19 tháng 4, 2022

Tuần Chính Thiền tự

TUẦN CHÍNH THIỀN TỰ
  • Địa điểm: ấp 5, khu II, xã Long Phước, huyện Long Thành
  • Năm xây dựng: 1986
  • Người khai sơn và trụ trì hiện nay: Ni sư Thích nữ Huệ Niệm
  • Năm trùng tu: 1988, 1991
  • Hệ phái: Bắc tông
Chùa do Ni sư Thích nữ Huệ Niệm, thế danh Phan Thanh Nga là đệ tử của Ni trưởng chùa Linh Phong (Đà Lạt) khởi công xây dựng vào năm 1986 trên khu đất 1 sào nhượng lại của Hợp tác xã Đông Y thuộc khu II, Gò Bường, vùng kinh tế mới xã Long Phước. Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng trên vùng đất này, do vậy các bộ lão ở địa phương tặng danh hiệu cho Ni sư Huệ Niệm là Tổ khai sơn. Ban đầu Ni sư chỉ cất một ngôi chùa nhỏ để tịnh tu. Năm 1988 trùng tu lại ngôi chùa lần thứ nhất, đến năm 1991 ngôi chùa xuống cấp, Ni sư cho xây dựng lại toàn bộ ngôi chùa có hình dáng như hiện nay. Từ năm 1991 đến nay (2002) Ni sư tiếp tục xây dựng toàn bộ các cơ sở vật chất cho ngôi chùa: nhà Ni chúng, nhà khách, tượng đài Di Lặc, nhà chuông, Trai đường, nhà trù (bếp)... Và cũng hơn 10 năm qua, số dân ở xung quanh chuyển đi nơi khác làm ăn đã nhượng lại đất, tăng diện tích đất chùa lên đến 10 mẫu tây, chùa đã hiến cho Trung ương Giáo Hội 2,5 mẫu để mở cơ sở trường đào tạo Giảng sư. Đây là việc làm vô cùng có ý nghĩa của Ni sư Huệ Niệm đối với Trung ương Giáo hội Việt Nam.

Tuần Chính Thiền Tự

Chánh điện có diện tích 76,24 m² (9,8mx7,8m) không kể hành lang bao quanh. Chánh điện kiến trúc kiểu chữ Đinh, mặt tiền quay theo hướng đông-bắc, tường xây bằng gạch, xi măng, nền lót gạch bông, hai mái dọc lợp tôn thiếc. Chánh điện thờ đức Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật, đức Địa Tạng Bồ tát và đức Hộ Pháp.

Tổ đường là phần sau của gian chánh điện thờ bức ảnh chân dung Tổ sư Đạt Ma, phía trên thờ Xá Lợi Phật, dưới thờ đức Quan Thế Âm Bồ tát. Ở nhà Trai đường có thờ bức chân dung cụ cố Phan Thanh Giản.

Nhìn tổng thể ngôi chùa có một không gian thoáng rộng, mát mẻ, bồn hoa đan xen cây cảnh, bao bọc quanh chùa là những cánh rừng tràm bạt ngàn đem lại cho toàn bộ cảnh quan một không khí thanh thoát, trang nghiêm. Thiện nam, tín nữ gần xa đến thắp hương bái Phật có cảm tưởng như đang bước vào chốn lan nhã của đức Phật ngày xưa, được nghe Ni sư trụ trì giảng dạy, bao nhiêu khúc mắc nội tâm hầu như tan biến. Phật tử rời chùa với tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, một lòng hướng thiện.

Ni sư Huệ Niệm sinh năm 1946 tại Tp. Hồ Chí Minh. Ni sư thuộc dòng họ của Phan Thanh Giản. Cụ Phan Thanh Giản là ông cố họ nội của Ni sư. Trong dòng họ Phan Thanh chỉ một mình Ni sư xuất gia theo Phật. Ni sư xuất gia từ năm lên 13 tuổi, tu và học với Ni trưởng chùa Linh Phong ở Đà Lạt; Năm 1975, chuyển về tạm trú cùng với gia đình ở Sài Gòn để trị bệnh; Năm 1986, đến mua đất tại khu II (Gò Bường), xã Long Phước cất chùa tịnh tu tại đây từ đó đến nay.

Phật Điện

Ni sư là một người chân tu, phúc hậu, đã có nhiều đóng góp trong việc làm từ thiện ở địa phương nói riêng và Trung ương giáo hội, Tỉnh hội nói chung. Những việc làm của Ni sư cho xã hội luôn âm thầm, xuất phát từ cái tâm. Tác giả viết bài này muốn nêu một vài việc làm từ thiện của Ni sư, nhưng Ni sư cười và nói: "Con đừng viết ra, những việc làm đó của Ni sư cũng rất bình thường như mọi người dân khác. Đó cũng là bổn phận và trách nhiệm của Ni sư mà". Tôi biết Ni sư trụ trì khiêm tốn không muốn nói nhiều về mình. Đây cũng là lẽ thường tình của các bậc chân tu.

Hàng năm, chùa tổ chức các lễ cổ truyền như: Cầu An, Phật Đản, Vu Lan và rằm tháng 10, trong đó lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức lớn nhất có rất nhiều Phật tử, nhân dân và thanh thiếu niên ở địa phương đến tham dự.

Ni Sư Thích nữ Huệ Niệm

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét