21 tháng 4, 2022

Chùa Liên Hoa (Ốc Liên Hoa)

CHÙA LIÊN HOA (ỐC LIÊN HOA)
  • Tên cũ : Tịnh Thất Liên Hoa
  • Địa điểm : ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành
  • Năm xây dựng : 1983
  • Người trụ trì : Sa môn Thích Tâm Chánh
  • Năm trùng tu: 1988, 2001
  • Hệ phái gốc : Thiền Tông
  • Điện thoại : 061. 967357
Chùa Liên Hoa nằm khiêm nhường dưới những tán cây rừng thanh tịnh, ở cạnh đồi Lá Giang thuộc ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành. Đã từ lâu Phật tử gần, xa biết đến chùa Liên Hoa không chỉ đơn thuần là nơi - thờ Phật mà còn là một võ đường - nơi phục hưng môn võ cổ truyền "Thiếu lâm Thiên Mục Sơn" một thời đã mai một.

Chùa Liên Hoa

Trụ trì chùa là thầy Thích Tâm Chánh, thế danh Ngô Văn Y, là võ sư, Trưởng môn phái Thiếu lâm Bắc Truyền Thiên Mục Sơn, võ danh Đạt Bảo Thiện, là thiền sinh Thiền tông Việt Nam, hiệu Huệ Thắng - Trưởng môn phái truyền thừa đời thứ 17, trực truyền từ Tổ Hòa thượng Chí Thiện Thiền Sư người khai sáng chi phái Thiếu lâm Thiên Mục Sơn .

Thầy Tâm Chánh, sinh năm1959 tại tỉnh Thừa Thiên -Huế, trong gia đình có truyền thống võ thuật. Năm 13 tuổi, thầy xuất gia tại chùa Long Quang (An Lỗ - Thừa Thiên Huế) với Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Đạt. Thầy là Hội viên đầu tiên thành lập môn võ cổ truyền ở Đồng Nai, môn đồ Judo ở Huế... được Nhà nước công nhận là "võ sư trẻ nhất Việt Nam" sau năm 1975.

Võ đường Thiếu Lâm Thiên Mục Sơn ở Chiến khu Đ

Trên bước đường tu học của mình, thầy nhận ra rằng: môn võ Thiếu lâm, hay bất kỳ môn phái nào cũng đều là võ thuật của Việt Nam. Võ thuật rất gần với đạo pháp, vì thế để phổ cập môn võ cổ truyền thầy đã dựng chùa hoằng hóa đạo pháp và phục hưng môn võ cổ truyền. Năm 1983, từ tu viện Quảng Hương - Già Lam - nơi phố thị ồn ào, náo nhiệt, thầy về miệt rừng Đồng Nai khẩn hoang dựng tịnh thất Liên Hoa, với chí nguyện mang ánh sáng đạo pháp về với cư dân còn thưa thớt, cùng bầu nhiệt huyết của một võ sư muốn phục hưng nền võ thuật cổ truyền đã mai một. Một mình tự khẩn hoang sản xuất nuôi thân, vừa tập hợp thanh, thiếu niên, Phật tử ở địa phương, tạo mối quan hệ, hướng họ vào nếp sống lành mạnh, vừa giới thiệu cho bà con và chính quyền địa phương về môn võ thuật cổ truyền. Từ những ý tưởng ban đầu đó, thầy đã biến khuôn viên phía sau tịnh thất Liên Hoa trở thành một võ đường, qui tụ môn sinh cho môn võ này. Bắt đầu từ những môn sinh được đào tạo ở tịnh thất Liên Hoa làm nòng cốt, thầy đã xây dựng được nhiều võ đường thuộc Thiếu lâm Thiên Mục Sơn rộng khắp 3 miền (Bắc, Trung, Nam). Đặc biệt, các võ đường của chi phái này đều bắt đầu bằng tên núi Chí Linh - nơi phát tích của người anh hùng Lê Lợi: Võ đường Chí Linh Long Vương (Vĩnh Cửu), Chí Linh Long Hồ (Hiếu Liêm-Vĩnh Cửu), Chí Linh Long Thiên (Long Khánh), Chí Linh Long Thái (Thống Nhất), Chí Linh Bảo Đạt (Long Thành), Chí Linh Long Hoa (Huế), Chí Linh Long Quang (Ninh Thuận)... Riêng thị xã Vĩnh An (Vĩnh Cửu), trong những năm tháng miệt mài khai sơn phát triển môn võ cổ truyền Thiên Mục Sơn, môn võ hiện đại Karate tại vùng đất Chiến khu Đ trên mang màu áo đà (áo nâu) đã để lại trong thầy nhiều niềm vui lẫn nỗi buồn khó quên. Tại đây, thầy đã đào tạo được một số võ sư được Nhà nước công nhận võ sư cấp 18 vào năm 1991 là anh Lê Văn Ngói, võ danh Thiện Nhân (Hồng đai ngũ đẳng của môn phái Thiên Mục Sơn), bạch đai cấp 18, hiện là Chủ tịch Hội võ cổ truyền tỉnh Đồng Nai, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn võ thuật Việt Nam, thành viên giám khảo cấp quốc gia, Trưởng miền Thiếu lâm Thiên Mục Sơn ở miền Nam. Từ khi phục hưng môn võ cổ truyền Thiếu lâm Thiên Mục Sơn thì phong trào võ thuật cổ truyền ở thị xã Vĩnh An liên tục 20 năm liền (1982-2002) được nhận danh hiệu Lá cờ đầu về phong trào võ cổ truyền Thiếu Lâm Thiên Mục Sơn của Tỉnh.

Trong các phong trào TDTT của tỉnh Đồng Nai và của cả nước, các môn sinh của Thiếu lâm Thiên Mục Sơn đã làm rạng rỡ Tông môn với nhiều huy chương vàng, bạc, đồng cấp Quốc gia, Quốc tế như: Môn sinh Lê Thị Mỹ Hạnh, sinh viên trường Đại học TDTT2 (Hồng đai Tam đẳng), năm 2001 đạt huy chương bạc Quốc tế, 5 huy chương đồng toàn quốc vào các năm 1997,1998, 1999, 2000 và 2001. Môn sinh Lê Thị Mỹ Danh (Hồng đai Nhị đẳng) đã đạt 3 huy chương bạc toàn quốc vào các năm 1998, 1999 và 2000, 1 huy chương vàng Quốc tế vào năm 2000 cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Cùng rất nhiều môn sinh khác đã thành đạt, vào học các trường Đại học như Cảnh sát, Công an, Viện kiểm sát... và đang công tác ở nhiều cơ quan chức năng quan trọng của Nhà nước.

Nhà Hồng (giành cho môn sinh Thiếu Lâm Thiên Mục Sơn từ hồng đai trở lên gặp gỡ & luyện tập

Trong hàng đệ tử tâm đắc của thầy có môn sinh Lê Văn Ngói và Ngô Xuân Hảo là hai người luôn luôn hỗ trợ về mặt tinh thần và vật chất để thầy phát triển môn võ cổ truyền Thiếu lâm Thiên Mục Sơn. Võ đường do thầy sáng lập, ngày càng có nhiều môn sinh đến học, thậm chí có những môn sinh người Nga, người Pháp nghe danh Thiếu lâm Thiên Mục Sơn đã sang Việt Nam học môn võ này.

Song song với việc khôi phục, chăm lo, đào tạo võ thuật, thầy Tâm Chánh luôn tu rèn việc đạo. Thầy cho xây dựng một "Nhà hồng" ở ngay trong khuôn viên của tịnh thất - Nơi đây chỉ dành riêng cho các cuộc họp và tập luyện của các môn sinh Thiếu lâm Thiên Mục Sơn từ Hồng đai trở lên. Năm 1988, thầy Tâm Chánh đứng ra lo liệu trùng tu lại chánh điện tịnh thất Liên Hoa bằng vật liệu bền vững, đổi biển hiệu thành "Chùa Liên Hoa". Năm 2001, thầy tiếp tục cho trùng tu lại nhà Tổ dạng nhà cấp bốn, 2 mái 3 gian rộng, lợp tole.

Khác với những ngôi chùa ở Đồng Nai, chùa Liên Hoa được xây dựng phỏng theo kiến trúc của Tổ đình Từ Đàm ở Huế, các họa tiết trang trí ở mặt tiền, khâu đao, đầu mái, thậm chí trong cả nội điện đều nghiêng về nét hoành tráng, mạnh mẽ.

Nội thất chánh điện rực rỡ một màu vàng tươi từ tượng thờ đến các hoa văn trang trí ở các bao lam với đề tài tứ linh, tứ quí được lồng ghép uyển chuyển, tinh tế trong họa tiết sen dây, chữ vạn cách điệu. Một cặp lưỡng long quấn quanh thân cột có đường kính 50 cm chầu về Phật điện, tôn chí cho tượng Bổn sư Thích Ca ngự đài sen cao 2 m, tạo cho nội thất chánh điện vừa uy nghi, hoành tráng lại vừa cổ kính.

Nối tiếp chánh điện là nhà Tổ. Tại đây thờ một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc đó là di ảnh của Tổ sư Đạt Ma Sơ Tổ phái Thiền Tông Trung Quốc và là người khai sáng môn võ thuật Thiếu Lâm Tự. Bức di ảnh này làm bằng chất liệu sơn dầu, chiếm trọn bức tường nhà hậu Tổ, kích thước (8mx8m), do chính thầy Tâm Chánh và Đại đức Thích Minh Chiếu là pháp hữu sáng tác và trực tiếp thi công trong thời gian 3 tháng.

Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma

Ngoài các ngày lễ truyền thống của Phật giáo trong năm, ngày 9/10 âm lịch hàng năm, chùa Liên Hoa tổ chức đại lễ cúng giỗ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, qui tụ nhiều cao đồ trên toàn quốc cùng các võ phái bạn, Ban Tôn giáo và chính quyền các cấp về dự.

Hiện nay, thầy Tâm Chánh đã giao quyền lại cho các đệ tử lớn làm Trưởng Miền điều hành môn phái, còn thầy giành nhiều thời gian vào công việc tâm huyết: Dịch và chú giải thuyết minh quyển sách võ cổ truyền "Thiếu Lâm quyền thuật bí truyền", với ước nguyện thế hệ trẻ hôm nay không chỉ thấm nhuần đạo lý Phật pháp mà cần bồi dưỡng cho họ một thể chất khỏe mạnh, một tinh thần quả cảm, một ý chí vươn lên trong cuộc sống. Đến với chùa Liên Hoa hôm nay, du khách không chỉ đơn thuần chiêm bái Phật mà còn đến với một nền võ thuật cổ truyền, được xem những đường quyền mây bay, gió lộng của những tu sĩ Phật giáo.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét