13 tháng 4, 2022

Chùa Giác Minh

CHÙA GIÁC MINH
  • Tên cũ: Tịnh xá Giác Minh
  • Địa điểm: A1/14 khu phố 1, phường Tân Vạn, Tp. Biên Hòa
  • Niên đại dựng chùa: 1939
  • Người khai sơn: Cư sĩ cụ ông Minh Đăng
  • Trụ trì hiện nay: Hòa thượng Thích Minh Chánh
  • Năm trùng tu: 1963-1966, 1972
  • Hệ phái: Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 859650
Chùa Giác Minh tọa lạc bên hữu ngạn sông Đồng Nai, cạnh tỉnh lộ 16 (hướng từ chợ Đồn đến khu Công nghiệp Biên Hòa và Tp.Hồ Chí Minh), cách ngã tư Chợ Đồn khoảng 1km. Mặt tiền chùa quay theo hướng đông, nhìn ra sông Đồng Nai quanh năm gió lộng.

Chùa Giác Minh

Chánh điện có diện tích khoảng 100 m², được xây dựng bằng vật liệu kiên cố: tường gạch, mái ngói, nền lát gạch bông. Nội thất chánh điện chia làm ba gian: gian giữa tôn nghiêm thờ đức Phật Thích ca Mâu ni tọa trên toà sen (tượng bằng xi măng); hai gian bên thờ Quan Thế Âm Bồ tát và Địa Tạng Vương Bồ tát (tượng bằng thạch cao). Sau chánh điện là Trai đường, diện tích khoảng 200 m². Trong khuôn viên chùa còn có tháp Phổ Đồng - nơi thờ linh cốt của các Tăng, Ni, Phật tử.

Chùa Giác Minh có kiến trúc quy mô vừa phải, đây là nơi đào tạo Tăng, Ni có cả tài lẫn đức và còn là một trung tâm làm công tác từ thiện cho xã hội rất lớn của tỉnh Đồng Nai.

Trụ trì chùa là Hòa thượng Thích Minh Chánh, pháp hiệu Nguyên Đức, thế danh Trương Đức Tài, sinh năm 1926 tại phường Tân Vạn (Tp. Biên Hòa). Ông sinh trưởng trong một gia đình song thân đều là người phúc đức, thuần hậu, tin Phật. Hòa thượng đã sớm nhận thức cõi đời là còn nhiều bể khổ... chỉ có sự giải thoát mới là điều cứu cánh. Năm 1955, ông qui y tại chùa Ấn Quang là đệ tử của Hòa thượng Thích Thiện Hòa. Năm 1960, ông đã xin phép phụ thân xuất gia tại chùa Tuyền Lâm (Chợ Lớn). Năm 1961, ông thọ giới Sa Di. Từ khi bước chân vào cửa chùa, ông đã đem mọi khả năng để chuyên tâm tu học, vượt qua mọi khó khăn thử thách, học hành tấn tới. Năm 1963, ông thọ Tỳ kheo tại chùa Tuyền Lâm (Q.6 - Chợ Lớn), năm 1969 thọ giới Bồ tát tại chùa Huê Nghiêm (Sài Gòn). Từ năm 1961 đến năm 1964, ông học khóa Như Lai sứ giả tại chùa Tuyền Lâm, năm 1965 học tại Phật học Huệ Nghiêm và từ năm 1966 đến năm 1969, học tại đại học Vạn Hạnh (Sài Gòn).

Phật Điện

Chùa Giác Minh do cụ Minh Đăng là cư sĩ ở địa phương xây dựng lên vào năm 1939 trên khu đất thổ cư của gia đình rộng 3.000 m². Ban đầu chỉ là Niệm Phật đường (tu tại gia) chưa có tên gọi.

Năm 1963, bổn đạo và phật tử ở địa phương đã cung thỉnh đại đức Thích Minh Chánh (nay là Hoà thượng Minh Chánh) là con cụ Minh Đăng xuất gia đang tu học ở chùa Tuyền Lâm (Chợ Lớn) về trụ trì, hoằng pháp tại chùa cho đến nay.

Trong thời gian trụ trì (1963-1966), thầy Minh Chánh đã cho trùng tu lại Niệm Phật đường: thay mái ngói chánh điện, mở rộng nhà khách "cải gia thành tự" và làm đơn xin phép Giáo Hội đặt tên là Tịnh xá Giác Minh (nơi chuyên tâm tu học). Năm 1972, thầy Minh Chánh tiếp tục cho trùng tu lại Tinh xá: mở rộng diện tích, sửa chữa nhà khách thành Trai đường rộng lớn như ngày nay. Cũng năm 1972, thầy đã mở lớp học Gia giáo tại tịnh xá để dạy Kinh điển (nội điển của đức Phật) cho Tăng chúng nội tự và các chùa lân cận cùng một số Phật tử mộ đạo, kính ngôi Tam bảo. Số học viên ban đầu khoảng 20 người. Đây là lớp học về Phật giáo đầu tiên của Tp. Biên Hòa do thầy Minh Chánh thành lập và trực tiếp làm giảng viên; ngoài ra còn có một số giảng sư như: Hòa thượng Trí Châu, Hòa thượng Huệ Hưng, Hòa thượng Trí Quang... cũng đến hoằng pháp ở đây. Lớp học ngày càng thu hút nhiều Tăng, Ni, Phật tử đến tu học. Năm 1975 lớp học tạm ngưng để lo tăng gia sản xuất tự túc kinh tế. Từ năm 1978 đến năm 1985, thầy nhập thất tịnh tu và dịch kinh, viết sách. Năm 1990, thầy tham gia xây dựng trường và giảng dạy lớp giáo lý tại chùa Long Thiền.

Năm 1995, được Giáo hội chỉ định chùa Giác Minh là nơi An cư kiết hạ cho chư Ni.

Năm 1998, trường Sơ cấp Phật học dành cho Tăng, Ni trụ sở đặt tại chùa Thanh Long (Ni sinh học tại chùa Giác Minh, Tăng sinh học tại chùa Thanh Long) được thành lập. Chuẩn bị cho việc khai giảng năm học, thầy Minh Chánh cho xây dựng một dãy phòng học diện tích khoảng 100 m² ở phía sau giảng đường và 5 liêu dành cho học viên nội trú. Đầu năm 1999, trường Sơ cấp Phật học chính thức đi vào giảng dạy. Năm 2001, trường Sơ cấp mãn khóa thì được nâng lên thành trường Trung cấp Phật học Đồng Nai. Chùa Giác Minh cũng chuyển thành phân hiệu dạy cho Ni sinh nội trú, với số học viên theo học mỗi khoá từ 70 người (ngày thường) đến 120 người (trong mùa Kiết hạ). Ban giám hiệu trường là Thượng tọa Thích Nhật Quang làm hiệu trưởng và thường xuyên có 12 giáo thọ đến giảng dạy về Phật học, Anh văn, Hán văn, chữ Paly, Việt văn... Cũng trong năm này, Tinh xá Giác Minh được đổi tên thành chùa Giác Minh cho phù hợp với công tác Phật sự ngày càng mở rộng.

Hòa Thượng Thích Minh Chánh

Hòa thượng Minh Chánh có công rất lớn trong việc trùng tu ngôi chùa cũng như trong lãnh vực giáo dục, đào tạo chư Tăng, Ni cho tỉnh Đồng Nai. Ngoài cương vị là trụ trì, Hòa thượng còn là Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Từ thiện xã hội Phật giáo Đồng Nai, hiệu phó trường Trung cấp Phật học Đồng Nai và là Ủy viên từ thiện Phật giáo Trung ương.

Trong cuộc đời tu hành làm sứ giả của đức Phật Tổ, Hòa thượng chỉ có một tâm nguyện: được trọn vẹn hiến dâng cuộc đời cho đạo pháp. Với đức tính khiêm nhường, vị tha, vô ngã, từ bi, hỷ xả, dù ở hoàn cảnh nào Hòa thượng luôn thể hiện tinh thần hòa hợp Đạo pháp - Dân tộc, tình nghĩa đồng bào, vun bồi sự đoàn kết và xây dựng đất nước. Với tinh thần cứu khổ độ sanh, thầy thường mong ước lập được một Y viện hoặc phòng khám chữa bệnh từ thiện cho Tăng, Ni và đồng bào nghèo. Năm 2001, được sự chấp thuận chủa Ban Trị sự tỉnh Hội Phật giáo Đồng Nai, thầy làm đơn xin phép Nhà nước và được chính quyền các cấp cùng Sở Y tế cho phép lập một phòng khám đa khoa từ thiện lấy hiệu là Tuệ Tĩnh Đường Phật giáo tỉnh Đồng Nai. Cơ sở đặt tại chùa Định Quang (Phường Bình An, Tp. Biên Hòa). Phòng khám đa khoa chữa trị bằng Đông y và Tây y, do bác sĩ và lương y ở các bệnh viện trong tỉnh phát tâm đến phục vụ không nhận một thù lao nào cả.

Tuệ Tĩnh Đường khai trương vào ngày 7/10/2001, số bệnh nhân ngày càng đông mà phòng ốc thì nhỏ hẹp, không còn đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh. Tháng 4/2002, phòng khám tạm dời về chùa Đức Quang (Phường Tân Phong, Tp. Biên Hòa). Mỗi ngày, phòng khám có gần 200 bệnh nhân đến xin chữa bệnh và có khoảng 30 vị lương y, bác sĩ, y tá, y công làm việc từ 7 giờ đến 17 giờ. Đây là một nghĩa cử vô cùng cao quí mà chỉ có những người giàu lòng từ thiện mới thực hiện được y tài, y đức của mình để phục vụ xã hội.

Từ ngày thành lập Tuệ Tĩnh Đường, Hòa thượng Minh Chánh đã được Giáo Hội chỉ định làm Trưởng ban Quản trị để lãnh đạo mọi công tác của phòng khám.

Trường Trung Cấp Phật Học (Lớp Ni Giới Khóa 4)

Trong nhiệm kỳ 5 năm (1997 2002), với cương vị là Trưởng ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai, bằng uy tín và đức hạnh của mình, Hòa thượng đã được Tiểu ban Từ thiện các chùa, thiền viện, tịnh xá... và Phật tử, bá tánh thập phương... nhiệt tình ủng hộ cùng làm công tác từ thiện cho xã hội với tổng số tiền là: 32.970.115.000đ (Ba mươi hai tỷ, chín trăm bảy mươi triệu, một trăm mười lăm ngàn đồng) một con số đáng khen ngợi bởi không phải Ban Từ thiện Phật giáo tỉnh nào cũng làm được.

Hòa thượng Minh Chánh được Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất (ngày 5-3-1997), bằng khen "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc" của Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và rất nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh Đồng Nai, thành phố Biên Hòa và Giáo Hội về công tác từ thiện và đào tạo Tăng, Ni.

Hòa thượng Minh Chánh đã trước tác và phiên dịch hơn 20 quyển kinh sách có giá trị từ thấp đến cao, từ luật học đến thiền học, từ tại gia đến xuất gia, để làm tài liệu học tập cho Tăng, Ni và Phật tử xa gần.

Năm 2002, ông được Đại hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai lần thứ V đề nghị tấn phong Hòa thượng.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Ngôi chùa cạnh lò gốm

Chùa Giác Minh nằm ở phường Tân Vạn, Biên Hòa, ngay bên cạnh một lò gốm lâu năm (lò gốm Hồng Hưng). Từ đường lớn (Bùi Hữu Nghĩa) rẽ vào, người ta thấy ống khói nghi ngút của lò gốm chớ đâu thấy chùa.


Nhìn sâu bên tay phải, ta thấy bảng tên chùa - nhưng đây không phải là mặt trước - và quanh đó vẫn là những lu, hũ, bình... của lò gốm.


Đây là một trong những lò gốm cổ của làng gốm Tân Vạn ven sông Đồng Nai. Theo quy hoạch, những lò gốm này sẽ phải di dời vì gây ô nhiễm cho khu đô thị (quyết định của UBND Tỉnh là di dời chậm nhất cuối năm 2015!). Ồ, vậy trước khi vào viếng chùa, ta hãy chụp vài tấm hình lưu niệm ở lò gốm chứ!

Thủ phạm chính gây ô nhiễm là khói này đây

Kho đồ gốm ở phía bên chùa

Kho đồ gốm ở phía đối diện (phía lò gốm)

Đặc trưng của gốm ở đây là "gốm đất đen". Đất lấy ở Tân Vạn thật ra là màu nâu đỏ, nhưng nung lên thành sản phẩm có màu đen. Theo kế hoạch di dời thì các lò gốm ở đây sẽ vào cụm công nghiệp gốm sứ được quy hoạch tập trung tại xã Tân Hạnh, Biên Hòa. Tui hơi thắc mắc là đi khỏi Tân Vạn thì đâu còn đặc trưng "gốm đất đen" nữa ta?

Ý quên, ta phải đi vô chùa chớ. Mặt trước chùa Giác Minh là quay ra sông Đồng Nai kìa. Cảnh vật phía trước (nếu đi từ phía lò gốm thì ta sẽ nghĩ đây là phía sau) thật là yên ả, nên thơ.

Khung cảnh phía trước chùa thật nên thơ. Tòa nhà xa mờ bên kia sông, phía trái, là Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai

Còn ở góc nhìn này thì phía trái là cầu Bửu Hòa

Ý chết, lại quên nữa, nãy giờ vẫn chưa nói tới chùa. Cổng chùa đây ạ.


Và đây là mặt tiền chùa


Chùa Giác Minh được cư sĩ Trương Khôn Sơn, pháp danh Minh Đăng dựng nên năm 1939 trên khu đất thổ cư của gia đình có diện tích 3.000 , ban đầu chỉ là Niệm Phật đường, không có tên. Năm 1963, bổn đạo và Phật tử địa phương cung thỉnh hòa thượng Thích Minh Chánh (thế danh Trương Đức Tài, khi đó là đại đức) là con cụ Minh Đăng - đang xuất gia tu học ở chùa Tuyền Lâm (Chợ Lớn) về làm trụ trì. Trong thời gian này, thầy Minh Chánh "cải gia thành tự" và làm đơn xin giáo hội Phật giáo đặt tên là Tịnh xá Giác Minh. Năm 2001, tịnh xá Giác Minh đổi tên thành Chùa Giác Minh. 

Hòa thượng Thích Minh Chánh có công rất lớn trong việc trùng tu ngôi chùa cũng như trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cho chư tăng, ni tỉnh Đồng Nai. Hiện chùa là phân hiệu của trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai, là nơi đặt văn phòng Ban từ thiện Phật giáo tỉnh. Ngoài hoạt động Phật pháp, chùa Giác Minh còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội.


Một số hình ảnh cảnh quan trong chùa





Mặc dù tọa lạc tại một phường nội ô TP Biên Hòa, nhưng đến với chùa Giác Minh ta có cảm giác nhẹ nhàng của một miền quê hiền lành, yên ả. Cảnh quan xung quanh chùa khá thơ mộng, rất thích hợp để tu hành và tịnh dưỡng.

Và trước khi ra về, ta lại chụp thêm vài tấm hình lưu niệm ở lò gốm chứ nhỉ?




Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét