20 tháng 4, 2022

Chùa Long Quang

CHÙA LONG QUANG
  • Địa điểm: ấp 5, xã Long Phước, huyện Long Thành
  • Năm xây dựng: 1970
  • Người trụ trì: Đại đức Thích Như Nhã
  • Trụ trì hiện nay: Sư cô Thích nữ Minh Nghiêm
  • Năm đại trùng tu: 1996
  • Hệ phái: Bắc Tông
Chùa Long Quang do Đại đức Thích Như Nhã và một nhóm Phật tử ở quận 4, Tp. Hồ Chí Minh khởi công xây dựng vào năm 1970. Ban đầu, chùa cất đơn giản bằng vật liệu nhẹ: tranh tre, vách đất. Năm 1975, Đại đức Thích Như Nhã về tu tại một ngôi chùa ở Sài Gòn, chùa bỏ trống 5 năm không người trụ trì. Từ năm 1980 đến năm 1990, chùa Long Quang có các đời trụ trì sau, thầy: Tâm Linh, Kiến Tánh, Tâm Quang, Như Trí, Lê Trí. Từ năm 1991 đến nay, chùa do Sư cô Minh Nghiêm trụ trì.

Chùa Long Quang

Ngôi Tam bảo đã trải qua nhiều lần tu sửa nhỏ, lần đại trùng tu và cũng là niên đại cuối cùng của ngôi chùa hiện tại là vào năm 1996 do Sư cô Minh Nghiêm chủ trương trùng tu. Do nguồn kinh phí ban đầu hạn hẹp nên phải 2 năm sau, ngày 6 tháng Giêng năm 1998 ngôi chùa mới được khánh lạc.

Chùa tọa lạc trong khu đất có diện tích hơn 10.000 m². Vào chùa qua cổng tam quan. Chùa chính kiến trúc theo kiểu nhà hình chữ nhật, gồm chánh điện và nhà Tổ tiếp nối nhau theo chiều dọc. Chánh điện có diện tích 120 m² (12mx10m), mặt tiền quay theo hướng nam, nhìn ra con đường liên xã đi từ Long Phước đến Bàu Cạn.

Chánh điện xây bằng gạch, xi măng, cột ẩn tường tạo cho nội thất ngôi chùa thêm thoáng rộng. Mái chùa thiết kế theo kiểu "thượng lầu, hạ hiên", 8 góc mái trang trí con giao cách điệu, uốn lượn chầu về 8 hướng, tạo cho mái chùa dáng nhẹ nhàng, thanh thoát, thế vươn lên, mái lợp ngói tây.

Chánh điện thờ: Bổn sư Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ tát và đức Địa Tạng Vương Bồ tát.

Sau chánh điện là nơi thờ Tổ. Chùa thờ theo trường phái truyền thống "tiền Phật hậu Tổ". Hậu Tổ chính là mái sau của chánh điện, thờ tượng Tổ sư Đạt Ma, đây là ông Tổ phái Thiền Tông (Trung Quốc) và di ảnh các Sư, thầy của Sư cô Minh Nghiêm khi còn tu học ở Tp. Huế. Sau nhà Tổ là nhà Tăng, có diện tích 135 m² (15mx19m). Nhà Tăng thờ Thiên thủ Thiên nhãn, tượng bằng xi măng cao 1,8m.

Phật Điện

Sư cô Thích nữ Minh Nghiêm, sinh năm 1960, quê ở tỉnh Quảng Nam, xuất gia từ năm lên 6 tuổi và tu học tại Ni trường Diệu Đức (Tp.Huế). Năm 1991, Sư cô từ cốc nhỏ ở xã Long Đức (huyện Long Thành) về trụ trì tại chùa Long Quang cho đến ngày nay. Sư cô Minh Nghiêm đã tốt nghiệp trường Trung cấp Phật học, khóa bồi dưỡng giảng sư Thiện Hoa và Cao cấp giảng sư tại Văn phòng II Trung ương Giáo hội ở Tp. Hồ Chí Minh. Với những kiến thức học được ở trường và ở các Sư thầy cùng sự nỗ lực học hỏi của bản thân, Sư cô đã có nhiều đóng góp trong việc đào tạo lớp thanh thiếu niên ở địa phương thành người có ích cho xã hội.

Năm 1997, Sư cô thành lập: Gia đình Phật tử cho các em thanh thiếu niên ở địa phương. Lớp có từ 50 đến 60 em thường xuyên đến chùa học tập và sinh hoạt. Tại đây, các em được Sư cô giảng giáo lý nhà Phật, đọc kinh, học cứu thương, luật lệ giao thông, vui chơi các hoạt động của đoàn, đội thiếu niên và tham gia những công việc có ích cho xã hội. Những hoạt động này đã giúp cho thanh thiếu niên ở địa phương không rơi vào các tệ nạn xã hội, trở thành con ngoan, trò giỏi của gia đình và nhà trường. Sư cô Minh Nghiêm còn mở lớp Đạo tràng Phật tử (lớp dành cho người lớp ở địa phương) lớp học có gần 50 học viên. Tại đây Sư cô đã hướng dẫn cho họ học giáo lý, cách ứng xử trong gia đình và xã hội. Kết quả, nhiều học viên có hoàn cảnh gia đình không êm ấm do các tệ nạn xã hội đã dần từ bỏ các thói hư tật xấu, vợ chồng, con cái đầm ấm, sum họp, xây dựng hạnh phúc tương lai.

Ngoài việc tu hành, trụ trì chùa Long Quang, Sư cô Minh Nghiêm còn tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo khó, neo đơn, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và trẻ em nghèo hiếu học ở địa phương.

Chùa Long Quang không có dáng vẻ bề thế, to lớn như nhiều ngôi chùa khác, song Sư cô trụ trì chùa là người có tấm lòng từ bi, hướng Phật. Cả cuộc đời Sư cô chỉ có một tâm nguyện đào tạo lớp thanh thiếu niên ở địa phương trở thành người có ích cho xã hội, làm tốt công tác: đạo đời.

Mỗi năm, chùa tổ chức cúng lớn vào rằm tháng Giêng, lễ Vu Lan và rằm tháng 10 có nhiều Phật tử gần xa, nhân dân và thanh thiếu niên ở địa phương đến tham dự. Những ngày này thật sự là ngày hội của chùa Long Quang.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét