18 tháng 4, 2022

Tịnh xá Thắng Liên Hoa

TỊNH XÁ THẮNG LIÊN HOA
  • Địa điểm: ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa, Tp. Biên Hòa
  • Năm xây dựng: 1966
  • Người trụ trì: Thượng tọa Thích Giác Thông
  • Năm trùng tu: 1996
  • Hệ phái gốc: Tịnh Độ Tông
  • Điện thoại: 061. 855216
Theo tài liệu "Lịch sử Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng" của Sư Giác Quang viết: Tịnh xá Thắng Liên Hoa có truyền thống tu hành của tập thể Tăng, Ni, Phật tử công tác từ thiện xã hội Phật giáo từ 70 năm qua. Tịnh xá được tạo dựng từ ngày mùng 8/4 năm Ất Tỵ (1965) do đức Tôn sư Hòa thượng Thượng Thiện Hạ Phước khai sơn và làm trụ trì. Từ năm 1976 đến nay, Thượng tọa Thích Giác Thông, thuộc gia đình liệt sĩ (cha tham gia kháng chiến chống Pháp hy sinh năm 1946, mẹ là nhà giáo cách mạng tại Bà Điểm) nguyên là Ủy viên Ban Đại diện Phật giáo thành phố Biên Hòa (1983-1986) được đức Tôn sư bổ nhiệm làm trụ trì.

Tịnh Xá Thắng Liên Hoa

Hòa thượng Tôn sư Thích Thiện Phước tên thật là Lê Minh Ý, tự Lê Văn Mười, sinh năm 1924, tại Long An. Ngay từ khi còn trẻ Ngài đã có căn lành duyên tốt, ý chí xuất trần, thoát ly khỏi gia đình để tìm chân lý của đức Phật và hoằng pháp độ sanh.

Năm 1956, Ngài xuất gia tại chùa Bửu Quang, học pháp tu Thiền Tịnh Độ với đức Sư ông Thượng Bửu Hạ Đức. Năm 1957, Ngài rời Tổ đình với màu áo nâu sồng và bắt đầu sự nghiệp hành đạo của mình. Đến tại Tân Ba, Tân Uyên cầu pháp với Đại lão Hòa thượng Thượng Trí Hạ Châu và trở thành Pháp tử của dòng Lâm Tế Gia Phổ thứ 41 của pháp phái Tổ Nguyên Thiều. Trong thời gian hành đạo, Hòa thượng còn tham gia hoạt động cách mạng. Từ năm 1945 đến năm 1954 với bí danh là Hùng Sơn, giữ chức vụ Quản lý Văn thư phòng tham mưu Ban Quân Báo Nam bộ (Mật khu Sài Gòn-Chợ Lớn) là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba. Đến năm 1955, vì sức khoẻ kém, không thể tập kết ra Bắc, Hòa thượng xin về ẩn tu tại Tổ đình Linh Sơn (núi Dinh-Bà Rịa), thực hiện bổn hoài của mình là vừa tu hành và vừa thành lập Phật giáo Từ thiện xã hội miền Đông, lập Cô nhi viện Phước Lộc Thọ để nuôi dưỡng, bảo bọc các cô nhi lâm nạn chiến tranh và những người già yếu, cô độc, neo đơn, ủng hộ Giải phóng quân miền Nam tại khu hậu cần (Châu Pha, Hắc Dịch-Bà Rịa). Năm 1964-1965, Tổ đình Linh Sơn bị bom đạn tàn phá, Hòa thượng Thiện Phước và Ni sư Huệ Giác đành phải hướng dẫn trên 500 Tăng Ni, Phật tử và các cháu cô nhi di tản tạm trú nhiều nơi. Sau đó về tại ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa, được hai gia đình Phật tử Nguyễn Văn Hơn, Nguyễn Văn Đâu phát tâm cúng dường nhà và đất đai cho Hòa thượng để xây dựng tịnh xá. Bằng công sức của chính mình cùng tập thể Tăng Ni, Phật tử, môn phong, Hòa thượng đã bắt tay xây dựng am, thất, nhà trai, liêu phòng, thành lập Cô nhi viện Từ Ái (chi nhánh Cô nhi viện Phước Lộc Thọ tại Quan Âm Tu Viện), trường dạy học cho Tăng Ni và ngôi Tam bảo. Từ năm 1995 cho đến nay, Ni sư Huệ Giác cùng tập thể Tăng Ni, Phật tử trong môn phong lần lượt tiến hành trùng tu ngôi tịnh xá được khang trang, nghiêm kính.

Tịnh xá Thắng Liên Hoa nằm bên bờ sông Đồng Nai, gần bến đò Long Kiển. Đây cũng là một danh lam thắng cảnh đầy vẻ cẩm tú nước non của "Trấn Biên". Với sự bố trí hợp lý các cơ sở thờ tự gồm các gian thờ: nhà Cửu huyền, Địa Mẫu, Tam Thế Phật, Bồ tát Quan Âm, Địa Tạng, chánh điện. Đặc biệt, điện thờ đức Thiên thủ Thiên nhãn và nơi thờ tự Hòa thượng Tôn sư Thích Thiện Phước được xây dựng trên một khuôn viên đất rộng khoảng 5.000 m² giấu mình sau những tán cây xanh bóng mát vạn niên, trong khung cảnh một vùng quê trù phú, các cơ sở thờ tự của tịnh xá Thắng Liên Hoa có kết cấu kiến trúc mộc mạc, đơn giản, nhưng tôn nghiêm. Riêng gian nhà thờ của đức Tôn Sư được các đệ tử xây dựng khá khang trang để tỏ lòng tôn kính bậc khai sơn môn phong. Với lối kiến trúc mang đậm phong cách truyền thống - mái cổ lầu (chồng diêm). Bốn mái và hành lang được mở rộng cả bốn bên tạo cảm giác thoáng đãng. Các đề tài trang trí trên bờ nóc, đầu hồi và các bức vách ẩn chứa những triết lý nhân sinh sâu sắc. Trong gian chính của Phật điện thờ tượng Hòa thượng Tôn sư Thiện Phước, tượng Sư ông và tượng Phật Di Lặc tất cả được bài trí hợp lý và trang nghiêm.

Với nỗ lực tu hành, vun bồi cội đức, Sư trụ trì, tập thể Ni chúng và Phật tử trong tịnh xá Thắng Liên Hoa mong muốn cùng với môn phong góp phần công sức của mình để phụng sự đạo pháp và dân tộc ngày một tốt đẹp hơn, từ đó có thể vững bước vào đời giáo hóa chúng sanh.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Cù lao Phố có chùa Bà Trầu

Ở Cù lao Phố (Biên Hòa) có một ngôi chùa mà người dân nơi đây gọi là chùa Bà Trầu. Đây là một ngôi chùa khá lớn, tọa lạc trên một khu đất rộng 5.000 met vuông nhiều cây cao, bóng mát. Chùa nằm nơi vắng vẻ, ít dân cư, lại sát bờ sông nên phong cảnh gần gũi với thiên nhiên, mang nét thôn dã hiền hòa.


Sao chùa lại mang tên chùa Bà Trầu nhỉ? Tên này chắc chắn là tên dân gian rồi, và tên dân gian thường được đặt theo một đặc điểm dễ nhận ra của chùa. Vậy chùa này do bà bán trầu, hay bà ăn trầu lập ra? Xa hơn nữa, khi khảo sát lịch sử của chùa, tôi thấy vị trụ trì đời thứ hai là HT Thích Giác Thông có mẹ là nhà giáo ở Bà Điểm, xứ trầu. Người ta còn gọi tên chùa là chùa Mẹ Trầu (xem hình), vậy phải chăng tên Bà Trầu/Mẹ Trầu là gọi theo mẹ của sư trụ trì?


À, mấy cái suy luận tài khôn đó trật lất hết. Trước khi giải thích Bà Trầu là gì thì ta hãy tới viếng chùa cái đã.


Tên chính thức của chùa là Tịnh xá Thắng Liên Hoa, tọa lạc tại số 47/1, ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa. Cổng phụ (bên trái trên hình) có ghi tên Chùa Mẹ Trầu.

Như tên gọi Tịnh xá cho thấy, đây là một ngôi chùa theo phái Tịnh độ tông. Chi tiết hơn nữa, chùa tu theo hệ phái Tịnh độ Non bồng. Theo tài liệu Lịch sử Liên tông Tịnh độ Non bồng của hòa thượng Thích Giác Quang thì Tịnh xá Thắng Liên Hoa được tạo dựng từ ngày mùng 8 tháng Tư năm Ất Tỵ (1965) do tôn sư hòa thượng Thích Thiện Phước khai sơn và làm trụ trì. Từ năm 1976, tôn sư hòa thượng Thích Thiện Phước đã bổ nhiệm thượng tọa Thích Giác Thông thay mình làm trụ trì. (Hòa thượng Thích Giác Thông đã viên tịch năm 2015).

Giờ nói qua một chút về Hòa thượng Thích Thiện Phước và hệ phái Tịnh độ Non bồng nghe.

Hòa thượng Thích Thiện Phước thế danh là Lê Minh Ý, tự Lê văn Mười, sinh năm 1924 tại Long An. Cuối năm 1954, Ngài tu tại chùa Bửu Quang, học pháp tu thiền Tịnh độ với Sư ông Thích Bửu Đức. Năm 1956, theo lời thầy, Ngài đi về miền Đông, kinh qua nhiều gian truân thử thách, thường trụ nhiều trú xứ, cuối cùng đăng sơn ở núi Dinh (Bà Rịa). Tại đây, Ngài được Yết Ma Sen giao phó Tổ Đình Linh Sơn làm trụ trì vào năm 1957. Cũng từ đó Hòa thượng Thích Thiện Phước lấy biệt hiệu là Đức Mẫu Trầu Bồng Lai, sáng lập môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Từ đây Liên tông Tịnh độ Non bồng ngày càng mở rộng. Đức Mẫu Trầu lãnh đạo 145 ngôi tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, đạo tràng thuộc môn phái trên cả nước, giáo hoá hàng ngàn tăng ni, hàng chục vạn tín đồ Phật tử quy y tu theo pháp môn.

Do chiến tranh, tháng 7/1965 các cơ sở chính của Tổ Đình ở Núi Dinh đều bị tiêu hủy. Hòa thượng Thích Thiện Phước dắt dìu trên 500 tăng ni di tản, tạm trú nhiều nơi. Sau đó về tại ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố), được hai gia đình Phật tử Nguyễn văn Hơn, Nguyễn văn Đâu cúng dường nhà và đất để xây nên Tịnh xá Thắng Liên Hoa. Hòa thượng Thích Thiện Phước, Đức Mẫu Trầu Bồng Lai, người sáng lập môn phái Tịnh Độ Non Bồng là khai sơn và cũng là vị trụ trì đầu tiên của ngôi tịnh xá này. Cũng chính vì thế, người dân còn gọi là chùa Mẫu Trầu, hay chùa Mẹ Trầu, rồi lần lần thành... chùa Bà Trầu.

Nói dài dòng về lịch sử ngôi tịnh xá chắc mọi người đọc hơi mệt rồi, giờ ngắm cảnh chùa một chút nghe.

Ngôi chùa nằm giữa những cây xanh

Điện thờ Đức Đại Bi Thiên thủ Thiên nhãn

Quan Âm Bồ tát

Tượng Phật nằm

Thích Ca thành đạo



Đã kể phải kể cho trọn, nên xin kể thêm chi tiết này, dù rằng nó không liên quan nhiều đến Phật pháp, lại có thể gây không vui cho nhiều người.

Ông Lê Minh Ý - tức hòa thượng Thích Thiện Phước - tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945 đến 1954 với bí danh là Hùng Sơn, giữ chức vụ quản lý văn thư phòng Tham mưu ban Quân báo Nam bộ (Mật khu Sài Gòn - Chợ Lớn). Ông là đảng viên Đảng Công sản Việt Nam, được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.

Nếu lòng bạn có bị xao động vì thông tin này thì xin hãy lắng lòng lại, nhìn ra bên ngoài chùa, nơi ấy là dòng sông Đồng Nai, vẫn lặng lờ trôi, ôm ấp cù lao Phố...


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét