19 tháng 4, 2022

Thiền viện Hương Hải

THIỀN VIỆN HƯƠNG HẢI
  • Tên gọi cũ: Thiền Thất Hương Hải
  • Địa điểm: ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành
  • Năm xây dựng: 1975
  • Người trụ trì: Sư cô Thích nữ Thuần Giác
  • Năm trùng tu: 1987 – 2000
  • Hệ phái gốc: Thiền Tông
  • Điện thoại: 061 841167
Thiền viện Hương Hải là hậu thân của Thiền Thất Trúc Lâm, tọa lạc trên lô đất Hòa thượng Thích Thanh Từ cho Sư cô Thuần Giác canh tác hồi năm 1975. Thiền thất buổi đầu là một am nhỏ đơn sơ, bằng tole cũ, rộng 9m, xung quanh tranh, cỏ dại um tùm. Năm 1982, Sư cô Thuần Tín đến ở, sau đó Ni chúng tăng dần.

Thiền viện Hương Hải

Năm 1987, ngôi thất nhỏ được sửa lại với mái tole, ván tường, nền gạch Tàu. Năm 2000, ngôi thất xuống cấp: tường nứt, mái dột, không còn đủ chỗ ở cho Ni chúng. Sư cô xin phép trùng tu, được Hòa thượng Thanh Từ đổi hiệu là Thiền Viện Hương Hải. Hương Hải là tên một Ni viện đời Lý do Thiền sư Ni Diệu Nhân là người tu hành đắc đạo trụ trì. Hương Hải còn là tên một Thiền sư lỗi lạc của phái Thiền Trúc Lâm ở cuối đời hậu Lê.

Thiền Viện Hương Hải được đại trùng tu toàn bộ bằng vật liệu kiên cố, mái ngói, tường gạch, nền gạch men, tọa lạc trên khuôn viên đất rộng hơn 5.000 m². Thiền viện nổi bật trong vườn cây xanh với những hàng cột cao, bờ nóc và mái ngói cong vút. Bên trong chánh điện bài trí rất đơn giản. Phật điện chỉ thờ duy nhất đức Phật Thích ca Mâu ni, tay cầm hoa sen, nét mặt hiền từ, mắt nhìn xuống. Tượng bằng xi măng cao 2,4m. Hậu điện thờ Tổ sư Đạt Ma, phía trên có một bức hoành phi khắc 4 chữ "Đức hóa lưu phương", ngụ ý truyền thừa mạng mạch Phật pháp. Nối liền giữa chánh điện và Ni đường là Trai đường, nơi Ni chúng dùng cơm và học tập. Trên tường có tấm bảng khắc 4 chữ "Xoay lại nhìn mình" để nhắc Ni chúng tu học. Thiền viện Hương Hải còn có một phòng đọc sách với nhiều sách quí và băng dĩa ghi: Địa Tạng, Kinh, Luật, Luận, Sử... Đây là nguồn tư liệu quí cho Ni chúng nghiên cứu, học tập.

Hòa Thượng Thích Thanh Từ & Ni Chúng

Vào những năm đầu sau giải phóng, kinh tế gặp nhiều khó khăn vất vả, trăm thứ lo toan, nhưng với lòng tin Phật, tin pháp, tin chính bản thân mình, dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Thanh Từ, thầy trò Sư cô Thuần Giác đã biến vùng đất khô cằn, chai cứng đầy cỏ hoang thành vườn cây ăn trái xanh tươi.

Không hoành tráng phô trương, Thiền viện Hương Hải ẩn mình dưới tán dương xanh thẫm. Bên trong, các Sư cô sống theo thanh qui thiền môn rất qui củ: sáng lau tác, chiều học, tối thiền định. Hàng ngày, ngoài việc chăm sóc cây trái trong vườn, các Sư cô phụ Hòa thượng Thanh Từ ghi chép chế bản in kinh sách phổ biến Phật pháp, giúp cho người đời sống có ý nghĩa, sống có lợi ích. Thiền viện Hương Hải còn mở lớp Phật Pháp gia giáo, dạy mỗi chiều cho các Ni cô, học căn bản từ thấp lên cao. Ngoài mỗi tối thiền định, các Sư cô còn dành mỗi tuần một ngày chuyên tu và luân phiên nhập thất để bình ổn tâm trí sau những sinh hoạt, lo toan trong cuộc sống hàng ngày, để thắp sáng tâm mình.

Với tâm nguyện muốn cho cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn, hàng năm các Sư cô tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo khó, hoạn nạn. Đặc biệt, các trẻ em có hoàn cảnh nghèo, khó khăn quanh vùng được các Sư cô ủy lạo, vỗ về, hướng dẫn bỏ dần những thói hư, tật xấu, sống lành, hiền lương.

Thiền viện Hương Hải tuy không có bề dày lịch sử như những ngôi cổ tự khác, nhưng trong quá trình hình thành và phát triển, Thiền viện Hương Hải cùng với các thiền viện khác thuộc hệ thống của Hòa thượng Thích Thanh Từ đã ghi một nét son trong lịch sử Phật giáo nước nhà.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét