21 tháng 9, 2021

Chùa Xá Lợi

Tên thường gọi: Chùa Xá Lợi

Chùa tọa lạc tại số 89 đường Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: 08.9307438, 08.9300114. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Toàn cảnh ngôi chánh điện

Tam quan chùa

Chùa Xá Lợi

Mặt tiền chánh điện

Mặt tiền chùa

Mặt tiền chùa

Một góc chùa

Chùa do Hội Phật học Nam Việt (thành lập ngày 19 – 9 – 1950) đứng ra xây cất với sự đóng góp của các Chi hội và Tỉnh hội 21 tỉnh miền Nam.

Chùa khởi công xây dựng vào ngày 05 – 8 – 1956 dưới sự đôn đốc của hai kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hà Tố Thuận thi công theo bản vẽ của hai kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh, diện tích hơn 2.500 m2 . Chùa được khánh thành vào các ngày 2, 3, 4 – 5 – 1958.

Chùa có kiến trúc theo lối mới, xây lầu, trên là bái đường, dưới là giảng đường. Toàn thể ngôi chùa có: cổng tam quan, ngôi chánh điện, giảng đường, tháp chuông 7 tầng, thư viện, phòng đọc sách, khu tăng phòng, nhà trai đường, văn phòng Ban quản trị, phòng khách, đoàn quán gia đình Phật tử, phòng phát hành kinh sách và nhà vãng sanh.




Điện Phật

Hành lễ ở chánh điện

Cổng chính của chùa mở ra hướng Đông Bắc, phía đường Bà Huyện Thanh Quan. Sau tam quan có tháp chuông 7 tầng cao 32m được khởi công xây dựng ngày 15 – 12 – 1960, khánh thành ngày 23 – 12 – 1961. Đại hồng chung cân nặng 2 tấn, đường kính 1,2m, cao 1,6m, rót đồng tại phường Phường Đúc, Huế ngày 15 – 4 – 1961 (01 – 3 năm Tân Sửu) theo mẫu của đại hồng chung chùa Thiên Mụ, Huế. Đại hồng chung được treo lên tháp ngày 17 – 10 – 1961 dưới sự chứng minh của cố Hòa thượng Thích Tịnh Khiết.

Chánh điện ở lầu 1 được bài trí tôn nghiêm. Tượng đức Phật Thích Ca được tôn trí tại đây là một tác phẩm mỹ thuật bằng đá nhân tạo màu hồng, cao 6,5m do ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền đặt họa sĩ, điêu khắc gia Lê Văn Mậu tạc. Tượng đức Phật được làm lễ an vị vào ngày 12 – 2 – 1958 (24 – 12 năm Đinh Dậu). Pho tượng đã được tạp chí ASIA giới thiệu khắp thế giới thời bấy giờ.

Bàn thờ chư Tổ

Tháp chuông

Tháp chuông

Tháp Bồ tát Quảng Đức

Đài Bồ Tát Quan Âm

Tượng Bồ tát Quan Âm

Tượng Bồ tát Quan Âm

Ở trên tường chung quanh chánh điện, có 15 bức tranh khổ lớn về sự tích đức Phật Thích Ca từ sơ sinh đến thành đạo, nhập niết bàn do họa sĩ Nguyễn Văn Long thực hiện vào các năm 1958.

Đặc biệt, ở trên cao, ngay trước tượng Phật là nơi tôn thờ ngọc Xá Lợi Phật, đặt trong một bảo tháp nhỏ bằng bạc để trong một ô khám làm theo hình lá bồ đề. Viên ngọc này do ngài Narada Mahathera, tọa chủ chùa Vajirarama ở Srilanka dâng cúng cho Phật giáo Việt Nam.

Trong sách Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa truyền thống (NXB Tôn Giáo, 2003), tác giả Thích Đồng Bổn cho biết chùa có tôn thờ một pho kinh bối diệp cổ chép bằng chữ Pali trên lá Ô bôi (lá muôn) cách nay trên 1.000 năm, dài 45cm, ngang 6cm. Bộ kinh này do Giáo hội Tăng già Tích Lan tặng cho HT Thích Quảng Liên, và HT Thích Quảng Liên đã tặng cho Hội Phật học Nam Việt để làm chứng tích pháp bảo thường trụ tại quốc độ này. Bộ kinh chép lời đức Thế Tôn khi Ngài bắt đầu Chuyển pháp luân tại thành phố Ba La Nại. Pháp tạng này được cung thỉnh về chùa Xá Lợi ngày 16 – 6 – 1957. Chùa có cây bồ đề được chiết cành từ cây gốc ở Tích Lan, do Thái tử con vua A Dục đem từ nơi đức Phật Thành đạo sang trồng khi đến truyền bá đạo Phật ở xứ nay. Cây đươc trồng vào ngày 27 – 12 – 1958 (17 – 11 năm Mậu Tuất).



Bưu ảnh chùa Xá Lợi















Tranh vẽ sự tích đức Phật

Đại hồng chung trên tháp

Chùa được Hội Phật học Nam Việt xây dựng để thờ Xá Lợi Phật nên được người dân gọi quen là chùa Xá Lợi. Ban đầu, HT Thích Nhất Hạnh đã đề nghị đặt tên chùa Cổ Pháp. Nhưng Hòa thượng Khánh Anh, Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt, Chứng minh Đạo sư của Hội Phật học Nam Việt, đặt tên Xá Lợi cho hợp lòng người.

Ngày 31 – 8 – 1991, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo và Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận và phát hành hai tập kinh đầu tiên của bộ Đại Tạng kinh tại giảng đường Chánh Trí Mai Thọ Truyền.

Đại hội Phật giáo TPHCM nhiệm kỳ 5 (năm 1997)

Đại hội Phật giáo TPHCM nhiệm kỳ 5 (năm 1997)

Đại hội Phật giáo TPHCM nhiệm kỳ 6 (năm 2002)–Hòa thượng Thích Trí Quảng phát biểu khai mạc

Đại hội Phật giáo TPHCM nhiệm kỳ 6 (năm 2002)

Đại hội Phật giáo TPHCM nhiệm kỳ 6 (năm 2002)

Đại hội Phật giáo TPHCM nhiệm kỳ 6 (năm 2002)

Đại hội Phật giáo TPHCM nhiệm kỳ 6 (năm 2002)–Triển lãm ảnh

Cư sĩ Mai Thọ Truyền sanh năm 1905 tại Bến Tre. Ông là công chức, đã làm việc ở nhiều nơi ở Sài Gòn, Trà Vinh, Long Xuyên, Sa Đéc. Năm 1968, ông giữ chức Quốc Vụ Khanh kiêm Viện trưởng Giám sát viện, rồi Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa cho đến năm quy tịch. Ông là đệ tử của Hòa thượng Thích Hành Trụ, được Hòa thượng đặt pháp danh Chánh Trí. Năm 1950, ông vận động thành lập Hội Phật học Nam Việt. Sau đó, ông đã vận động và đứng ra xây dựng chùa Xá Lợi.

Chùa nguyên đặt trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam (văn phòng II) từ khi Giáo hội được thành lập tháng 11 – 1981. Đến năm 1993, văn phòng được dời sang Thiền viện Quảng Đức. Hòa thượng Thích Thiện Hào, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, nguyên Viện chủ chùa.

Lễ cung đón Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Phái đoàn Phật giáo Quốc tế thuộc Tăng thân Làng Mai (Pháp).


Đón tiếp Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh và đoàn lễ Phật ở chánh điện.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh và đoàn lễ Phật ở chánh điện.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh thăm chùa.


Lễ tiếp Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở chánh điện.

Chùa Xá Lợi tặng quà lưu niệm cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh.


Thiền sư Thích Nhất Hạnh tặng quà lưu niệm cho Chùa Xá Lợi.

Đoàn Tăng thân Làng Mai.

Hòa thượng Thích Thiện Hào thế danh là Trương Minh Đạt, sanh năm 1911 tại xã An Phú Đông, huyện Hóc Môn. Ngài xuất gia với Tổ Huệ Đăng ở chùa Thiên Thai, Bà Rịa năm 1927. Ngài thuộc đời thứ 42 dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông. Ngài là một vị cao tăng đức độ, một nhà lãnh đạo tài năng của Phật giáo. Ngài viên tịch vào ngày 20 – 7 – 1997 (16 – 6 năm Đinh Sửu). 

Chùa đón tiếp đông đảo Phật tử, du khách đến tham quan, chiêm bái hằng ngày và nghe giảng pháp vào các buổi sáng chủ nhật trong tuần.

Phật tử nghe giảng pháp.

Chư ni và Phật tử nghe giảng pháp.

Sư cô Chân Không hướng dẫn Phật tử tập thở.

Chư Tăng Ni và Phật tử niệm Phật.


Thiền sư Thích Nhất Hạnh đang thuyết giảng.


Phái đoàn Phật giáo Quốc tế thuộc Tăng thân Làng Mai (Pháp) đang niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm.


Chư Tăng Ni nghe giảng pháp


Chư Ni nghe giảng pháp













Phật tử nghe giảng pháp

Chân dung Cố Hòa thượng Thích Thiện Hào

Long vị Cố Hòa thượng Thích Thiện Hào

Chủ tịch UBND TPHCM tiếp đoàn đại biểu PG TPHCM

Đoàn đại biểu PG TPHCM tại UBND TPHCM (năm 2002)

Đoàn đại biểu PG TPHCM tại UBND TPHCM (năm 2002)

Hành lễ ở tháp

Chân dung Cố Hòa thượng Thích Quảng Đức

Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, năm 1963 (ảnh tư liệu

Trái tim Cố Hòa thượng Thích Quảng Đức (ảnh tư liệu)

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Tản mạn về ngôi chùa Xá Lợi

Mỗi ngôi chùa có một tên gọi chính thức, gọi là tên hiệu. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp người ta quen gọi chùa bằng tên dân dã do mình tự đặt, thường là dựa theo một đặc điểm dễ thấy, dễ nhớ nào đó của chùa. Chính vì vậy, các tư liệu giới thiệu về chùa thường ghi 2 tên, một là tên chính thức và hai là tên thường gọi.

Tất nhiên tên hiệu chùa là chính danh, do các bậc trưởng thượng của Phật giáo ban đặt. Tên thường gọi thì hoặc là đúng tên hiệu, hoặc là dân gian đặt ra thì chỉ để thuận tiện cho việc gọi thôi chứ không hề được thừa nhận chính thức.

Cá biệt có một ngôi chùa rất nổi tiếng ở Sài Gòn, cái tên do người dân tự đặt cho chùa lại được dùng làm tên hiệu của chùa luôn.

Năm 1953, đại đức Narada Mahathera, tọa chủ chùa Vajirarama ở Tích Lan sang Việt Nam, phụng thỉnh theo 3 viên Xá lợi và 3 cây Bồ đề con, để dâng cúng cho 3 nơi. Sau khi thảo luận với đạo hữu Chánh Trí (ông Mai Thọ Truyền), đại đức Narada đã quyết định dâng ngọc xá lợi lên đức Đoan Huy-Hoàng thái hậu (thường gọi là đức Từ Cung, thân mẫu cựu hoàng Bảo Đại –lúc đó đang làm quốc trưởng chính quyền vùng Pháp tái chiếm), để bà Thái hậu tùy ý giao lại cho đoàn thể Phật giáo nào mà bà xét thấy đáng phụng thờ di tích của đức Thế tôn. Hai năm sau, đức Từ Cung quyết định giao cho Tổng hội Phật giáo Việt Nam trách nhiệm phụng thờ ngọc xá lợi. Tổng hội xét công lao của hội Phật học Nam Việt, đã ủy nhiệm cho hội nhiệm vụ thờ phụng, lúc ấy trụ sở của hội còn đặt tại chùa Phước Hòa ở khu Bàn Cờ, cũ kỹ và chật hẹp.

Đến năm 1955, hội Phật học Nam Việt quyết định xây dựng chùa mới tại một vị trí khác, để có nơi xứng đáng phụng thờ di bảo đức Thế tôn và đủ chỗ cho thiện nam tín nữ đến lễ Phật chiêm bái xá lợi. Ngôi chùa này được khởi công xây dựng ngày 5/8/1956 trên thửa đất diện tích hơn 2500 m², hoàn thành ngày 2/5/1958.

Chùa Xá Lợi hiện nay

Vì mục đích chính của chùa là nơi để thờ xá lợi, nên trong thời gian xây dựng người dân quen gọi đó là chùa Xá Lợi. Đến lúc khánh thành, hội Phật học đến thỉnh ý Hòa thượng Khánh Anh, Pháp chủ giáo hội Tăng già Nam Việt và cũng là Chứng minh Đạo sư của hội Phật học Nam Việt để xin đặt tên hiệu cho chùa, Hòa thượng dạy: “Còn đặt tên gì nữa! công chúng đã gọi là chùa Xá Lợi thì lấy tên ấy cho hợp lòng người”, đó là duyên cớ có tên là chùa Xá Lợi. (theo website của chùa Xá Lợi, www.chuaxaloi.vn).

Chùa Xá Lợi là một ngôi chùa nổi tiếng, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, là một danh lam thắng cảnh của TPHCM. Chẳng những thế, chùa còn liên quan đến... Biên Hòa nữa! Đó là: tượng Phật chính ở chùa do trường Mỹ nghệ Biên Hòa (nay là trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai) tạo tác! Website của chùa Xá Lợi ghi:


Chùa thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca lớn, trong tư thế ngồi kiết già trên tòa sen. Ban đầu khi xây chùa, pho tượng được giáo sư Trương Đình Ý thực hiện bằng xi măng và thạch cao, tiếc rằng pho tượng đúc xong quá lớn không đưa lên chính điện trên lầu được, nên nhượng lại cho chùa khác (nay là tượng Phật cô đơn ở huyện Bình Chánh). Sau đó, hội Phật học nhờ trường Mỹ nghệ Biên Hòa đắp tạo pho tượng khác bằng bột đá màu hồng theo như kích thước của tòa sen trên Phật đài. Tượng đúc xong được an vị vào ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Dậu -1958. Đến năm 1969, pho tượng được thếp lại toàn thân bằng vàng như hình dáng ngày nay. Tượng Phật chùa Xá Lợi là một tác phẩm mỹ thuật, đường nét hài hòa cân đối, mang tính cách một vị Phật Việt Nam, không chịu ảnh hưởng các nền văn hóa khác, là khuôn mẫu tiêu biểu cho nhiều tượng Phật được thực hiện sau này.

Tượng Phật trên chánh điện chùa Xá Lợi năm 1965. Ảnh: Thomas trên Panoramio

Tượng Phật trên chánh điện chùa Xá Lợi hiện nay. Ảnh: Website chùa Xá Lợi

Phạm Hoài Nhân
Theo thông tin từ bài viết của TT Thích Đồng Bổn trên website Chùa Xá Lợi
Trải nghiệm không gian tâm linh vừa cổ kính vừa hiện đại của chùa Xá Lợi

Tượng thờ tại chùa Xá Lợi rất đơn giản. Chùa chỉ thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca trên chính điện. Cách bài trí một tượng Phật duy nhất, tôn nghiêm cọng với giá trị nghệ thuật của pho tượng đã góp phần làm nên nét đặc thù riêng của chùa Xá Lợi. 

Lịch sử và kiến trúc

Chùa Xá Lợi là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh. Chùa tọa lạc tại số 89 đường Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, điện thoại: 083.9307438, 083.9300114.

Chùa chính thức khởi công xây dựng ngày 05 tháng 08 năm 1956 (nhằm ngày 29 tháng 06 năm Bính Thân) trên một diện tích 2.500 m², do Câu lạc bộ Đông Dương nhượng lại với số tiền tượng trưng là một đồng bạc Việt Nam. Chùa được xây dựng theo bản vẽ của hai kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh, với sự tham gia kỹ thuật của hai kỹ sư Lê Văn Hổ và Trương Văn Khoa cùng với sự đôn đốc thi công của hai kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hồ Tố Thuận.

Thời gian thi công ngôi chùa là mười bảy tháng và hoàn thành ngày 02 tháng 05 năm 1958. Chùa được khánh thành vào các ngày 02, 03, 04 tháng 05 năm 1958 (nhằm ngày 14, 15, 16 tháng 03 năm Mậu Tuất).

Chùa Xá Lợi chỉ mới trải qua một lần trùng tu duy nhất trong ba năm, từ 1999 đến 2001. Đợt trùng tu này đã giữ nguyên vẻ kiến trúc ban đầu của ngôi chùa.

Chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống dân tộc. Đây là ngôi chùa lầu đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh, mở đầu cho lối kiến trúc mới của Phật giáo: Trên Bái đường, dưới Giảng đường. Đồng thời trên nóc Chính điện là những đầu mái uốn cong truyền thống. Kiến trúc ngôi chùa có các hạng mục: cổng tam quan, ngôi chính điện, giảng đường, tháp chuông bảy tầng, thư viện, văn phòng Ban quản trị, khu tăng phòng, nhà trai đường, phòng khách, đoàn quán gia đình Phật tử, phòng phát hành kinh sách, nhà vãng sinh và các vườn cảnh.


Chùa Xá Lợi 

Trong số những công trình nêu trên thì, kiến trúc mang nét đặc trưng làm nên phong cách riêng của chùa Xá Lợi là ngôi Chính điện và tháp Chuông bảy tầng.

Ngôi Chính điện có chiều rộng 15m, chiều dài 31m . Chính điện được thiết kế rộng rãi, thoáng mát, hiệu quả ánh sáng được vận dụng tốt nhờ hệ thống các cửa sổ cao, cọng với mặt tường được tô đá rửa màu vàng lợt.

Nội thất Chính điện thoáng rộng, trang nghiêm, hiệu ứng ánh sáng rất tốt 

Trên tường xung quanh Chính điện có 14 bộ tranh mô tả lịch sử cuộc đời đức Phật từ lúc Đản sanh đến khi nhập Niết bàn. Bộ tranh này do giáo sư Nguyễn Văn Long Trường Đại học Mỹ Thuật Gia Định thực hiện năm 1958. Tranh được vẽ bằng chất liệu sơn bột màu, rất sinh động, trông vào như đắp nổi. Đây là tác phẩm rất có giá trị nghệ thuật về phong cách họa tiết. 

Ngoài ra, trên Chính điện còn có một tháp bằng ngọc, hình lá Bồ đề, bên trong đựng ngọc Xá Lợi của đức Phật Thích Ca. Tháp đựng Xá Lợi được tôn trí ở trên cao, ngay trước tượng Phật Thích Ca.

Mặt trước chùa là cổng Tam quan chính, nhìn ra đường Bà Huyện Thanh Quan. Cổng Tam quan phụ mở ra phía đường Sư Thiện Chiếu. Phía trong cổng Tam quan chính, bên trái là tháp Chuông bảy tầng cao 32m được khởi công xây dựng ngày 15 tháng 12 năm 1960 và khánh thành ngày 23 tháng 12 năm 1961. Trong tháp treo Đại hồng chung. Đại hồng chung đã phải đúc hai lần. Lần đầu đúc ngày ngày 01 tháng 03 năm 1961 bị hỏng. Lần hai đúc ngày 15 tháng 04 năm 1961 (nhằm ngày 01 tháng 03 năm Tân Sửu), cân nặng 2 tấn, đường kính 1,2m, cao 1,6m, rót đồng tại phường Phường Đúc Huế theo mẫu của đại hồng chung chùa Thiên Mụ. Đại hồng chung được treo lên tháp ngày 17 tháng 10 năm1961 (nhằm ngày 08 tháng 09 năm Tân Sửu).

Tháp chuông- công trình kiến trúc độc đáo của chùa Xá Lợi 

Ngoài sân bên trái chính điện có một cây Bồ đề do ông Trần Văn Hậu mang về từ Colombo, thay thế cho cây Bồ đề do ngài Narada mang sang tặng năm 1953 đã bị chết. Cạnh cây Bồ đề có đài Bồ tát Quán Thế Âm Lộ Thiên.

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm lộ thiên 

Chùa Xá Lợi là ngôi chùa đặc biệt không có câu đối. Nhưng bù lại chùa lại có những pháp khí quý  giá khác như: 
  • Bức hoành phi đề bốn chữ Hán tự “Đông thùy pháp vũ” do chính tay Từ Hy thái hậu viết. Bức hoành phi này được ông Bùi Văn Thương, Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Tokyo mua ở Nhật để tặng cho chùa vào tháng 03 năm 1963. 
  • Một tháp bằng bạc trong đựng ngọc Xá lợi của Đức Hoạt Phật Chương Gia Đại Sư do Pháp sư Diễn Bồi mang từ Đài Loan sang tặng chùa Xá Lợi vào ngày 11 tháng 12 năm 1960. 
  • Một ngọn tháp bằng đồng lấy kiểu từ ngọn tháp cổ đã tìm lại được dưới đất sâu tại Ấn Độ hồi thế kỉ 18. Ngọn tháp này do ông S. Gupta, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Việt Nam đến chùa Xá Lợi nhân danh Ban tổ chức lễ kỉ niệm Buddha Jayanti tặng cho ông Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt vào ngày 25 tháng 08 năm 1957. 
Về kinh điển, có thể nói, chùa Xá Lợi là ngôi chùa Bắc tông duy nhất ở Việt Nam hiện lưu giữ pho kinh Pali viết trên lá buông cổ xưa nhất. Pho kinh này đã trên một ngàn năm tuổi. Bản kinh dài 45 cm, rộng 6 cm, hai đầu có dùi lỗ để xỏ chỉ xâu lại. Bìa kinh làm bằng gỗ, sơn son thép vàng, có trang trí hoa văn cầu kì. Pho kinh được bọc trong một khăn lụa ngũ sắc. Bản kinh được cung thỉnh về chùa Xá Lợi vào ngày 16 tháng 06 năm 1957. Nội dung pho kinh này chép những lời ngọc của đức Thế Tôn khi Ngài bắt đầu chuyển bánh xe Pháp luân.

Pho kinh bối diệp bằng tiếng Pali 

Tượng thờ và bài trí tượng thờ

Tượng thờ tại chùa Xá Lợi rất đơn giản. Chùa chỉ thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca trên chính điện.

Trần Hồng Liên trong bài “Khái quát về những ngôi chùa ở Nam Bộ”cho rằng: “Do ảnh hưởng của phật giáo Nam tông du nhập vào Nam Bộ hay của người Khmer sống lâu đời tại đây, đã đưa đến sự hình thành một Phật điện khá đặc biệt trong ngôi chùa Phật giáo Đại thừa (trường hợp chùa Xá Lợi).”

Ý kiến trên của Trần Hồng Liên có phần đúng. Cách bài trí tượng thờ ở chùa Xá Lợi có nét gần gũi với Phật giáo Nam tông hơn. Chánh điện chùa Phật giáo Bắc tông thường tôn trí nhiều bệ thờ, nhiều tượng Phật. Nhưng ngược lại, chánh điện chùa Phật giáo Nam tông chỉ thờ một pho tượng Thích Ca mà thôi. Ngay cách trang trí cũng thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng vẫn không kém phần trang nghiêm, thành kính.

Pho tượng Phật Thích Ca duy nhất thờ trên Chánh điện chùa Xá Lợi hiện nay là do cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đặt họa sĩ kiêm điêu khắc gia Lê Văn Mậu trường Mỹ Thuật Biên Hòa tạc. Tượng được làm bằng chất liệu đá cẩm thạch màu hồng. Tượng cao 6,5 m, tòa sen 1,36 m, ngang gối 3,62 m, bệ cao 2 tấc, đường kính tòa sen 3,62 m x 2,64 m. Giá tiền chi phí để tạc pho tượng này 180.000 đồng.

Pho tượng sau khi được trường Mỹ Thuật Biên Hòa lên cốt, một phái đoàn của Giáo hội và Hội, có sự tham gia ý kiến của một giáo sư hội họa, đến xem, phê bình và bắt sửa chữa lại những chỗ khuyết điểm và thợ đã bắt đầu làm khuôn vào ngày 10 tháng 12 năm 1957. Như vậy, pho tượng Phật ngày nay đã được tạc rất kỹ lưỡng và công phu.

Tượng Phật được đúc xong ngày 24 tháng 12 năm 1958. Tượng Phật được làm lễ an vị vào ngày 12 tháng 02 năm 1958 (nhằm ngày 24 tháng 12 năm Đinh Dậu).

Đến năm 1968, tượng được thếp lại toàn thân màu vàng như hình dáng ngày nay.

Điện Phật chỉ thờ tượng Đức Phật Thích Ca 

Ban đầu khi chùa Xá Lợi được hoàn thành thì pho tượng Phật Thích Ca đã được ông Trương Đình Ý đắp. Nhưng vì pho tượng này quá to và không chắc nên không thể đưa lên tòa sen được. Hơn nữa, tượng này còn nhiều khuyết điểm về nghệ thuật nên chùa đã cúng cho chùa khác (nay là tượng Phật Cô Đơn).

Cách bài trí một tượng Phật duy nhất, tôn nghiêm cộng với giá trị nghệ thuật của pho tượng đã góp phần làm nên nét đặc thù riêng của chùa Xá Lợi.

Sinh hoạt và lễ hội

Ngôi chùa đối với người Việt Nam không những là nơi thờ tự mà còn là trung tâm văn hóa giáo dục, là nơi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và hội hè của tất cả mọi người.

Chùa Xá Lợi, với truyền thống là ngôi chùa Phật học, nên những chức năng trên càng thể hiện rõ.

Về giáo dục: Chùa Xá Lợi thuyết giảng Phật pháp vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần và lớp giáo lí dành cho Phật tử tại gia, học từ 2 giờ 00 đến 5 giờ 00 ngày chủ nhật hàng tuần.

Ngoài ra còn có lớp Thư pháp dành cho mọi đối tượng yêu thích môn nghệ thuật này. Lớp Thư pháp học vào các ngày thứ 2, thứ 3 và chủ nhật do nhà thư pháp Chính Trung phụ trách.

Nằm trong phạm vi giáo dục, còn phải kể đến thư viện của chùa Xá Lợi. Thư viện hiện có trên 3000 đầu sách, trong đó có hai bộ Đại tạng kinh bằng chữ Hán rất có giá trị, đó là bộ Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh và bộ Tân Tu Tục Tạng. Thư viện mở cửa phục vụ ngày hai buổi suốt cả tuần. Từ thứ hai đến thứ năm dành cho bạn đọc người Việt, từ thứ sáu đến chủ nhật dành cho bạn đọc người Hoa.

Tại thư viện còn treo và trưng bày một số tranh thư pháp, thư họa của nhà thư pháp Chính Trung. Ông cũng là người quản lí thư viện chùa Xá Lợi.

Thư viện

Ngoài Thư viện còn có phòng phát hành kinh sách, phát hành hầu hết các kinh sách Phật giáo, các loại sách văn học, triết học, văn hóa, du lịch và một số văn hóa phẩm Phật giáo khác như: tranh, tượng, chuỗi, chuông mõ, đồ thờ cúng . . .

Về lễ hội: Ngoài các ngày lễ chung của Phật giáo như Phật đản, Vu lan, Rằm tháng Giêng, Tết Nguyên Đán, chùa còn có hai ngày lễ lớn nữa, đó là ngày lễ giỗ kị ông Hội trưởng Chánh Trí Mai Thọ Truyền vào ngày 15 tháng 03 Âm lịch và Đàn Dược Sư vào tháng Giêng Âm lịch. Nhưng tất cả ngày lễ trên mới chỉ là lễ, chưa thể gọi là lễ hội.

Chùa Xá Lợi còn là ngôi chùa thường hay tổ chức lễ hằng thuận (lễ cưới) cho những cặp uyên ương là Phật tử và những ai muốn tổ chức lễ cưới theo nghi thức Phật giáo.

Bạn muốn thư lắng tâm hồn sau những ngày làm việc căng thẳng? Bạn muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại và tham gia vào những lễ hội tâm linh? Mời bạn đến viếng thăm chùa Xá Lợi.

Thích Tâm Bình- Kim Liên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét