14 tháng 4, 2022

Chùa Long Sơn Thạch Động

LONG SƠN THẠCH ĐỘNG
  • Tên gọi cũ: Chùa Hang
  • Địa điểm: khu phố 5, phường Bửu Long, Tp. Biên Hòa
  • Năm khai sơn: 1928
  • Người trụ trì hiện nay: Ni sư Diệu Tấn
  • Năm trùng tu: 2001
  • Hệ phái: Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 951297
Từ chân núi Long Ẩn du khách men theo 88 bậc thang đá ở độ cao 40m sẽ được tiếp cận với Long Sơn Thạch Động hay chùa Hang một trong số những di tích góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp hoàn mỹ của Khu danh thắng Bửu Long.

Chùa Long Sơn Thạch Động

Ban đầu, chùa Hang chỉ là một hang đá có hình dáng giống hàm ếch rộng 1,3m. Thấy đẹp và mang vẻ huyền bí, năm 1928 ông Mai Văn Huê thợ đá dưới núi thỉnh lên một pho tượng Phật và một lư hương, chiều chiều ông gõ mõ tụng kinh cầu sự an lành. Khách thập phương hữu duyên nên dựng thêm mái che phía ngoài và đặt tên là Long Sơn Thạch Động. Năm 1951, được quý Phật tử ủng hộ công của, Hòa thượng Quảng Đạt xây dựng chánh điện nối tiếp mặt trước chùa Hang. Năm 2001, được sự trợ duyên của Phật tử gần xa, Ni sư Diệu Tấn đã trùng tu khang trang ngôi chùa như hiện hữu.

Long Sơn Thạch Động tọa lạc trên đỉnh ngọn núi Long Ẩn rộng khoảng 2.000 m². Đứng tại chùa, du khách có thể phóng tầm mắt bao quanh cả một quần thể di tích: cụm núi Bình Điện, hồ Long Ẩn, hồ Long Vân... xa hơn nữa là Tp. Biên Hòa cùng dòng sông Đồng Nai uốn quanh. Đây thực sự là điểm vãn cảnh tuyệt diệu, nơi chiêm bái Phật lý tưởng. Khuôn viên của Long Sơn Thạch Động được bài trí: miếu bà Linh Sơn, miếu Ngũ Hành, miếu bà Chúa Xứ Nguyên Nhung, Phật bà Quan Âm, Phật Di Lặc, tượng Phật kiết già... được đan xen bên những bóng cây cổ thụ, những phiến đá được tạo hóa sắp đặt tạo nên cảnh sắc linh thiêng, huyền diệu mà hữu tình.

Đặc biệt, vào ngày 30-4-1975 lá cờ giải phóng đã được cắm tại đảnh bà Cửu Thiên Huyền Nữ. Sau đó, tại chùa dưới sự cố vấn của Hòa thượng Quảng Đạt, Liên Đoàn tu sĩ Bửu Long được thành lập, mục đích là phổ biến cho tu sĩ nắm được chủ trương, chính sách Nhà nước những ngày sau giải phóng.

Ni sư Diệu Tấn là người có nhiều đóng góp kiến tạo ngôi chùa. Ni sư sinh năm 1938 tại Tiền Giang, năm 1955 cầu pháp với sự trụ trì tại chùa Hang, năm 1964 Ni sư thọ Tỳ kheo tại Tổ đình Long Thiền, năm 1998 là một trong những người đầu tiên được tấn phong Ni sư. Năm 1990, Ni sư vinh dự nhận Huy chương "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết Dân tộc" đồng thời nhận được nhiều giấy khen, bằng khen các cấp.

Ni Sư Diệu Tấn

Nguyện vọng tha thiết của Ni sư Diệu Tấn là Nhà nước và các cấp chính quyền nên quan tâm trả lại cho chùa con đường riêng đã hình thành từ năm 1928 mà năm 1992 khu du lịch Bửu Long đã rào lại để bán vé cũng như con đường khác dẫn vào các cơ sở thờ tự trong khu du lịch Bửu Long, hầu góp phần tạo sự riêng biệt thực hiện quyền tự do tín ngưỡng cho thiện nam tín nữ mỗi khi muốn trải lòng thanh tịnh nơi cửa Thiền.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Chùa Long Sơn Thạch Động

Chùa Long Sơn Thạch Động nằm ở sườn đông của núi Long Ẩn, dân gian gọi là chùa Hang. Cái tên hoa mỹ Long Sơn Thạch Động chính là chùa hang trên núi Long Ẩn. Xưa nay đường lên chùa là đi 99 bậc thang từ chân núi, mà chân núi ấy lại nằm trong khuôn viên khu du lịch Bửu Long nên người ta xem như chùa là một thành phần của khu du lịch Bửu Long. Tuy nhiên gần đây đã có đường nhựa (xe hơi đi được) lên chùa từ chân núi phía ngoài khu du lịch. (Xem bài Đi chùa Hang ở Biên Hòa).

Đường lên chùa

Chùa Hang nằm ở độ cao khoảng 40 met, trong khu đất rộng khoảng 2.000 m².

Ban đầu nơi đây chỉ là một hang đá tự nhiên trên lưng chừng núi, ăn sâu vào một tảng đá lớn, miệng rộng 1,3m nhỏ dần vào trong (dạng hàm ếch). Thấy hang có hình dáng lạ, mang vẻ bí ẩn, linh thiêng ông Bảy Huê là thợ đá ở dưới núi thỉnh tượng Phật nhỏ và lư hương đặt trong hang từ năm 1927 và mỗi chiều ông đến thắp nhang, gõ mõ, tụng kinh…Dần dần khách thập phương tới dựng thêm mái che ngoài và người dân gọi tên Chùa Hang (Long Sơn Thạch Động). Năm 1929, khách thập phương cúng dường xây thêm chính điện tiếp nối với mặt trước chùa Hang (120 m²
) và các công trình phụ tiếp tục phát triển đến nay.

Mặt tiền chùa, phía trước là tượng Phật Bà Quan Âm. Khó có thể hình dung được vì sao gọi là chùa Hang, vì thật sự hang là phần nguyên thủy ban đầu, còn gần như toàn bộ chánh điện ngôi chùa được xây dựng thêm... bên ngoài hang!

Chính điện chùa, trong dịp lễ Vu Lan 2014

Về mặt kiến trúc, chùa Long Sơn Thạch Động khá đơn sơ và không có gì đặc sắc. Đây cũng không phải là một kiến trúc cổ. Tuy nhiên về khung cảnh thiên nhiên thì nơi đây rất thú vị. Địa hình thiên nhiên ở đây có những tảng đá to, và người ta dựng trên mỗi tảng đá một miếu thờ tạo nên cảnh quan lạ mắt. Cũng vì thế có một nét đặc biệt ở chùa: nếu những chùa khác có các vị Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Phật Bà Quan Âm... thì ở khuôn viên chùa Long Sơn Thạch Động có thêm rất nhiều miếu thờ các vị nữ thần, như: Bà Chúa Sơn Lâm, Cửu Thiên Huyền Nữ, Diêu Trì Địa Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu, Bà Chúa Xư Nguyên Nhung, Thất Hương Bửu Điện.

Tượng Phật Thích Ca khổ hạnh

Cụm tượng Đức Phật đản sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni

Các miếu thờ được đặt trên những tảng đá to như thế này

Từ trên cao nhìn xuống khá thú vị

Bà Chúa Sơn Lâm

Bà Chúa Xứ Nguyên Nhung

Tháp Tổ

Một điểm lý thú nữa là từ vị trí chùa Hang ở trên cao ta có thể ngắm nhìn cảnh hồ Long Ẩn, hồ Long Vân dưới khu Du lịch Bửu Long rất đẹp mắt.

Khu Du lịch Bửu Long, nhìn từ núi Long Ẩn

Ngay bên cạnh chùa Long Sơn Thạch Động là một ngôi chùa khác mang tên Long An Tự. Long An Tự mới được xây dựng từ 1959. Khuôn viên chùa khá rộng, có chỗ ngồi nghỉ ngơi ngắm cảnh mát mẻ và thú vị. Chùa cũng có nhiều miếu thờ các vị nữ thần như Long Sơn Thạch Động.

Lên núi, vào 2 ngôi chùa lễ Phật, vãn cảnh chùa và đi dạo quanh sườn núi là một trải nghiệm thú vị. Núi và chùa chỉ cách trung tâm TP Biên Hòa khoảng 4 km, thư giãn sau những phút giây bận rộn là một điều hay đấy các bạn ạ!

Phạm Hoài Nhân
Đi chùa Hang ở Biên Hòa

Chùa Hang ở Việt Nam nhiều lắm, đếm không xuể, có lần tui đã thử liệt kê sơ sơ trong bài này: Chùa Hang, có bao nhiêu chùa Hang? Ấy vậy mà trong bài đó tui không kể tên một ngôi chùa Hang ở Biên Hòa. Sơ sót thiệt, chỉ tại cái tên chùa Hang ở Biên Hòa không được phổ biến lắm.

Không nổi tiếng với tên chùa Hang, nhưng ngôi chùa ấy quen thuộc với một cái tên khác, đó là chùa Long Sơn Thạch Động. Có khi người ta kêu đó là chùa Bửu Long, bởi vì chùa nằm trên núi ở khu du lịch Bửu Long. Dân Biên Hòa từ thuở xưa thì quen gọi là chùa Hang, vì chùa được xây dựng ở một hốc đá trên núi Long Ẩn. Bản thân tên gọi của chùa cũng đã là hang rồi, Thạch Động chính là hang đá, còn Long Sơn tức là núi Long Ẩn.

Mặt tiền chùa Long Sơn Thạch Động

Trong bản đồ khu du lịch Bửu Long bạn sẽ thấy chùa nằm ở góc Tây Bắc. Nếu đi từ cổng chính khu du lịch Bửu Long (cổng 2 con rồng) thì đi bộ tới đây khá xa (khoảng 2 km), còn đi vào theo cổng văn phòng khu du lịch thì nhìn bên trái là thấy chân núi ngay. Từ chân núi bạn leo khoảng 100 bậc thang thì tới khu vực chùa. Dù đi theo hướng nào thì bạn cũng phải mua vé vào cổng khu du lịch! (Hi hi, đi chùa mà cũng phải mua vé).

Tuy nhiên còn một con đường khác nữa. Bạn hãy đi theo đường Huỳnh văn Nghệ qua khỏi khuôn viên khu du lịch Bửu Long, rẽ phải theo đường vào Văn miếu Trấn Biên, nhìn bên phải thấy một con đường mòn nhỏ dẫn lên núi, có bảng nhỏ xíu đề Chùa Long Sơn Thạch Động thì hãy theo đó mà đi lên. Đường nhỏ và dốc (đường lên núi mà) nhưng xe hơi 4, 5 chỗ đi được. Nó giống như một con đường đèo ngắn dẫn lên tận chùa. Đi theo đường này bạn khỏi phải leo bộ và cũng khỏi phải mua vé luôn!

Đặc biệt là khi đã lên tới trên chùa bạn có thể theo con đường bậc thang để đi xuống và bạn sẽ ở trong khu du lịch Bửu Long. Vậy là bạn có thể thoải mái tham quan khu du lịch Bửu Long mà khỏi phải mua vé! Ờ, bạn phải gởi xe ở trên chùa chớ, đâu có dắt bộ xuống núi theo đường bậc thang được. Vì vậy khi muốn lấy xe về thì bạn lại phải leo ngược lên núi theo đường bậc thang.

Khoan nói đến cảnh chùa, con đường đi lên núi là con đường thú vị. Bạn hãy tranh thủ chụp ảnh nhé.

Hồ Long Vân bên chân núi, chỗ đường lên chùa theo bậc thang


Đường lên chùa

Nếu đi theo đường xe chạy men sườn núi, thì khi vừa hết đoạn dốc cao, thấy trước mặt có ngôi chùa nhỏ và bên trái là vạt đất phẳng nhìn xuống hồ nước long lanh bạn hãy dừng lại và chụp hình nhé

Tượng Phật Bà ở Linh Sơn tự, khi tới đây bạn hãy tấp xe vào bên trái để chụp hình.


Từ lưng chừng núi nhìn xuống hồ nước, xa xa là thành phố Biên Hòa.

Đường lên núi. Những cô thiếu nữ này đến đây để làm dáng chụp ảnh đấy, không phải đi chùa đâu!

Bài này tạm dừng ở... đường lên chùa, còn nói về chùa Hang thì từ từ sẽ nói sau, bạn nhé!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét