22 tháng 9, 2021

Chùa Phi Lai

Tên thường gọi: Chùa Phi Lai

Chùa tọa lạc tại phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. ĐT: 061.821019. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Mặt tiền chùa

Chùa do HT Thích Diệu Tâm, quê ở Tuy Hòa, Phú Yên, khai sáng vào năm 1969. Tên chùa Phi Lai là lấy tên của ngôi chùa cổ từ quê hương của Hòa thượng. Từ ngôi thảo am ban đầu, Hòa thượng đã cho trùng tu chùa vào năm 1982 và đến năm 1989 mới hoàn tất. Những năm kế tiếp, do nhân duyên thuận lợi, Hòa thượng mở rộng ngôi chùa, xây Tam quan năm 1989, xây dựng ngôi tháp Báo Ân năm 1996, xây dựng nhà khách, nhà trù, nhà Tăng năm 1998, đức đại hồng chung nặng 1 tấn...

Đến năm 2000, chùa được xây dựng lại quy mô, hiện đại, kiến trúc dạng cổ lầu, các lớp mái chồng diêm. Nóc mái trên Phật điện là tháp Đa Bảo ba tầng.

Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Chính giữa thờ đức Phật Thích Ca thuyết pháp trên đài sen. Tiền đường tôn trí tượng Di Đà Tam Tôn, hai bên có Hộ Pháp và Tiêu Diện. 

Trong vườn chùa còn có nhiều pho tượng lộ thiên như vườn tượng Lâm Tỳ Ni, vườn tượng Lộc Uyển...

Điện Phật

Vườn tượng đản sanh

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường

CHÙA PHI LAI

  • Địa điểm: phường Tân Tiến
  • Năm xây dựng: 1969
  • Người trụ trì: Hòa thượng Thích Diệu Tâm
  • Năm trùng tu: 1982 và 2000
  • Hệ phái: Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 821019

Chùa Phi Lai tọa lạc tai phường Tân Tiến, Tp. Biên Hòa, cách Quốc lộ 1 khoảng 50m về hướng đông nam. Bao năm qua giới Tăng Ni, Phật tử gần xa đến với chùa Phi Lai không chỉ đơn thuần để bái Phật, mà còn vì ngưỡng mộ đạo đức sáng ngời của một vị chân tu đã khai sơn, trụ trì chùa Phi Lai: Hòa thượng Thích Diệu Tâm.

Chùa Phi Lai

Hòa thượng Diệu Tâm, sinh năm 1955, trong một gia đình thuần nông ở xã Hòa Thịnh, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Năm 20 tuổi, ông xuất gia đầu Phật. Năm 1943 (28 tuổi) thọ Cục túc giới tại Giới tâm chùa Thiên Đức. Song thân của Hòa thượng Diệu Tâm mua đất xây dựng chùa Phi Lai ở quê để Hòa thượng có cơ sở tu hành, phụng sự đạo pháp.

Năm 1964, do chí nguyện thượng cầu hạ hòa, Hòa Thượng vân du vào Nam hành đạo. Năm 1969, như một nhân duyên đã định, Hòa Thượng quyết định dừng chân tại đất Biên Hòa lập chùa lấy tên là Phi Lai (Hòa thượng lấy tên Tổ đình Phi Lai ở quê hương (Phú Yên) đặt tên cho ngôi chùa mới lập).

Từ khi xây dựng cho đến nay, chùa đã trải qua 2 đợt trùng tu lớn vào các năm 1982 và 2000. Nguyên thủy, chùa là một am tranh nhỏ vách ván với diện tích 48 m2. Năm Nhâm Tuất (1982) chùa được trùng tu mở rộng lần thứ nhất có diện tích 90 m2, được xây dựng bằng vật liệu kiên cố: tường xây, nền lát gạch bông, mái lợp tole có lầu chuông và lầu trống ở hai bên mặt tiền chánh điện.

Năm 2000, chùa được trùng tu lần thứ hai bằng bê tông cốt sắt. Chùa có kiến trúc dạng cổ lầu, hai lớp mái chồng diêm, mang dáng dấp kiến trúc Á Đông. Các đầu mái vươn ra, cong lên như mũi hài, được trang trí long, phụng uyển chuyển và tạo dáng nhẹ nhàng thanh thoát. Trên bờ nóc mặt tiền chánh điện có cặp long chầu "Bánh xe Pháp luân". Nóc mái trên Phật điện là một "tháp Đa bảo" 3 tầng, mang ý nghĩa "Pháp thân của Phật là vô biên". Trên thân tháp ở mỗi tầng được trang trí những mô típ vòng tròn, bên trong là những câu mật chú bằng chữ Phạn cổ, chữ vạn, chữ Phật trên cánh sen nở. Lối kiến trúc trên đã tạo cho chánh điện một nét riêng mang triết lý nhà Phật, đậm phong cách kiến trúc Á Đông. Chánh điện được bố trí 1 trệt, 1 lầu. Tầng trệt dùng làm giảng đường - nơi sinh hoạt của sư trụ trì và Tăng chúng trong chùa. Tầng lầu là chánh điện: phía trước thờ Phật: Bổn sư Thích Ca tọa đài sen cao 2m, sau thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma bằng phù điêu giả đồng và chư vị Hòa thượng tiền bối trong môn phái. Mặt tiền chánh điện được bài trí tượng "Tam Thánh Tây Phương", hai bên là ngài Hộ Pháp và ngài Tiêu Diện.

Phật Điện

Chánh điện là một không gian rộng rãi. Có hệ thống cột âm tường, được chia thành 3 gian. Trên xà ngang mỗi gian đều được trang trí bằng những bức bao lam giả đồng thể hiện các đề tài long, phụng, mây, sen, tứ linh, tứ quý uyển chuyển trong hoa văn chữ Vạn cách điệu. Trên 2 cột phía trước Phật điện được đắp nổi cặp rồng vàng tạo cho nội thất chánh điện vừa uy nghi vừa linh thiêng. Phía trên xà ngang là bức hoành phi có nội dung "Tối thắng Giác tràng", ở dưới là một bao lam giả đồng trang trí:"Thất long ẩn mây" với đường nét chạm trổ sắc sảo, tinh tế.

Trong khuôn viên chùa, được tạo những cảnh trí như: vườn Lâm Tỳ Ni minh họa cảnh đức Phật đản sinh, vườn Lộc Uyển nơi Phật Thích Ca đang thuyết pháp cho 5 anh em Kiều Trần Như.

Hòa Thượng Thích Diệu Tâm

Mặc dù mới được trùng tu tôn tạo, nhưng chùa Phi Lai vẫn ẩn giữ những nét kiến trúc của ngôi chùa xưa, gần gũi với con người. Ngôi chùa trở nên thân quen với người dân trong và ngoài địa phương. Không chỉ bó hẹp trong cơ sở của nơi tu hành, cầu đạo mà chùa Phi Lai còn là một địa điểm làm công tác từ thiện xã hội đậm tính nhân văn. Hòa thượng Thích Diệu Tâm, trụ trì tại chùa là tấm gương của sự nghiêm trì giới luật, lòng nhân ái của một đức chân tu. Trong Giáo Hội, Hòa thượng Thích Diệu Tâm được cung thỉnh Chứng minh nhiều Đạo tràng và các đại giới đàn trong và ngoài tỉnh. Ông được Giáo Hội, chính quyền tín nhiệm, là thành viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai trên 10 năm, Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai từ năm 1987 đến nay.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét