19 tháng 4, 2022

Chùa Tam Bảo

CHÙA TAM BẢO
  • Tên gọi cũ: Tịnh viện Tam Bảo
  • Địa điểm: ấp Hiền Hòa, xã Phước Thái, huyện Long Thành
  • Năm xây dựng: 1975
  • Người trụ trì: Thượng tọa Thích Trí Quảng
  • Năm trùng tu: 1994, 2000
  • Hệ phái: Bắc Tông
  • Điện thoại: 061.841270
Chùa Tam Bảo tọa lạc trong một khuôn viên rộng 5.000 m², cạnh Quốc lộ 51 - con đường huyết mạch từ Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lộ lân cận đi Bà Rịa - Vũng Tàu, cách trung tâm thị trấn Long Thành về hướng tây-bắc 13 km.

Chùa Tam Bảo

Nguyên thủy, chùa chỉ là một thất nhỏ do thầy Thích Trí Quảng, thế danh Nguyễn Văn Dư dựng lên từ năm 1975 để tịnh tu. Ban đầu, chùa có diện tích 25 m² (5mx5m), vách đất, mái lợp lá. Chánh điện chỉ thờ duy nhất một tượng Bổn sư Thích ca Mâu ni. Chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa. Lần đại trùng tu cũng là niên đại cuối cùng của ngôi chùa hiện tại kéo dài từ năm 1994 đến nay (2002) vẫn chưa hoàn tất do thiếu kinh phí.

Chùa kiến trúc theo kiểu chữ Công (工) truyền thống, với 3 lớp mái chồng diêm (dạng cổ lầu) mang dáng dấp kiến trúc cổ kính Á Đông. Mặt tiền chùa quay theo hướng tây nam, nhìn ra Quốc lộ 51. Trước chùa có tượng Quan Âm lộ thiên cao 3,5m. Các mái chùa đều uốn cong theo kiểu chùa miền Bắc. Giữa đỉnh nóc trang trí Bánh xe Pháp luân và các góc mái đều gắn rồng cẩn mảnh sành, sứ óng ánh nhiều màu sắc giống những ngôi chùa cổ ở cố đô Huê.

Chùa chính cũng là chánh điện có diện tích 264 m² (22mx12m), nền cao 1,2m xây bằng đá xanh, mái đổ bê tông, trên lợp ngói vảy cá. Cửa ra vào bằng gỗ, 2 bên hồi là hàng hiên rộng, nổi bật hàng cột bê tông cốt thép tròn, cao sừng sững có đường kính 40cm, giữa các cột tạo những vòm cửa theo kiểu La Mã.

Chánh điện không có cột (cột ẩn tường) tạo cho không gian nội thất thoáng rộng. Hệ thống cửa sổ hứng lấy ánh sáng lung linh từ bên ngoài tạo cho nội thất một khung cảnh thoát tục, phù hợp với triết lý sắc sắc, không không của nhà Phật.

Đề tài chủ đạo trang trí trên mái chùa, nóc chùa, hành lang, cửa sổ là: rồng, phụng, Bánh xe Pháp luân, hoa sen, hoa cúc... là các đề tài truyền thống của Phật giáo. Điện thờ Phật được bài trí trang nghiêm. Nổi bật ở trung tâm là bộ tượng Di Đà Tam tôn cao 3,5m sừng sững, uy nghiêm. Ngoài ra còn có tượng Bổn sư Thích ca Mâu ni tọa trên toà sen, cao 2,4m; tượng Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát. Đặc biệt chùa có tượng Phật Di Lặc bằng gỗ, cao 1,2m khá đẹp. Nhìn chung tượng thờ ở chùa Tam Bảo khá lớn, làm bằng xi măng, đúc tại lò Giác Hải (Tp. Hồ Chí Minh) năm 1994 - năm đại trùng tu ngôi chùa.

Phật Điện

Du khách đến thăm chùa sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc tôn giáo, tuy mới được trùng tu nhưng vẫn mang nét cổ xưa, nằm trong khuôn viên thoáng rộng, khang trang.

Thượng tọa Thích Trí Quảng, sinh năm 1940 tại tỉnh Trà Vinh, xuất gia năm 1955, tu học đầu tiên tại chùa Phước Hòa (tỉnh Trà Vinh), sau đó lên tu học tại chùa Huệ Nghiêm ở Xa cảng miền Tây, thị trấn An Lạc, huyện Bình Chánh (Sài Gòn). Năm 1975, thầy đến xã Phước Thái (huyện Long Thành) dựng ngôi tịnh viện Tam Bảo. Thầy đã tốt nghiệp trường Cao cấp Phật học, trải qua các khóa trụ trì, nguyên là thư ký của Giáo hội Phật giáo huyện Long Thành.

Hàng năm, chùa Tam Bảo tổ chức lễ Thọ Bát Quan Trai và vào các ngày lễ truyền thống của Phật giáo, theo tiếng trầm bổng của đại hồng chung, Phật tử từ các nơi xa, gần tụ hội về thắp nhang, lạy Phật, cầu mong sự bình an, thịnh vượng.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét