- Địa điểm: số 45/ 472, khu phố 9, phường An Bình, Tp. Biên Hòa
- Năm xây dựng: 1965
- Người trụ trì: Thượng tọa Thích Trung Hữu
- Năm trùng tu: 1999 đến 2002
- Hệ phái: Bắc Tông
- Điện thoại: 061. 831516
Chùa được xây dựng lại bằng vật liệu hiện đại, bền vững: tường gạch, cột kèo đúc; mái đổ trần, trên dán ngói vảy cá, kiểu con sò. Kiến trúc chùa theo lối chữ Công (工) gồm: chánh điện và hậu Tổ nối tiếp nhau. Chùa có hành lang trước và sau tạo ra một khoảng không gian thoáng rộng, mát mẻ trước khi bước vào nội thất chiêm bái Phật. Giữa các đầu cột ở hành lang chánh điện, hậu Tổ được trang trí các bức bao lam chạm trổ đề tài: tứ linh, tứ quí, long, sen, mây, chữ vạn... cách điệu, uyển chuyển, hài hòa. Đây là những đề tài trang trí thường gặp trong các ngôi chùa cổ ở miền Bắc và cố đô Huế.
Mái chùa vươn dài, cong hình mũi hài được trang trí rồng lá trong tư thế bay lên vào khoảng không vô tận. Mái chánh điện tạo dáng thuyền Bát Nhã, trên có cặp rồng chầu "Bát chánh đạo" tạo cho chùa Định Quang một dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng.
Vào chánh điện qua 3 cửa kiến trúc hình vòm. Cửa chính tượng trưng cho chánh pháp, chân tâm và sự tín tâm của đức Phật Tổ; cửa bên trái là "Giới Định Tuệ" và cửa bên phải là "Bi Trí Dũng" tượng trưng cho lòng từ bi, trí tuệ, Bát Nhã, sáng suốt của người tu hành. Phía trên các vòm cửa là những bức hoành phi dạng cuốn thư. Hoành phi ở cửa chính đề biển hiệu, địa chỉ và năm kiến tạo chùa.
Chánh điện chia thành 3 gian với hệ thống cột tròn. Giữa các cột được trang trí bởi những bao lam chạm trổ hình tượng sen dây, chữ vạn cách điệu uyển chuyển, tinh vi, sắc sảo. Trần chánh điện là một mặt trống đồng nhũ vàng. Giữa hai cột trước điện thờ Bổn sư Thích Ca (tượng bằng đồng, cao 3m ngự đài sen) được trang trí một bao lam hội đủ các đề tài: tứ linh, tứ quý, sen dây, chữ vạn, áng mây hòa quyện vào nhau một cách tinh tế mang tính mỹ thuật cao. Phía trên bao lam là bức phù điêu giả đồng hình tượng "Bát bộ Kim Cương", phía đối diện là phù điêu "Tứ vị Thiên Vương" tôn trí cho Phật điện thêm uy nghi và huyền bí.
Phật Điện
Phía sau Phật điện là nhà Tổ, được xây dựng và trang trí tương tự chánh điện. Mái là hình tượng con thuyền Bát Nhã, trên có cặp rồng chầu "Mật chú Chuẩn Đề". Dọc hai bên tường được trang trí những vòng tròn với những câu mật chú bằng chữ Phạn cổ trên từng cánh sen, mang ý nghĩa: "tiêu nghiệp chướng nhiều đời". Tại gian giữa nhà Tổ thờ Bồ Đề Đạt Ma, di ảnh cố Hòa thượng Lệ Hòa. Hai gian bên thờ di ảnh, hương linh các thiện nam, tín nữ và Phật tử gần xa.
Hai bên bậc tam cấp vào hậu Tổ có cặp rồng chầu như nghinh tiếp Phật tử vào chùa.
Ở hai bên chánh điện, thấp thoáng dưới vòm lá cây xanh là những kiến trúc đơn lẻ gồm: giảng đường, nhà ở của Tăng chúng và Tuệ Tĩnh Đường (của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai) nơi khám, chữa bệnh, hốt thuốc cho dân nghèo.
Thượng Tọa Thích Trung Hữu
Tuy mới được kiến tạo trùng tu, song chùa Định Quang vẫn có những nét riêng, thể hiện cách trang trí hài hòa với các mảng hoa văn, đường nét kiến trúc cổ của các đại Già Lam.
Trụ trì chùa là Thượng tọa Thích Trung Hữu, thế danh Đặng Văn Nứa, sinh năm 1942, xuất thân từ một gia đình có truyền thống Phật giáo ở Hiệp Hòa, Hòa Đức (Long An). Hiện nay, Thượng tọa đảm trách chức vụ: Phó Ban Đại diện Phật giáo Tp. Biên Hòa, thành viên Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, thành viên Mặt trận Tổ quốc hai phường (Tân Phong và An Bình) và là Đại biểu Hội đồng nhân dân phường Tân Phong khóa 8.
Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét