24 tháng 4, 2022

Tịnh xá Ngọc Thành

TỊNH XÁ NGỌC THÀNH
  • Địa điểm: tổ 11, khu Cầu Xéo, Thị trấn Long Thành
  • Năm xây dựng: 1955
  • Người trụ trì: Sư cô Thích nữ Nguyên Liên
  • Năm trùng tu: 1957, 1987
  • Hệ phái gốc: Khất Sĩ
  • Điện thoại: 061. 845406
Tịnh xá Ngọc Thành được hình thành vào năm 1955, ban đầu chỉ là một dãy nhà ngang dựng lên trên vùng đất khai phá để các Sư bà ở và tụng kinh niệm Phật. Tịnh xá là một nhánh của cố Ni sư trưởng Huỳnh Liên (nguyên trụ trì tại tịnh xá Ngọc Phương, Q.Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh), nên được đích danh Ni sư trưởng đặt tên và chỉ đạo việc xây dựng.

Tịnh xá Ngọc Thành

Năm 1957, thừa lệnh của Ni sư trưởng, Ni sư Thanh Liên (chùa Ngọc Bửu, Tp. Biên Hòa) trực tiếp điều hành việc xây cất ngôi tịnh xá. Ban đầu tịnh xá có dạng hình bát giác: mái tole, vách ván, nền xi măng, cột kèo gỗ được xây dựng trên nền cũ. Năm 1975, được sự chỉ đạo của Ni sư trưởng Huỳnh Liên, Ni sư Nguyên Liên, thế danh Trần Thị Sen về trụ trì tại tịnh xá Ngọc Thành. Trải qua thời gian, ngôi tịnh xá xuống cấp. Năm 1987, Sư cô Nguyên Liên đã xây dựng lại ngôi tịnh xá khang trang như ngày nay.

Tịnh xá Ngọc Thành quay mặt về hướng tây-bắc, nơi có Quốc lộ 51 nối liền Biên Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Vào tịnh xá, qua cổng lớn xây bằng đá xanh, trên lợp ngói lưu ly, dưới là tấm biển đề: Tịnh Xá Ngọc Thành, chúng ta sẽ được tiếp cận với một không gian trang nghiêm, tôn kính. Với các hạng mục như: chánh điện, nhà khách, nhà chúng Ni,nhà chúng Tăng, nhà bếp, Trai đường được bố trí hài hòa trong một tổng thể khép kín.

Chánh điện là toà nhà hình bát giác (một kiểu kiến trúc đặc trưng của phái Khất Sĩ). Chính giữa của bát giác là 4 trụ cột tròn xi măng đường kính 40cm cao vút thành 4 mái vươn dài. Tám cạnh ngoài của bát giác được xây cao tạo thành 8 mái đỡ bộ kèo gỗ, lợp ngói tây. Hệ thống mái được thiết kế theo kiểu chồng diêm vừa cổ kính vừa thanh thoát.

Bàn thờ Phật được xây dựng giữa chánh điện cao 1,5m trên thờ duy nhất tượng Phật Bổn sư Thích ca Mẫu ni tọa thiền trên đài sen với áo thếp vàng trang nghiêm. Phía sau đức Phật là bàn thờ Tổ sư Minh Đăng Quang (vị khai sáng hệ phái Khất Sĩ) và bàn thờ cố Ni sư Huỳnh Liên (Trưởng Ni hệ phái Khất Sĩ).

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét