14 tháng 4, 2022

Chùa Quang Long

CHÙA QUANG LONG
  • Tên cũ : Đông Long Vương Tự
  • Địa điểm: khu phố 1, phường Tân Phong,Tp. Biên Hòa
  • Năm khai sơn: khoảng 1862
  • Người trụ trì: Đại đức Thích Lệ Minh
  • Năm trùng tu: 1957, 1962, 1999 và 2000
  • Hệ phái : Bắc Tông
  • Điện thoại : 061. 947160
Theo các cụ bô lão kể lại: Khi giặc Pháp xâm lược nước ta, ở miệt vườn Thủ Dầu Một có ông Lâm Văn Diên nổi lên chiêu tập nghĩa quân chống Pháp. Bị thất bại, ông về vùng đất cạnh Sở cao su Phủ Thanh xã Bửu Long dựng chùa (khoảng năm 1862) lấy tên là Đông Long Vương Tự hay chùa họ Lâm. Ngôi chùa vừa là nơi hoằng pháp lợi sanh vừa là nơi chiêu tập thanh niên làng Tân Phong lập Hội kín theo kiểu "Thiên Địa Hội" của người Tàu, luyện tập binh pháp sẵn sàng đánh giặc cứu nước.

Chùa Quang Long

Năm 1930, ông Lê Văn Niên, ngoại tổ của Lâm Văn Còng hiến cho làng Tân Phong 8 sào đất thơm và 5 sào đất thổ cư. Hội tề chức sắc trong làng xây dựng chùa Quang Long (còn gọi là chùa làng) để thờ Phật, cầu an cho bá tánh.

Năm 1948, cả hai ngôi chùa (Đông Long và Quang Long) đều bị Tây đốt. Dân làng và con cháu họ Lâm đã gởi sắc thần của đình và tượng Phật vào chùa Cô Hồn (ở Dốc Sỏi, phường Quang Vinh, Tp. Biên Hòa hiện nay).

Năm 1956, tình hình tạm ổn, con cháu họ Lâm xây dựng lại chùa Đông Long trên nền cũ của chùa làng (chùa Long Quang) tại địa điểm sân banh, sát phi trường Biên Hòa.

Năm 1962, Mỹ mở rộng vành đai phi trường, chùa Đông Long di dời về ấp Đồng Tràm (vị trí hiện nay) và đổi tên thành Quang Long Cổ Tự. Đồng thời dòng tộc họ Lâm hiến chùa cho làng Tân Phong.

Năm 2000, được sự trợ duyên của Phật tử gần xa, chùa Quang Long đại trùng tu bằng vật liệu kiên cố khang trang như hiện hữu.

Mặc dù chùa Quang Long đã trải qua 4 lần trùng tu lớn nhỏ vào các năm 1957, 1962, 1999 và năm 2000, song nhìn chung chùa Quang Long vẫn giữ được kiến trúc của một ngôi chùa làng Nam bộ, với kiến trúc chánh điện theo kiểu nhà tứ trụ (nhà bánh ít). Đặc biệt, hiện nay chùa đang lưu giữ một số tượng cổ quý giá bằng gỗ như tượng Di-Đà cao 2 m, tạc bằng gỗ mít rừng; tượng Quan Âm Bồ tát, Thế Chí Bồ tát, Địa Tạng Vương Bồ tát, Hộ Pháp, Tiêu Diện, Quan Thánh Đế Quân, Quan Bình, Châu Xương, Chư Nữ Thánh, Chuẩn Đề. Bộ Thập điện Diêm Vương là những pho tượng rất hiếm thấy ở những ngôi chùa có niên đại muộn. Đặc biệt, chùa có đại hồng chung, được chế tạo vào năm 1903 tại lò đúc Nhị Hòa (phường Bửu Hòa, Tp. Biên Hòa).

Từ khi khai sơn đến nay, chùa Quang Long đã qua nhiều đời truyền thừa trụ trì, song mãi tới khi trải Đại đức Thích Lệ Minh được bổ nhiệm trụ trì thì chùa Quang Long mới thực sự được khởi sắc.

Đại Đức Thích Lệ Minh (đứng giữa)

Đại đức Thích Lệ Minh, thế danh Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1948 tại làng Tân Phong (Tp. Biên Hòa) trong gia đình có truyền thống Phật giáo. Ông nội là một thầy đồ dạy chữ Nho cũng là một tu sĩ. Năm 1989, thầy xuất gia và thọ Tỳ kheo tại chùa Thiên Long (Tp. Biên Hòa). Tháng 6/1995, thầy về chùa Quang Long và đến ngày 27/1/1996 được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai ký quyết định (số 14- CTH/ BTS) bổ nhiệm trụ trì.

Ban Tăng Sự Chùa Quang Long

Trong thời gian hoằng hóa đạo pháp tại chùa với đức độ của một bậc chân tu, thầy Lệ Minh đã được Phật tử gần xa ngưỡng mộ, đến chùa tu học ngày một đông (152 Phật tử qui y tại chùa). Hằng năm, trong khả năng của mình chùa luôn làm tốt mọi công tác Phật sự theo tinh thần tốt đời đẹp đạo. Chùa Quang Long tuy không bề thế uy nghi như một số chùa khác ở Đồng Nai, nhưng nơi đây lại lưu giữ rất nhiều pho tượng cổ quý hiếm thu hút đông đảo khách tham quan tới bái Phật và nghiên cứu.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét