Chùa tọa lạc tại khu phố 5, phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, với diện tích 6.000 m2. ĐT: 061.891202. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Vào năm 1960, chùa chỉ là một am nhỏ do 12 gia đình Phật tử khu Gia Viên xây dựng để thờ Phật.
Năm 1978, Thượng tọa Thích Quang Đạo được Tỉnh hội Phật giáo cử về trụ trì cho đến nay. Năm 1985, Thượng tọa đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa bằng vật liệu kiên cố, quy mô, hoành tráng.
Sân trước chùa có một Bảo tháp tứ giác, cao 8m, gồm 3 tầng mái, thờ Di Đà Tam Tôn (đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí).
Điện Phật được bài trí trang nghiêm, tôn trí tượng Thích Ca Tam Tôn (đức Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền).
Thượng tọa Thích Quang Đạo hiện đang giữ các chức vụ: Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai, Phó Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
CHÙA PHƯỚC VIÊN
· Địa
điểm: khu phố 5, phường Tân Hiệp, Tp. Biên Hòa
· Năm
xây dựng: 1960
· Trụ
trì hiện nay: Thượng tọa Thích Quang Đạo
· Năm
trùng tu: 1985
· Hệ
phái: Bắc Tông
· Điện
thoại: 061. 891202
Chùa Phước Viên nằm khiêm nhường trong khuôn viên rộng 6.000
m2 thoáng mát, thanh tịnh, có nhiều cây cao bóng mát ở con hẻm lớn
phía sau bệnh viện Nhi Đồng (Đồng Nai), thuộc khu phố 5, phường Tân Hiệp (Tp.
Biên Hòa), cách xa lộ Hà Nội 100m về hướng tây.
Nguyên thủy chùa Phước Viên chỉ là một am tranh nhỏ, do 12
gia đình Phật tử ở khu Gia Viên xây dựng để thờ Phật vào năm 1960. Trong suốt
thời gian từ năm 1960 đến năm 1967, chùa không có sư trụ trì, chỉ có Hòa thượng
Thích Diệu Tâm (trụ trì tại chùa Phi Lai) thường lui tới hướng dẫn Phật tử tu
hành. Tới năm 1968, Sư cô Thích nữ Thiện Niêm (dân địa phương thường gọi là cô
Hường) về trông coi quét dọn, khoác áo tu hành để che mắt địch nhằm hoạt động
cách mạng (sư cô làm giao liên của vùng Suối Tre, Vĩnh Cửu, Long Khánh). Năm
1977, Sư cô Thích nữ Thiện Niêm trở về quê.
Tháng 8/1978, Thượng tọa Thích Quang Đạo được Giáo hội Phật
giáo tỉnh Biên Hòa bổ nhiệm về trụ trì tại chùa Phước Viên cho tới nay.
Được sự trợ duyên của các cấp chính quyền và Phật tử gần xa,
năm 1985 Thượng tọa Quang Đạo đã đứng ra lo việc đại trùng tu: chánh điện, hàng
rào xung quanh, cổng tam quan, nhà giảng, các công trình nhà Tăng chúng, Bảo
tháp thờ đức Phật Di Đà, Quan Âm Bồ tát và Đại Thế Chí Bồ tát....bằng vật liệu
bê tông cốt sắt. Tất cả các công trình trên đều do Thượng tọa tự thiết kế và trực
tiếp chỉ đạo thi công nên các công trình được xây dựng và bố trí rất hài hòa,
uyển chuyển mang ý nghĩa triết lý sâu sắc của đạo Phật.
Con đường duy nhất dẫn vào nội thất chánh điện nơi Pháp giới
của Thiền môn được bố trí hai lớp cổng. Cổng chính phía ngoài xây dựng có dạng
trụ biển (4 cột 3 cửa). Cổng phía trong là cổng tam quan được kiến tạo vào năm
1987, có kích thước (9mx3m), với 3 tầng mái dạng cổ lầu, được trang trí cả hai
mặt (trước và sau). Ngay cổng tam quan có cặp lân hộ trì Phật pháp. Tầng trên mặt
trước cửa chính thờ ngài Hộ Pháp, tại đây được tôn chí 4 câu đối chữ Hán có nội
dung:
• Hộ giới chân thừa triệu mộ - Đạo tràng thường lạc tịnh.
Nghĩa: Hộ vệ chơn thừa sớm tối - Đạo tràng thường thanh tịnh.
• Pháp truyền Chánh giáo thần hôn - Hải chúng vĩnh an hòa.
Nghĩa: Pháp phó chánh giáo đêm ngày tăng chúng trọn an vui.
• Thân phi kim giáp quản tam châu phụ chánh. Nghĩa:
Thân mặc giáp vàng đến ba châu giúp chánh.
• Thủ vận thần thông phò cửu hữu tối tà. Nghĩa: Tay
ra thần lực dìu chín cõi trừ tà)
Tầng cuối cùng cửa tam quan cũng được tôn trí các câu đối
sau:
• Phước trí nhị nghiêm tùy thuận chủng duyên khai giác đạo.
Nghĩa: phước trí trang nghiêm theo loại dắt dìu khai giác đạo.
• Viên dung tam tụ ứng cỏ hóa độ xuất mê đồ. Nghĩa:
Giới thừa dung hiệp ứng cỏ hóa độ thoát đường mê
Mặt sau ở tầng trên cổng tam quan thờ ngài Tiêu Diện, tầng
dưới cũng được tôn trí các câu đối sau:
• Liễu tánh không xuất nhập thiền môn vô quái ngại.
Nghĩa: Ngộ tánh không lui tới cửa Thiền không vướng mắc.
• Minh thực tướng khứ lai Phật điện bất tư nghì.
Nghĩa: Rõ thực tướng vào ra điện Phật chẳng nghĩ bàn.
Những câu đối trên đều do Thượng tọa Quang Đạo sáng tác theo
yếu chỉ của đạo Phật và cũng là tôn chỉ của chùa Phước Viên trong bước đường hoằng
dương đạo pháp.
Qua khỏi cổng tam quan, dưới những tán cây cổ thụ là một Bảo
tháp hình tứ giác cao 8m, gồm 3 tầng mái, được xây dựng dạng tứ trụ. Xung quanh
thành tháp trang trí những trụ biểu. Trước mặt tháp có bức cuốn thư bề mặt điêu
khắc hình long, mã rất sống động. Tháp thờ Di Đà Tam tôn. Rải rác trong khuôn
viên của chùa là những hồ sen quanh năm nở hương thơm ngát, xen lẫn những cội bồ
đề cành lá sum suê, những cây Ngọc Lan cùng những hàng dầu, sao, thẳng tắp vươn
cao quanh năm tỏa bóng mát.
Chánh điện kiến trúc theo kiểu tân, cổ kết hợp có hành lang
phía trước và hai bên, tạo cho chánh điện vừa mang nét hiện đại mạnh mẽ, hoành
tráng lại vừa thâm trầm cổ kính.
Mặt tiền chánh điện kiến trúc dạng cổ lầu, hai mái chồng
diêm, lợp ngói âm dương tiểu đại. Các đầu mái được tạo dáng cong vút, trang trí
long, phụng trong tư thế bay lên chầu 4 phương Phật, tạo cho kiến trúc chánh điện
thanh thoát nhẹ nhàng. Trên tường mặt ngoài chánh điện, được trang trí những bức
tranh cẩn sành diễn tả cuộc đời đức Phật Thích Ca từ sơ sinh cho đến khi nhập
Niết bàn.
Vào trong chánh điện, một không gian thoáng đãng, được bố
trí hai dãy cột tròn có đường kính 50cm, sơn giả gỗ. Đầu và chân cột được cẩn
miểng sành tạo thành những bông sen đỡ xà kèo. Phía trên xà ngang là những bức
phù điêu giả đồng nói lên cuộc đời đức Phật, bên dưới là các bao lam được tạo
tác tinh tế, uyển chuyển hài hòa đề tài: rồng, mây, sen lồng ghép vào hoa văn kỷ
hà. Đặc biệt, trên hai cột trước Phật điện có cặp lưỡng long chầu nghinh, được
thực hiện bằng nghệ thuật cẩn sành do các nghệ nhân xứ Huế thực hiện. Bên cạnh
những bức hoành phi dạng cuốn thư có nội dung "Phước Viên Tự",
"Phật nhật tăng huy", "Pháp luân thường chuyển" và những
câu liễn đối có nội dung: ca ngợi đức Phật, giáo lý vô thường của đạo pháp mang
ý nghĩa, triết lý nhà Phật sâu sắc.
Tượng Phật ở đây được bài trí theo hệ phái Bắc Tông: chính
giữa thờ Bổn Sư Thích Ca. Tả hữu thờ: Văn Thù Bồ tát - tượng trưng cho trí tuệ
siêu việt, Phổ Hiền Bồ tát tượng trưng cho đức hạnh sáng suốt; tiếp đến là thờ
đức Phật Di Lặc với nụ cười hoan hỉ muôn đời của ngài tượng trưng cho tình
thương bao la, sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của chúng sanh. Ngoài ra, trên Bảo
điện còn tôn trí các pháp khí thờ tự theo truyền thống của Phật giáo gồm: một
bát nhang, hai ngọn đèn và hai ly nước. Bát nhang tượng trưng cho "Ngũ phần
tâm hương" của đạo Phật; trong đó:
• "Giới hương": biểu hiện cho việc giữ mình
trong sạch.
• "Đinh hương": tâm tư không bị thác loạn
trong mọi hoàn cảnh.
• "Huệ hương": tượng trưng cho trí tuệ Bát
Nhã trong sáng, nhân tâm đúng như thật của chân lý.
• "Giải thoát" giải thoát trì "Kiến
hương" : thấu suốt bản thể của vũ trụ nhân sinh, sống an nhiên tự tại
trong mọi hoàn cảnh. Hai ngọn đèn tượng trưng cho trí tuệ Bát Nhã trong sáng của
đạo Phật. Hai ly nước tượng trưng cho tình thương bao la rộng lớn của đức Phật
- "nước cam lộ tịnh thủy".
Ngoài ra, trong chánh điện còn hiện diện đại hồng chung nặng
750kg, có âm thanh trầm hùng nghe như tiếng chuông chùa Thiên Mụ, được đúc tại
chùa vào năm 1987 dưới sự chứng minh của Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành.
Sau chánh điện là hậu Tổ. Tại đây, thờ Tổ sư Đạt Ma và những
bài vị của các bậc Hòa thượng (Bổn sư của Thượng tọa trụ trì Thích Quang Đạo).
Trụ trì chùa hiện nay là Thượng tọa Thích Quang Đạo, thế
danh Văn Ngọc Minh, sinh 1938 tại làng Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Đăng
(Quảng Trị) trong một gia đình có truyền thống đạo Phật. Thuở nhỏ, thầy thường
theo ông bà, cha mẹ đi chùa lễ Phật, rất yêu cảnh sắc thiên nhiên thanh tịnh của
chốn Thiền môn với âm thanh trầm hùng của chuông, mõ, hương thơm nghi ngút của
Đạo tràng. Khi trưởng thành (1958), thầy xuất gia tại chùa Tịnh Hội (tỉnh Quảng
Trị). Từ năm 1960 đến năm 1973, thầy tu học tại các chùa: Từ Quang (Huế), Khải
Đoan (Buôn Mê Thuột), Long Sơn (Nha Trang-Khánh Hòa), tu viện Quảng Hương Già
Lam (Gia Định Sài Gòn). Trên bước đường tu học của mình, Thượng tọa nhận ra rằng:
Người tu sĩ chỉ có lòng từ bi, hỉ xả chưa đủ mà cần phải có kiến thức rộng,
lĩnh hội triết lý cao siêu của Phật pháp để phụng sự chúng sanh. Vì vậy, Thượng
tọa đã gắng công tu học, tốt nghiệp 2 trường đại học: Phật học và Khoa học Xã hội.
Trong thời gian hoằng hóa đạo pháp tại chùa, với bản tính hiền
lành, đôn hậu, bao dung của một đức chân tu, Thượng tọa đã được giới Tăng Ni,
Phật tử gần xa ngưỡng mộ, thân cận cầu Pháp tu học. Chùa hiện có trên 100 Tăng
chúng tu hành, 1.500 gia đình Phật tử và 8.000 Phật tử gần xa thường xuyên lui
tới chùa để gội rửa bụi trần thế tục, đọc kinh, niệm Phật sám hối, làm điều
phúc lành cho xã hội.
Hiện tại, Thượng tọa Quang Đạo đang giữ chức vụ: Phó Ban Trị
sự kiêm Trưởng Ban hoằng pháp Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, Phó hiệu trưởng trường
Trung cấp Phật học Đồng Nai. Dù ở cương vị nào, Thượng tọa cũng đều làm tốt
công tác đạo và đời.
Tồn tại ngay trong lòng thành phố công nghiệp, ồn ào náo nhiệt,
song bao năm qua, chùa Phước Viên vẫn giữ được vẻ thanh tịnh của chốn Thiền, âm
thầm, lặng lẽ tỏa cho đời những hương thơm dịu ngọt đó là lòng từ bi, bao dung,
bác ái.
Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét