tình làm rơi chiếc kính mắt xuống đất, người nữ quỳ bên cạnh thấy thế nhặt giúp. Họ cảm mến nhau và đã nên duyên vợ chồng. Nhiều cặp khác hôn nhân trục trặc có ý định chia tay nhưng khi lên chùa về lại làm hòa rồi sống bên nhau hạnh phúc đến già. "Khi lên chùa là trong tâm có Phật, có Phật là biết luật nhân quả của nhà Phật nên người ta sợ sau này phải gặp quả báo nên sẽ quay về với nhau", Hòa thượng Minh Thiện nói.

Mai Phong
Thực hư ngôi chùa "oán" tình nhân ở Bình Dương

Không chỉ nổi tiếng vì linh thiêng, thanh tịnh, ngôi chùa Châu Thới Sơn còn được gọi là ngôi chùa "oán" tình nhân khiến khá nhiều tò mò. Nguyên nhân dẫn đến tên gọi trên vì khá nhiều cặp đôi yêu nhau sau khi lên chùa cầu nguyện thì sau đó chia tay.

Đi chùa về là... chia tay

Ngôi chùa Châu Thới Sơn toạ lạc trên đỉnh núi Châu Thới tại huyện Dĩ An (Bình Dương) với chiều cao 85m. Ngôi chùa được xây dựng năm 1662 trên nền một thảo am cũ. Do được xây dựng khá cao nên không gian ở đây rất tĩnh mịch. Ngôi chùa được vây quanh bởi rừng núi âm u, cây cối rậm rạp càng thêm phần kỳ bí và linh thiêng.

Chùa Châu Thới được xây dựng từ năm 1662 trên đỉnh núi Châu Thới cao 85 m.

Khi đứng cách chùa vài cây số đã có thể nhận ra vị trí ngôi chùa này với bức tượng Quan Âm cao 22,5m, nặng hơn 100 tấn được đặt trên đỉnh núi. Chùa Châu Thới Sơn đã được xây dựng mới và trùng tu nhiều lần theo kiểu kiến trúc cổ. Chùa gồm có nhiều pho tượng Phật, Quan Thế Âm lớn được đúc bằng đồng hoặc đá cẩm thạch.

Đặc biệt ở đây còn lưu giữ 3 pho tượng Phật bằng đá cổ và 1 tượng Quan Âm bằng gỗ mít (lấy từ cây mít được trồng ở chùa hơn 100 năm). Đỉnh mái chùa có 9 con rồng lớn nhìn ra nhiều hướng với những nét điêu khắc sinh động.

Ngoài ra, ở đây còn có các tác phẩm làm từ gốm sứ như Tứ linh, Thủ quyền và tượng Đức Phật giáng sinh có 9 con rồng phun nước. Do được xây dựng từ lâu và mang kiến trúc cổ nên chùa Châu Thới Sơn đã được xếp hạng Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia.

Từ xa khách du lịch có thể nhìn thấy chùa với bức tượng Quan Âm cao 22,5m.

Tại đây, hàng ngày vẫn có hàng trăm người đến thờ cúng và nhiều đoàn khách du lịch cũng ghé chân để tham quan. Còn trên các diễn đàn mạng, nhiều bạn trẻ truyền nhau rằng: hễ các cặp đôi đến đây cầu nguyện, tham quan thì rất dễ chia tay.

Nguyễn Thái Hải (sinh viên) cho hay: "Mình nghe sự tích về ngôi chùa này khá lâu rồi. Mình nghĩ tình cảm là ở hai người chứ lên chùa rồi về chia tay thì không thuyết phục cho lắm. Tuy vậy, năm ngoái mình và bạn gái sau khi lên đây tham quan thì khoảng 2 tháng sau là chia tay".

Cùng tâm trạng như Hải, Như (quê Vũng Tàu) cũng bộc bạch: "Mình với bạn trai yêu nhau gần 3 năm mà ít khi xích mích hay cãi vã gì. Cuối năm 2016 vừa qua, mình với bạn trai nghe nói chùa thiêng nên đi cầu để cho hai đứa sức khoẻ, công việc thuận lợi để cuối năm nay cưới. Tuy vậy, sau khi đi chùa về thì hai đứa liên tục lục đục rồi chia tay khoảng 3 tháng sau đó".

Chỉ là sự trùng hợp


Không chỉ Hải và Như, trên các diễn đàn xã hội cũng khá nhiều người chia sẻ về việc chia tay sau khi đi chùa Châu Thới. Tuy vậy, đây cũng chỉ là thiểu số bởi hiện có rất nhiều người yêu nhau thường xuyên lên chùa cầu Phật và vẫn sống hạnh phúc. Hàng ngày, nhiều cặp đôi yêu nhau vẫn lên đây tham quan và chụp ảnh vì khung cảnh trên chùa khá đẹp.

Anh Nguyễn Tính (quê Bình Dương) cho hay: "Mình thấy thông tin ngôi chùa Châu Thới là ngôi chùa "khắc" tình nhân cũng khá lâu rồi, tuy vậy, theo mình đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật. Mình và bạn gái hơn 2 năm nay vẫn thường xuyên đi chùa này mà vẫn yêu thương nhau bình thường chứ có chia tay gì đâu. Mình nghĩ, các bạn sau khi lên chùa rồi về chia tay thì do tình cảm, duyên phận của họ chứ làm gì có chuyện lên chùa mà chia tay được".

Hàng ngày có khá nhiều cặp đôi đưa nhau lên chùa Châu Thới để tham quan.

Anh Nguyễn Tính cho rằng thông tin chùa Châu Thới "oán" tình nhân là hoàn toàn sai sự thật.

"Những ai nói lên chùa Châu Thới rồi về chia tay thì cần phải xem lại tình cảm của mình trước. Không một không gian nào có thể quyết định việc yêu nhau hay chia tay của con người. Tình cảm đến hay đi là do sự yêu thương, đồng cảm và chia sẻ giữa người nam và người nữ.

Có thể các cặp đôi yêu nhau rồi chia tay sau khi đi chùa là sự trùng hợp. Thường người ta nói đi chùa để cầu may mắn, hạnh phúc chứ khái niệm đi chùa rồi về chia tay là phi lý", thạc sĩ Dương Hoàng Lộc - chuyên gia tâm lý chia sẻ.

Chuông chùa ghi nhiều lời nguyện ước của các cặp đôi.

Trao đổi về vấn đề trên, thầy Thích Huệ Tông - Trụ trì chùa Châu Thới Sơn cho hay: "Việc các cặp đôi yêu nhau rồi chia tay sau khi đi chùa về là đúng, là có thật. Tuy vậy, đó chỉ là những cặp đôi mang tà tâm lên chùa.

Ví dụ, những người cặp bồ bịch không đúng luân thường đạo lý. Những người không mang tâm tốt khi lên chùa. Không tôn trọng chùa là nơi tôn nghiêm, linh thiêng. Chùa là nơi tâm linh nên những người không mang tâm tốt lên chùa sẽ bị quả báo. Những người có lòng từ tâm, yêu thương nhau thật sự và mong muốn Phật chúc phúc thì họ sẽ rất hạnh phúc".

Trụ trì Thích Huệ Tông cho rằng những ai mang tà tâm lên Chùa sẽ bị quả báo.

Xuân Hinh
Chùa núi Châu Thới

Chùa Núi Châu Thới là ngôi chùa xưa nhất của Bình Dương và là một trong những ngôi chùa hình thành sớm vào hàng đầu ở Nam bộ (ở nửa sau TK XVll). Chùa được xây trên ngọn núi Châu Thới (cao 82m) ở xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Sách “Gia Định Thành Thông Chí" viết: “Núi Chiêu Thái (Châu Thới) từng núi cao xanh, cây cối lâu đời rậm tốt, làm tấm bình phong triều về Trấn thành. Ở hang núi có hang hố và khe nước, dân núi ở quanh theo, trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành, ngó xuống đại giang, du khách leo lên thưởng ngoạn có cảm tưởng tiêu dao ra ngoài cửa tục”


Nói là ở Bình Dương, nhưng xưa kia núi Châu Thới thuộc tỉnh Biên Hòa, và người lớn tuổi ở Biên Hòa đến giờ vẫn coi ngọn núi này thuộc địa phương mình. Mà đúng vậy thiệt, từ Biên Hòa tới đây chỉ 5 km, trong khi từ Thủ Dầu Một tới núi Châu Thới là gần 30 km!

Còn điều này nữa cũng quan trọng không kém: Con sông Đồng Nai chảy qua thành phố Biên Hòa ngày xưa mang tên Phước Long giang (con rồng mang phước). Người xưa nói rằng đầu rồng ở khu du lịch Bửu Long, với 2 ngọn núi Long Sơn và Bình Điện. Núi Bình Điện có chùa cổ Bửu Phong ở trên được ví là hòn ngọc châu ngậm trong miệng rồng. Con rồng này uốn lượn quanh Biên Hòa, và khúc đuôi rồng nhô lên chính là núi Châu Thới. Hic, như vậy nguyên con rồng ở Biên Hòa, Đồng Nai, còn cái đuôi ló lên lại ở Bình Dương???

Từ trung tâm TP Biên Hòa, đi theo đường Nguyễn Ái Quốc (quốc lộ 1K) về hướng Sài Gòn, qua cầu Hóa An khoảng 3km bạn sẽ thấy bên trái bảng đề Châu Thới Sơn Tự. Rẽ vào đây có 2 đường lên núi.

Một con đường là đi bộ lên 220 bậc đá, một đường là đi xe máy (hoặc xe hơi) vòng theo sườn núi để lên đỉnh.

Đường lên chùa (đi bộ)

Cảnh quan đẹp, với núi, hồ. Nhìn xa xa là Bình Dương, xa hơn nữa là TPHCM.

Mô tả về chùa, theo Chùa Việt Nam - Xưa và nay của Võ văn Tường như sau:

Chùa do Thiền sư Khánh Long tạo dựng vào thế kỷ XVII. Sách Sơ thảo Phật giáo Bình Dương (NXB. Mũi Cà Mau, 2000) cho biết chùa có thể được lập vào năm Tân Dậu (1681). Nhà tổ và giảng đường được trùng tu năm 1930, tam quan xây dựng năm 1970, 220 bậc thang lên xuống núi được xây đắp xi măng năm 1971. Ngôi chánh điện được Hòa thượng Viện chủ Thích Huệ Thông và Thượng tọa trụ trì Thích Minh Thiện tổ chức đại trùng tu từ năm 1993 đến năm 1995.

Kiến trúc chùa chính gồm một quần thể bao gồm: ngôi chánh điện, nhà Tổ, điện Thiên Thủ Thiên Nhãn, miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu và Ngũ Hành Nương Nương (thuộc tín ngưỡng dân gian). Cấu trúc mái trên chánh điện theo kiểu tứ tượng. Chùa sử dụng những mảnh gốm sứ đắp lên các con rồng ở cuối các đầu đao của mái chùa. Trên đỉnh mái, có chín con rồng nhìn ra nhiều hướng. Mặt tiền được đắp gốm sứ tạo các loại hình như tứ linh, thủ quyển, đức Phật đản sanh…

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Tầng trên thờ tượng Di Dà Tam Tôn: đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Các tầng kế thờ đức Phật Thích Ca (cao 3m), đức Di Lặc, tượng Đản sanh. Các pho tượng trên đều được đúc bằng đồng tại chùa do nhóm thợ Huế thực hiện. Hai bên vách chánh điện thờ bộ tượng Thập Bát La Hán và Thập Điện Minh Vương bằng đất nung.

Năm 1988, chùa đúc một đại hồng chung (đúc tại Huế, theo mẫu đại hồng chung chùa Thiên Mụ).

Năm 1996, chùa xây dựng một bảo tháp 4 tầng, cao 24m: Tầng 1 tôn trí tượng Quan Đế bằng đồng nặng 5 tấn, tầng 2 tôn trí tượng Bồ tát Địa Tạng bằng đồng nặng 3 tấn, tầng 3 tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đồng nặng 1 tấn, đại hồng chung nặng trên 1,5 tấn và tầng 4 tôn thờ Xá Lợi Phật. 



Kiến trúc chùa, tượng... đẹp và công phu, nhưng nhìn tổng thể thì có vẻ hơi... lung tung! Có lẽ vì các công trình được xây thêm dần dần, thiếu sự quy hoạch tổng thể ban đầu...

Những hình ảnh trong bài chụp từ năm 2010. Từ đó đến nay, chùa đã xây dựng thêm nhiều hạng mục mới, trùng tu nhiều hạng mục cũ. Cảnh quan dưới chân núi cũng đã và đang được quy hoạch xây dựng. Mặc dù trong thời gian từ đó đến nay tui đã đi tới đi lui nơi này không ít lần, chụp không ít ảnh, nhưng xin chỉ đăng lại ảnh cũ vì... lười cập nhật, và biện minh bằng lý do hết sức "nhân văn": để bảo tồn di tích cổ!


Câu cá ven hồ

Đường lên chùa (xe hơi)




Nhìn từ trên núi

Phật bà Quan Âm







Chùa

Quan công

Trời xanh ngan ngát

Dưới bụng rồng

Rồng ngắm trời

Vuốt rồng

Hai rồng nằm ngắm một rồng bay

Phạm Hoài Nhân
Vãn cảnh chùa Châu Thới

Nằm giữa một vùng đồng bằng rộng lớn ở khu vực giáp ranh các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tp. Hồ Chí Minh, chùa Châu Thới nằm trên núi Châu Thới (xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là một di tích và thắng cảnh đẹp nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng cùng lối kiến trúc và nhiều hiện vật đặc sắc về Phật giáo, thu hút du khách khắp nơi đến tìm hiểu, khám phá. 

Hình thành từ năm 1681, chùa Châu Thới được coi là ngôi chùa cổ nhất Bình Dương. Ban đầu, chùa chỉ là một thảo am nhỏ do thiền sư Khánh Long dựng lên. Hơn 330 năm qua, nhờ công đức Phật tử bốn phương, chùa Châu Thới đã trở thành một ngôi chùa lớn và có kiến trúc độc đáo như bây giờ.

Chùa nằm trên núi Châu Thới, ở độ cao 82 m so với mực nước biển, xung quanh cây cối xanh tốt. Vì xung quanh là đồng bằng nên vào những hôm thời tiết tốt, đứng cách xa hàng chục cây số vẫn có thể dễ dàng nhận ra ngôi chùa độc đáo này bằng mắt thường.

Vì tọa lạc trên núi nên để lên chùa Châu Thới, du khách có thể theo hai con đường, một là đi bộ lên 220 bậc xi măng; hai là từ dưới đường chạy xe thêm một đoạn sẽ thấy con đường dành cho xe đi thẳng lên núi. Riêng những bậc làm bằng xi măng này được các chư tăng xây đắp lên từ năm 1971. Thường thì du khách sẽ chọn phương án đi bộ lên núi theo những bậc tam cấp để vừa đi vừa vãn cảnh và có thời gian để chiêm nghiệm trong không gian thoáng đãng của hàng cây tỏa bóng mát hai bên.

Con đường gồm 220 bậc tam cấp dẫn lối lên chùa Châu Thới quanh năm rợp bóng cây xanh mát.

Cổng tam quan chùa Châu Thới.

Tượng Quan âm Bồ tát lộ trên tòa sen cao tới 22,5m ở sân chùa.

Tượng Đức Phật tọa dưới gốc bồ đề và các đệ tử.

Gian thờ Phật Bà Quan âm.

Tượng rồng vàng khổng lồ trong thế lưỡng long tranh châu bao quanh sân chùa.

Chùa Châu Thới được coi là ngôi chùa cổ nhất Bình Dương.

Chùa Châu Thới là một quần thể có nhiều hạng mục công trình kiến trúc đặc sắc về Phật giáo.

Hình tượng rùa vàng và bia đá trong sân chùa Châu Thới.

Hình tượng rồng khảm sành theo lối cung đình trang trí trên mái chùa.

Các tháp cốt, nơi chứa tro cốt các vị cao tăng đã quá cố của nhà chùa.

Chùa Châu Thới là điểm tham quan, tín ngưỡng nổi tiếng của tỉnh Bình Dương. 

Khuôn viên chùa Châu Thới rộng rãi với rất nhiều tượng Phật xen lẫn trong bóng cây cối xanh mát. Giữa sân chùa có một bức tượng Quan âm Bồ tát ngự trên tòa sen cao tới 22,5m, nặng trên 100 tấn. Đây chính là pho tượng cao nhất của tỉnh Bình Dương hiện nay.

Ngoài ra, chùa Châu Thới hiện lưu giữ 55 hiện vật cổ có giá trị, tiêu biểu như 2 bộ tượng cổ Thập bát La Hán và Thập điện Diêm Vương bằng đất nung, tượng Bồ tát Quán thế âm bằng gỗ mít hàng trăm năm tuổi, tượng Bà Chúa Xứ bằng đá xanh, 3 pho tượng Phật bằng đá có niên đại khoảng cuối thế kỷ 18... Trong chùa còn có một đại hồng chung nặng 1,5 tấn, cao 2m, được đúc từ năm 1988 theo mẫu ở chùa Thiên Mụ (Huế), và một chiếc đại hồng chung bằng đồng được đúc năm 2003 với trọng lượng khoảng 5 tấn.

Với vẻ cổ kính, địa thế độc đáo cùng nhiều giá trị văn hóa của mình, chùa Châu Thới đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia vào năm 1989. Từ chùa Châu Thới phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ thấy thấp thoáng cảnh Tp. Hồ Chí Minh, thành phố Biên Hoà, thị xã Thủ Dầu Một và dòng sông Đồng Nai quanh co uốn khúc.


Chùa Châu Thới là nơi từng diễn ra triển lãm xá lợi của Đức Phật, chư vị đại đệ tử cùng 500 vị La Hán vào năm 2009. Đây là sự kiện hiếm có và thiêng liêng với các Phật tử Việt Nam. Sau triển lãm tại chùa Châu Thới, các viên xá lợi đã được mang đi triển lãm tại nhiều nước trên thế giới và cuối cùng được vĩnh an tại Tây Tạng.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét