14 tháng 4, 2022

Chùa Tân Quang

CHÙA TÂN QUANG
  • Địa điểm: ấp An Hòa, xã Hóa An, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
  • Năm khai sơn: khoảng thế kỷ XVIII
  • Giám tự hiện nay: Đại đức Thích Minh Cang
  • Năm trùng tu: 1984, 2000
  • Hệ phái: Bắc Tông (Lâm Tế Chánh Tông)
  • Điện thoại: 061. 954348
Sách Biên Hòa sử lược toàn biên (cuốn 2) của tác giả Lương Văn Lựu có viết: "Chùa Gò Sỏi Hóa An được xây dựng lâu đời, do dân làng tự túc. Vì cất trên một cái gò có nhiều sỏi nên người địa phương đã dùng danh từ Gò Sỏi để gọi thay tên chữ của chùa. Chung quanh chùa có trồng nhiều cây xoài nay thành cổ tự gốc to (ba người ôm mới giáp) chứng minh chùa được cất hàng trăm năm". Theo lời các bô lão trong làng kể lại thì chùa Gò Sỏi được dựng cùng thời với đình thần Hóa An. Ban đầu, chùa được dựng trên gò Sỏi thuộc ấp Cầu Hang, xã Hóa An. Do chùa nằm gần nơi khai thác đá nên thường bị rung chuyển, sập ngói. Vì lẽ đó năm 1984, dân làng đã làm lễ dời chùa Gò Sỏi về ấp An Hòa và lấy tên là chùa Tân Quang.

Chùa Tân Quang

Từ ngày thành lập cho đến nay, chùa Tân Quang đã thay đổi nhiều đời trụ trì. Thuở mới khai sơn, chùa do ông Sư Điền (1893 - 1972), pháp danh Lệ Hạnh - Thiền Viên. Sư Điền là người có năng khiếu tạo tượng nên khi về quản lý chùa ông đã cùng ông Bảy Cần học nghề từ ông Bùi Văn Láng và ông Bùi Văn Bồi, lấy nguyên liệu đất sét từ lò gốm của ông Trần Lâm để làm tượng Phật và bộ tượng hiện nay được thờ ở chùa. Năm 1972, Sư Điền viên tịch, kế vị là Ni cô Nguyễn Thị Mười coi quản, sau một vài năm Ni cô tịch, thầy Nhứt kế vị trông coi. Năm 1980, thầy tịch, kế đến là thầy Thiện Hóa. Năm 1992, thầy Thiện Hoá chuyển đi hành đạo nơi khác, chùa do dân làng coi sóc. Năm 2000, thầy Thích Minh Cang về quản lý cho đến nay.

Thầy Minh Cang, sinh quán ở xã Hóa An (Biên Hòa), xuất gia tu học ở tu viện An Lạc Hạnh (Long Thành) là đệ tử của Thượng tọa Thích Chân Định. Thầy đã tốt nghiệp trường Trung cấp Phật học và Cao đẳng Phật học (Tp.Hồ Chí Minh). Từ ngày về quản nhiệm chùa Tân Quang đến nay, thầy Minh Cang đã không ngừng học hỏi trau dồi kinh pháp nên sự nghiệp tu hành ngày càng tinh tấn. Kế tục những sự nghiệp còn dang dở của các bậc tiền bối, thầy đã trùng tu lại chùa. Hàng năm, thầy tổ chức Đạo Tràng niệm Phật cho các bộ lão trong làng, tổ chức khóa thọ Bát Quan Trai, "nuôi heo công đức" tạo điều kiện để quí Phật tử tịnh tâm trau dồi pháp hạnh, làm đẹp cho đời cho đất nước. Ngoài ra, thầy còn tham gia các hoạt động từ thiện của địa phương và Trung ương. Vào những dịp lễ Vu Lan chùa tổ chức phát cơm hộp miễn phí cho đồng bào quanh vùng.

Phật Điện

Chùa Tân Quang là một trong số rất ít những ngôi chùa ở Đồng Nai còn bảo lưu kiểu kiến trúc nghệ thuật cổ (nhà tứ trụ), với cột kèo bằng gỗ vững chắc, bao lam, hoành phi, liễn đối chạm trổ có nhiều dụng công và mang tính nghệ thuật cao. Những đề tài được khắc trên hoành phi, liễn đối đều ẩn chứa những triết lý về nhân sinh sâu sắc. Bộ tượng đất nung do ông Sư Điền trụ trì chùa trước kia tạo tác rất có giá trị, là đỉnh cao của nghệ thuật tượng gốm đất nung ở Đồng Nai, là thành tựu nghệ thuật chiếm vị trí quan trọng trong lĩnh vực chế tạo gốm mỹ thuật Nam bộ.

So với các chùa khác ở khu vực, chùa mang nặng tính dân gian, là sản phẩm của lớp Phật tử nghèo. Chùa có kiến trúc không hoành tráng phô trương, mà chân chất mộc mạc, khiêm tốn như chính con người của làng quê này vậy.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Chùa Gò Sỏi (Hóa An - Biên Hòa)

Sách Biên Hòa sử lược (1972) của cụ Lương văn Lựu xếp chùa Gò Sỏi vào loại chùa cổ, với những mô tả như sau:

Chùa được dân làng tự xây dựng từ lâu đời, trên một cái gò có nhiều sỏi đỏ nên được gọi là chùa Gò Sỏi. Chung quanh chùa có những gốc xoài cổ thụ, to ba người ôm mới giáp, chứng tỏ chùa được xây dựng đã hàng trăm năm.

Trong sách, cụ Lương văn Lựu "quên" không nói chùa nằm đâu ở Hóa An và tên chữ chính thức của chùa là gì, khiến kẻ hậu sinh đặt câu hỏi: hơn 40 năm sau khi cụ viết những dòng trên chùa Gò Sỏi có còn không, và đang ở đâu?

Hóa ra là còn, nhưng ngôi chùa không còn nằm trên gò sỏi nữa, và bây giờ tên chính thức của chùa là chùa Tân Quang.

Chính điện chùa Tân Quang

Từ Biên Hòa đi qua cầu Hóa An, tới chợ Hóa An rẽ phải theo đường Hoàng Minh Chánh khoảng 400 - 500 met nhìn bên phải bạn sẽ thấy một ngôi chùa thật to. Đó là chùa Tân Quang. Con đường Hoàng Minh Chánh phía bên Hóa An là con đường hẹp, rải đá lởm chởm, mùa mưa nước lấp xấp. Chợ Hóa An là một ngôi chợ nhỏ (phải thế thôi, vì cho đến bây giờ Hóa An vẫn còn là xã chứ chưa được là phường như các nơi khác). Thế nên giữa xóm nghèo ấy ngôi chùa đồ sộ dễ tạo nên sự chú ý.

Hình tượng rồng trên mái chùa

Thông tin sau đây trích từ trang Facebook của chùa:

Chùa Tân Quang tọa lạc 186 Hoàng Minh Chánh, ấp An Hòa , xã Hóa An , thành phố Biên Hòa , tỉnh Đồng Nai.

Ngôi chùa được nhân dân trong làng xây dựng cách đây gần 200 năm tại khu đất gò sỏi thuôc ấp Cầu Hang xã Hóa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Thế nên Chùa thường được gọi là Chùa Làng hay Chùa Gò Sỏi. 

Trong Chánh Điện của chùa tất cả những tượng Phật ,tượng Bồ Tát , tượng La Hán , tượng Thập Điện Diêm Vương, Tứ Thiên Vương.....đều làm từ đất sét nung chín. Tất cả đều rất đẹp. Những hoa văn họa tiết trên thân tượng thể hiện sức sáng tạo , nét tài hoa , tính mỹ thuật cao và bàn tay khéo léo của người Biên Hòa xưa.
Sau giải phóng, do nhu cầu khai thác đá của xí nghiệp đá Phương Mai, chùa được di dời về địa chỉ hiện nay từ năm 1984 đến nay. Trong suốt thời gian trực tiếp chịu ảnh hưởng của việc khai thác đá nên những pho tượng xưa phần lớn đều không còn.

Từ năm 1984 đến năm 2000, chùa được nhân dân trong làng trông coi nên vẫn được gọi là chùa Làng. Được sự nhất trí thỉnh cầu của nhân dân trong làng và UBMTTQ xã Hóa An, từ tháng 6 năm 2000 đến nay Chùa được đại đức Thích Minh Cang về làm trụ trì.

Do quá trình di dời và tận dụng những cây gỗ từ chùa xưa nên chẳng bao lâu Chánh Điện của chùa xuống cấp rất trầm trọng. Tháng 01 năm 2010, ngôi bảo điện chùa Tân Quang được xây dựng lại cho đến ngày hôm nay.

Tượng Phật Quan Âm trước sân chùa

Mặt bên chùa

Phù điêu ở mặt bên chùa

Trước cửa chùa

Khi tôi đến đây (tháng 9/2014) chùa lại đang trùng tu.

Bài và ảnh: Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét