23 tháng 4, 2022

Tịnh xá Ngọc Tuệ

TỊNH XÁ NGỌC TUỆ
  • Địa điểm: ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành
  • Năm xây dựng: 1978
  • Người trụ trì: Sư cô Thích nữ Xuân Liên
  • Năm trùng tu: 2001
  • Hệ phái gốc: Khất Sĩ
  • Điện thoại: 061. 841579
Trong buổi lễ khánh lạc tịnh xá Ngọc Tuệ vào tháng 5 năm 2002, Thượng tọa Thích Phước Trí - Chánh đại diện Phật giáo Q.11, nguyên Ủy viên Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp.Hồ Chí Minh ngẫu hứng đề tặng bài thơ:

Tịnh Thâu khẩu ý nghiệp
Xá Trạch đắc an nhiên
Ngọc Phần sắc thường nhuận
Tuệ Giác hiện Xuân Liên

Tịnh Xá Ngọc Tuệ

Bốn chữ đầu của bài thơ ghép lại thành tên của Tịnh xá Ngọc Tuệ. "Ngọc" nghĩa là thanh tịnh, trong sáng; "Tuệ" là trí tuệ, tư duy được bừng sáng lung linh dưới sự dẫn dắt của đức Phật. Sư cô Thích nữ Xuân Liên người khai sơn và trụ trì ngôi tịnh xá, sinh quán ở Bình Dương. Năm 14 tuổi, cô xuất gia tu học ở tịnh xá Ngọc Phương (Q.Gò Vấp Tp.Hồ Chí Minh). Năm 1970, Sư cô về trụ trì tại tịnh xá Ngọc Trung (Thốt Nốt), năm 1971 trụ trì tịnh xá Ô Môn (Cần Thơ), năm 1973 theo học Đại học Vạn Hạnh và Đại học Văn khoa Sài Gòn.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tình hình Phật giáo chưa ổn định, Sư cô Xuân Liên cùng một số Ni chúng khác gác bút nghiên rời thành thị về thôn quê tìm ruộng rẫy làm kinh tế tự túc. Chương trình lao động sản xuất tự lực cánh sinh này do Đệ nhất cố Ni trưởng Huỳnh Liên đề xướng với phương châm "sống đoàn kết, học hạnh xa kỷ lợi tha, thì đá hoa ngọc, đất thành vàng, nhất tâm đoàn kết muôn vàn thạnh hưng". Năm 1978, với sự trợ duyên của huynh đệ và Phật tử gần xa ngôi tịnh xá được tạo dựng, Sư cô được Giáo Hội bổ nhiệm về trụ trì . Thấm nhuần lời dạy của đức Phật "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi" ngày đêm với sự cần mẫn cùng lòng kiên trì, sự nghiệp tu học của các Ni chúng ngày càng tinh tấn. Từ năm 1985 đến năm 1989, Sư cô tiếp tục chương trình đại học và đã tốt nghiệp cử nhân Văn chương Đại học Tổng hợp và cử nhân Anh văn của Đại học Sư Phạm (Tp.Hồ Chí Minh).

Với hoài bão trùng tu lớn chánh điện, để đáp ứng nhu cầu tu học của hàng Phật tử và Tăng Ni. Năm 2001, được sự trợ duyên của Giáo Hội, các huynh đệ và các Phật tử gần xa, Tịnh xá được đại trùng tu lại bằng vật liệu kiên cố và khánh lạc vào ngày 2/5/2002 (Nhâm Ngọ).

Tịnh xá Ngọc Tuệ nổi bật lên giữa các ngôi tịnh xá ở xã Phước Thái, mang lối kiến trúc truyền thống của hệ phái Khất Sĩ. Chánh điện là một tòa nhà hai tầng (một trệt, một lầu; tầng trệt là giảng đường, tầng lầu là chánh điện) hình bát giác, mái cổ lầu lợp ngói, đầu đao cong vút, sừng sững uy nghi. Trên bờ nóc chánh điện có gắn búp sen và ngọn đèn chân lý (tượng trưng của hệ phái Khất Sĩ) mang ý nghĩa bất cứ chúng sanh nào, con người nào giác ngộ, vượt khỏi vũng bùn ô trược là người có trí tuệ.

Sư Cô Thích Nữ Xuân Liên

Vào những buổi chiều tà, bóng ngôi tịnh xá in đậm trên nền trời xanh thẫm. Chánh điện hình bát giác tượng trưng cho "Bát Chánh đạo", cổ lầu tứ giác biểu trưng cho "Tứ Thánh Quả". Bốn cột cái ở Chánh điện là biểu tượng cho Tứ Chúng (Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Cận sự Nam, Cận sự Nữ); Tam cấp là biểu trưng của Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Điện thờ duy nhất tượng đức Bổn sư Thích Ca ở tư thế ngồi thiền trên đài sen. Trên nóc điện thờ đặt một Bảo tháp bằng gỗ giáng hương có 13 tầng được chạm trổ rất nghệ thuật.

Với ý nguyện "lấy ý tưởng giải thoát làm mục tiêu tối hậu" Sư cô (nay được đề nghị tấn phong là Ni sư) Xuân Liên và Ni chúng tịnh xá Ngọc Tuệ nguyện đem hết sức mình cống hiến cho đạo pháp, cho cuộc đời theo hạnh nguyện của thầy Tổ.

"Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn đạo pháp, cho tình quê hương".

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét