23 tháng 9, 2021

Quan Âm tu viện

Tên thường gọi: Quan Âm tu viện

Tu viện tọa lạc tại số K2/77 khu phố 3, ấp Tân Bản, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. ĐT: 0650.751273. Tu viện thuộc hệ phái Bắc tông.

Cổng tu viện Quan Âm

Mặt tiền chùa

Tu viện nguyên gốc là chùa Linh Sơn ở núi Dinh, Bà Rịa. Năm 1965, chùa Linh Sơn bị bom đạn chiến tranh thiêu rụi nên Hòa thượng Thích Thiện Phước và Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác đã về Biên Hòa cất lại chùa trên phần đất của các ông Phạm Văn Hai, Phạm Văn Sức và Phạm Văn Tàu cúng dường.

Tu viện được xây dựng từ năm 1966 đến năm 1968 trên một quả đồi cao thoáng mát bên Quốc lộ 1B. Tu viện ngày nay có khoảng 20 công trình chia làm nhiều khu vực: thờ tự, sinh hoạt, học tập, từ thiện xã hội.

Điện Phật

Điện thờ chư Tổ

Tháp cố Hòa thượng Thiện Phước

Phật đài A Di Đà

Đài Quan Âm

Đài Địa Tạng

Tượng Tổ Đạt Ma

Nổi bật ở tu viện là Bảo tháp Huyền Diệu Quán Thế Âm Bồ tát được Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác kiến lập vào năm 1968. Tháp xây kiểu tứ trụ, cao 12m. Tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng cẩm thạch cao 7m.

Tu viện đã có nhiều đóng góp cho xã hội qua một sô công việc trồng rừng và từ thiện xã hội. 

Chư vị trụ trì của tu viện là: HT Thích Thiện Chơn (1966 – 1978) và Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác (từ năm 1978 đến nay).

Tụng kinh

Đi kinh hành

Chân dung Ni Sư trụ trì Thích Nữ Diệu Giác

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường


QUAN ÂM TU VIỆN
  • Địa điểm: khu phố III, phường Bửu Hòa, Tp. Biên Hòa
  • Năm xây dựng: 1966
  • Trụ trì đầu tiên: Hòa thượng Tôn sư Thiện Phước
  • Trụ trì hiện nay: Ni sư Thích nữ Huệ Giác
  • Năm trùng tu:
  • Hệ phái gốc: Tịnh Độ Tông
  • Điện thoại: 0650. 751273

Quan Âm Tu Viện gốc là Tổ đình Linh Sơn (Núi Dinh Bà Rịa). Năm 1965, Tổ đình Linh Sơn bị bom thiêu rụi mang theo 9 Tăng Ni tử vong và 30 Tăng Ni bị thương nặng. Đứng trước ngôi Già Lam bao nhiêu năm gầy dựng nay phút chốc trở thành hư không, Hòa thượng Thiện Phước trụ trì và Ni sư Huệ Giác gạt nước mắt, lòng ngẫm cái lẽ sắc không, hợp tan trong cõi Phật, quyết định dẫn dắt Tăng Ni và các cháu mồ côi không nơi nương tựa (chùa có cô nhi viện Phúc Lộc Thọ) di tản lên Biên Hòa tìm đất cất lại chùa.

Cổng Quan Âm Tu viện

Cũng do nhân duyên, ông Phạm Văn Hai là cư sĩ (sau này là Đại đức Thích Thiện Hải tu tại tu viện) và các ông Phạm Văn Sức, Phạm Văn Tàu cùng toàn thể gia tộc họ Phạm đã phát tâm cúng dường khu đất thổ cư rộng 1 mẫu 6 sào tại ấp Tân Bản, tổng Chánh Mỹ Thượng, xã Bửu Hòa, Tp. Biên Hòa (nay là phường Bửu Hòa, Tp. Biên Hòa) cho Hòa thượng Tôn sư Thiện Phước và Ni sư Huệ Giác xây dựng ngôi tu viện và trại nuôi dưỡng cô nhi.

Được sự ủy quyền của Hòa thượng Tôn sư Thiện Phước, Ni sư Huệ Giác đã xuất dương để nghiên cứu thiết kế, cấu trúc và cách trang trí của các ngôi đại Già Lam ở các nước Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản. Trở về Ni sư cùng với Hòa thượng Tôn sư và các chư Tăng Ni nghiên cứu kết hợp hài hòa giữa tinh hoa kiến trúc cổ truyền Việt Nam với phong cách kiến trúc phương Đông, thiết kế và khởi công xây dựng tu viện mang tên Quan Âm (tức tên vị Bồ tát Quan Thế Âm) với hạnh nguyện từ bi, độ thế chúng sanh. Tu viện được khởi công vào tháng 4 năm 1966, khánh lạc năm 1968 (Mậu Thân).

Quan Âm Tu Viện xây dựng trên một quả đồi cao thoáng mát, cây cối xanh tươi, tọa lạc bên Quốc lộ 1K giao thông huyết mạch (đoạn ngang Cầu Hang) từ Bắc vào Nam, phố xá đông đúc vẫn giữ được vẻ thâm u, tĩnh mịch. Những dãy nhà làm học viện, Tăng, Ni đường, liêu, thất, phòng chẩn bệnh kết hợp với ngôi chánh điện, đền, đài, Bảo tháp đồ sộ vươn lên giữa trời xanh tạo thành một quần thể di tích hoàn chỉnh, ẩn bóng dưới những tán cây bồ đề, cây tràm, cây dầu cổ thụ cành lá sum suê, quanh năm tỏa mát.

Tháp Quan Thế Âm Bồ Tát

Nhìn toàn cảnh, Quan Âm Tu Viện có địa thế đẹp, phong thủy tốt, mặt hướng ra dòng Đại Giang, lưng tựa vào núi Châu Thới, Quan Âm Tu Viện từ bao năm nay vẫn tồn tại, oai nghiêm, cổ kính như một nhân chứng lịch sử phát triển của Phật giáo Đồng Nai nói chung và hệ phái Liên Tông Tịnh độ nói riêng.

Quan Âm Tu Viện có tất cả 19 công trình chia làm nhiều khu vực: thờ tự, học tập, sinh hoạt và từ thiện xã hội.

Khu vực thờ tự ở gần cổng ra vào, trung tâm là ngôi chánh điện, diện tích 94,5 m² (10,5mx9m), tường gạch, mái tứ giác lợp ngói tây, giữa đỉnh nóc có trang trí bầu linh dược Bửu Pháp của đức Bồ tát Quan Thế Âm. Nội thất chánh điện thờ đức Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật thiền định trên tòa sen, tượng cao 2m, chất liệu xi măng do nhà điêu khắc Minh Dung tạo vào năm 1967. Sau chánh điện có các công trình: tháp thờ đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; tháp tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma, tượng bằng xi măng, cao 3,6m, đúc năm 1981; tháp của Hòa thượng trụ trì Thích Thiện Chơn (1935-1977), 3 tầng, cao 6m, xây dựng năm 1986, khánh lạc năm 1988; kế tiếp là Bảo đồng của Đại đức Thích Thiện Hải người cúng dường đất xây tu viện, phía sau là tháp Địa Tạng Bồ tát, tượng cao 3,5m do nhà điêu khắc Mai Lân tạc năm 1970.

Nổi bật ở nơi thờ tự là tháp Huyền diệu Quan Thế Âm Bồ tát sừng sững uy nghiêm. Đây là biểu tượng chính của Quan Âm Tu Viện. Tháp được khởi công xây dựng vào năm Mậu Thân (1968), khánh lạc năm Canh Tuất (1970) do Ni sư Huệ Giác phác họa và chỉ đạo thi công. Tháp xây kiểu tứ trụ bằng vật liệu bền vững, cao 12m, bốn mái uốn cong nhẹ nhàng, thanh thoát. Tượng Quan Thế Âm bằng đá trắng tinh khiết, cao 7m. Có thể nói đây là pho tượng Phật bằng đá lớn nhất ở Biên Hòa.

Ngoài ra Quan Âm Tu Viện còn có các khu vực: Đông viện, Tây viện, Hậu viện, khu Tăng Ni, giới, nhà dưỡng lão, trại cô nhi... được thiết kế xây dựng rất khoa học tạo thành thế liên hoàn thuận lợi cho công tác tu học, làm việc, sinh hoạt của trụ trì và chư, Tăng Ni trong tu viện.

Bảo tháp của Tôn Sư Hòa Thượng Thượng Thiện Hạ Phước (Tổ Khai Sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng)

Ngày nay, chúng ta biết đến Quan Âm Tu Viện không chỉ là một cơ sở tín ngưỡng tôn giáo thờ tự, tu học, làm từ thiện trang nghiêm theo tông chỉ của hệ phái Tịnh Độ Tông mà còn biết đến đây là một tổ chức tôn giáo tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai có nhiều đóng góp to lớn cho xã hội nhất là phong trào trồng cây gây rừng và công tác từ thiện.

• Công tác trồng rừng:

Ngay từ những năm đầu, Đảng và Nhà nước phát động phong trào trồng rừng, phủ xanh đồi trọc thực hiện lời dạy của Bác: trồng cây, trồng người. Nhân ngày sinh nhật lần thứ 94 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1984), Ni sư Huệ Giác Viện chủ Quan Âm Tu Viện đã phát động Tăng, Ni tiến hành phát quang, khai hoang trồng rừng trên diện tích rộng 9 hécta ở xã Long Phước và Phước Thái (huyện Long Thành). Trong ngày ra quân có các ông Phạm Văn Hy (Bí thư tỉnh ủy), ông Phạm Văn Nà (Chủ tịch UBND tỉnh) và nhiều quan chức đầu ngành tỉnh Đồng Nai đã đến chứng minh và trồng cây lưu niệm. Từ sau lần ra quân đó đến nay, Viện chủ và Tăng, Ni Quan Âm Tu Viện đã tiếp tục khai hoang, nhận đất trồng mở rộng và trồng mới ở xã Long Phước, Phước Thái (huyện Long Thành), xã Hội Bài (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương)... Nâng tổng số diện tích rừng lên 348 mẫu. Rừng của Quan Âm Tu Viện có nhiều loại gỗ quí như: sao, sến, gõ, bằng lăng, tràm, dầu, xà cừ, bạch đàn... nay bước đầu đã có thu hoạch bình quân 50 triệu đồng/năm, làm lợi kinh tế cho địa phương và đất nước.

Song song với việc trồng rừng, Quan Âm Tu Viện còn tăng gia sản xuất tự túc kinh tế. Trồng 10 mẫu lúa, mỗi năm thu hoạch khoảng 500 giạ; 5 mẫu điều thu hoạch trung bình 30 triệu đồng/năm; 3 mẫu chuối thu hoạch trung bình 3 triệu đồng/năm. Ngoài ra, có năm còn trồng lúa mạch, trồng sả để chế biến chất tinh dầu.

• Công tác từ thiện:

Thành lập Cô nhi viện "Phúc Lộc Thọ" ở Tổ đình Linh Sơn, do chiến tranh, năm 1968 chuyển về Quan Âm Tu Viện, đến năm 1978 thì giải thể theo chủ trương chính sách của Nhà nước. Từ năm 1990 đến nay, tu viện có trại nuôi dưỡng người già, cô độc, neo đơn gồm 50 cụ; trại Cô nhi nuôi dạy 10 em bị khuyết tật, bại liệt, tâm thần.

Cố Hòa Thượng Thượng Thiện Hạ Phước (Chứng Minh Môn phong Quan Âm Tu viện)

Ngoài việc làm từ thiện tại cơ sở thờ tự, Viện chủ Quan Âm Tu Viện hiện nay là Phó Ban Từ thiện Hội Phật giáo Đồng Nai với những bước chân hoằng hóa, cứu nhân độ thế rong ruổi khắp nơi để cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, thăm viếng, ủy lạo bệnh nhân ở bệnh viện Tâm thần, bệnh nhân phong cùi, bệnh viện Đa khoa, da liễu; trẻ em khuyết tật; bệnh nhân bị chất độc màu da cam; người già yếu, neo đơn; đồng bào dân tộc Chơro, Xtiêng nghèo khó ở tận Tây nguyên xa xôi, xây nhà tình thương, tình nghĩa... Ở đâu có khó khăn hoạn nạn là nơi đó có dấu chân và tấm lòng ấm áp tình thương của Viện chủ Quan Âm Tu Viện. Tính từ năm 1997 đến nay (5 năm) Viện chủ và Tăng, Ni Quan Âm Tu Viện đã đóng góp, làm từ thiện cho xã hội 1,6 tỷ đồng, thật là con số đáng khen ngợi.

Từ khi khai sơn ngôi cổ tự đến nay, Quan Âm Tu Viện đã có 2 đời trụ trì:

Trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Thiện Chơn do Hòa thượng Tôn sư bổ nhiệm, trụ trì từ 1966-1978. Từ ngày 19/6/1978 đến nay Ni sư Huệ Giác giữ chức vụ Viện chủ Quan Âm Tu Viện.

Ni Sư Thích Nữ Huệ Giác

Về mặt tổ chức: Ban lãnh đạo tu viện hiện nay gồm có: Ni sư Huệ Giác Viện chủ kiêm trụ trì, người chính thức kế thừa Tông môn. Phó trụ trì là: Thượng tọa Thích Thiện Thành. Tổng thư ký: Thượng tọa Thích Giác Quang. Ngoài ra có 8 ban Nông thiền, mỗi ban có 12 người. Tổng số Tăng, Ni, chúng có hộ khẩu thường trú tại tu viện là: 150 người, tương đương với số Tăng, Ni của thiền viện Thường Chiếu (xã Phước Thái, huyện Long Thành).

Ni trưởng Quan Âm Tu Viện, pháp danh Lệ Cưng, đạo hiệu Thích nữ Huệ Giác, thế danh Nguyễn Thị Cưng, thuộc dòng Thiền Lâm Tế thứ 42, là trưởng tử của đức Tôn sư Hòa thượng Thích Thiện Phước, hiệu Nhựt Ý, thuộc dòng Thiền Lâm Tế thứ 41.

Ni trưởng sinh năm Đinh Sửu (1937) tại Tân Uyên (Bình Dương), xuất gia năm Mậu Tuất (1958) dưới sự chứng minh của đức Tôn sư Thượng Trí Hạ Châu và Hội đồng trưởng lão tại Tổ đình Linh Sơn (Bà Rịa), cũng trong năm này được Trung ương Giáo hội Phật giáo Tịnh Độ Tông cấp giấy phép hành đạo, giảng kinh khắp miền Nam nước Việt mặc dù chưa thọ giới Sadi, chưa thực sự đứng vào hàng ngũ xuất gia chính thức. Năm Đinh Mùi (1967) thọ Tỳ kheo Ni Bồ tát tại Tổ đình chùa Long Thiền (Biên Hòa). Năm 1980 được tấn phong Ni sư tại giới đàn chùa Bửu Phong (Bửu Long - Biên Hoà). Và năm 2002 được đề nghị tấn phong là Ni trưởng. Ni trưởng Huệ Giác đã trải qua và giữ nhiều chức vụ của Giáo hội Tỉnh, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, 3 Huy chương "Vì sự nghiệp Nhân đạo" và Huy chương "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc".

Ngoài công tác Phật sự là Viện chủ Quan Âm Tu Viện hướng dẫn Tăng, Ni tu theo Tông chỉ của hệ phái Tịnh Độ Tông, Ni trưởng còn sáng tác tập thơ: Suối nhạc rừng thơ; dịch và phát hành các bộ kinh: Thập Thiện diễn giảng, Di Đà yếu giải, 38 Pháp hạnh phúc, Tây Phương du ký, Quan Thế Âm tính luận, Tôn chỉ Pháp môn niệm Phật...

Từ khi xuất gia làm sứ giả của đức Phật Tổ và là Viện chủ Quan Âm Tu Viện đến nay, với tâm nguyện hoằng pháp lợi sanh, với ý nguyện tiếp nối sự nghiệp thầy Tổ, với tấm lòng Bồ tát từ bị, vô ngã, vị tha đã chỉ dạy cho chư Tăng, Ni, Phật tử có tấm lòng bao dung, độ lượng, từ thiện, thái độ ôn hòa, cởi mở và mến khách. Ni trưởng luôn chỉ dạy cho Tăng, Ni hiểu rõ: Phước báu hạnh nghiệp đều do nơi công đức huân tu mà có. Ngày nay, ngôi cổ tự được sung mãn các Tăng, Ni càng phải đem hết tâm huyết tu hành có thế mới đền mong đáp được tứ ân trong muôn một. Nếu du khách có dịp ghé thăm Quan Âm Tu Viện cũng sẽ được trò chuyện với Ni sư Viện trưởng và các bậc tôn túc, thiện hữu tri thức, sẽ làm tăng trưởng thêm hạt giống bồ đề trong con người mình, thật là phúc duyên, khi rời Tu Viện trở về có được tâm hồn như đã tẩy sạch bụi trần, lâng lâng một niềm vui thoát tục với những ấn tượng không phai mờ về một chốn thiên thai đầy lòng từ bi, bác ái.

Nguyện cầu cho Tam bảo trường tồn, lan tỏa khắp nơi nơi để mỗi chúng sanh đều thấm nhuần mưa pháp, thức tỉnh mê lần quay về bờ Giác không còn đau khổ và hận thù, được sự an lạc trong cuộc sống hiện tại và mai sau.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Quan Âm tu viện Biên Hòa - Tổ đình của Liên tông Tịnh độ Non Bồng

Trên quốc lộ 1K từ TPHCM về Biên Hòa, lúc sắp đến cầu Hóa An du khách sẽ nhìn thấy bên tay phải có một khuôn viên yên bình rợp bóng cây xanh, đó là Quan Âm Tu viện. Ngôi chùa này có vị trí rất đẹp, phía trước là dòng sông Đồng Nai, phía sau là núi Châu Thới, cảnh quan yên bình tĩnh lặng, với những rặng cây cao. Quan Âm tu viện là Tổ đình của Liên tông Tịnh độ Non bồng, là nơi liên hệ của 172 cơ sở thờ tự trên toàn quốc cùng một môn phong pháp phái, một Thầy Tổ với danh nghĩa tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật Đường.


Nếu bạn là khách phương xa đến Biên Hòa, đây là một nơi tôn nghiêm có nhiều ý nghĩa với người kính ngưỡng Phật pháp; một nơi có nhiều cảnh quan kiến trúc, điêu khắc đẹp mắt, hài hòa; một điểm đến vãn cảnh yên bình, thơ mộng với người yêu thiên nhiên. Với người sống ở Biên Hòa, đây ngoài việc là nơi viếng chùa lễ Phật của Phật tử còn là nơi đến để có những phút giây yên ả tạm quên đi những náo nhiệt ồn ào nơi phố thị.

Hình ảnh dưới đây chụp vào năm 2017 và 2018.

Thánh tháp Bồ tát Quan Thế Âm

Tượng Phật nơi chánh điện

Tượng Địa Tạng, được thỉnh về từ Nghĩa trang Đô thành khi nghĩa trang này bị giải tỏa.

Nơi thờ tự

Tháp của Hòa thượng tôn sư Thích Thiện Phước, người khai sinh ra phái Tịnh độ Non bồng



Những thông tin về nguồn gốc và các công trình kiến trúc ở tu viện dưới đây được trích và tổng hợp lại theo bài viết của HT Thích Giác Quang ngày 15/9/2017 trên website Tịnh độ Non bồng (www.tinhdononbong.com).

Nguồn gốc

Quan Âm tu viện Biên Hòa có xuất phát từ Tổ đình Linh Sơn (núi Dinh, Bà Rịa). Năm 1965, Tổ đình Linh Sơn bom đạn chiến tranh khiến 9 tăng ni Phật tử tử vong và 30 tăng ni Phật tử khác bị thương nặng. Đứng trước ngôi già lam trên 200 năm gầy dựng, trải qua 10 đời trụ trì nay phúc chốc trở thành hư không. Hòa thượng Tôn sư trụ trì Thích Thiện Phước và Ni trưởng Huệ Giác Tông trưởng của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng quyết định dắt dìu trên 600 tăng ni, Phật tử và 200 cháu cô nhi không nơi nương tựa di tản về Biên Hòa tìm đất xây dựng lại chùa.

Tại đây, cư sĩ Phạm Văn Hai (sau này là Đại đức Thích Thiện Hải tu tại Quan Âm tu viện) và quý ông Phạm Văn Sức, Phạm Văn Tàu cùng toàn thể gia tộc họ Phạm đã phát tâm cúng dường khu đất thổ cư rộng 1,6 hecta tại ấp Tân Bản, tổng Chánh Mỹ Thượng, xã Bửu Hòa, TP Biên Hòa (nay nằm trên dường Nguyễn Ái Quốc, khu phố 3, phường Bửu Hòa. TP Biên Hòa) để xây dựng ngôi tu viện và cô nhi viện. Tu viện được khởi công ngày mùng 08 tháng 4 năm Bính Ngọ (27/05/1966), khánh lạc ngày 15 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (02/03/1969).

Quan Âm tu viện được xây dựng trên một quả đồi cao thoáng mát, cây cối xanh tươi, nằm ngay bên quốc lộ 1K nhưng tu viện vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng, thanh tịnh. Những dãy nhà làm học viện, am phòng tăng ni, trai đường, liêu, thất, phòng chẩn bệnh …kết hợp với ngôi chánh điện, đền đài, bảo tháp  vươn lên giữa trời xanh tạo thành một quần thể di tích hoàn chỉnh, ẩn bóng dưới những rặng cây bồ đề, cây công chúa, cây dầu cổ thụ...


Các công trình kiến trúc

Quan Âm tu viện có tất cả 48 công trình lớn nhỏ chia làm nhiều khu vực.

Khu vực thờ tự ở gần cổng ra vào, trung tâm là ngôi chánh điện diện tích 94,5  (10,5 x 9m), tường gạch, mái tứ giác lợp ngói tây, giữa đỉnh nóc có trang trí bầu linh dược Bửu tháp của Đức Bồ tát Quan Thế Âm. Trung tâm Chánh điện thờ đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật thiền định trên tòa sen tượng cao 2,5 mét, chất liệu xi măng do nhà điêu khắc Minh Dung sáng tạo (2/1967). Sau Chánh điện có các công trình : điện thờ Thiên Thủ thiên nhãn, tháp thờ đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, tháp tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma, tượng bằng ciment cao 3,6m đúc ngày rằm tháng giêng 1981. Tháp của Hòa thượng tôn sư Thích Thiện Phước (1924-1986) , 9 tầng, cao 12 mét, xây dựng năm 1986, khánh thành này 30/7 âl (1988), các tháp của Hòa thượng Trụ trì Thích Thiện Chơn (1935 – 1977), tháp của Hòa thượng Thích Giác Châu (1935-1998) , kế tiếp là Bảo đồng của Đại đức Thích Thiện Hải (1923-1999), người cúng dường đất xây tu viện. Phía sau là tháp Địa Tạng Bồ tát,  do nhà điêu khắc Mai Lân tạc năm 1970. Ngoài ra còn có tháp A Di Đà cao 7,5 mét.

Nổi bật ở nơi thờ tự là thánh tháp Huyền diệu Quan Thế Âm Bồ tát sừng sững uy nghiêm. Đây là biểu tượng chính của Quan Âm tu viện. Tháp được khởi công xây dựng vào ngày 19/06 âl, năm Mậu Thân (1968), khánh lạc ngày 19/09 âl, năm Canh Tuất (1970) do Ni trưởng Huệ Giác phác họa và chỉ đạo thi công. Tháp xây kiểu tứ trụ bằng vật liệu bền vững, cao 12 mét, bốn mái uốn cong nhẹ nhàng thanh thoát. Tượng Quan Thế Âm bằng đá trắng tinh khiết, cao 7m. Có thể nói đây là pho tượng Phật bằng đá lớn nhất ở Biên Hòa.


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét