14 tháng 7, 2022

Chùa Giác Phước

Thị xã Gò Công: Lịch Sử Chùa Giác Phước

CHÙA GIÁC PHƯỚC


Chùa Giác Phước tọa lạc tại số 17 đường Phan Bội Châu, khu phố 2, phường 2, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, do Hòa thượng Thích Thiện Thọ khai sơn vào năm 1967.


Được sinh ra trong một gia đình nhiều đời sùng tín ngôi Tam Bảo, nên từ thuở thiếu thời Hòa thượng Thích Thiện Thọ đã ngưỡng mộ và yêu mến nếp sống nơi thiền môn. Tuy nhiên, thuận dòng thế gian và kính vâng lời cha mẹ vì thế, khi đến tuổi trưởng thành, Hòa thượng đã lập gia thất nhưng vẫn giữ nếp của một người Phật tử tại gia thuần thiện. Ý tưởng xuất trần sống đời phạm hạnh cao cả bao giờ cũng được nung nấu trong trái tim đầy nhiệt huyết của Hòa thượng. Mãi đến năm 1955, sau khi sắp xếp việc nhà và công việc của một vị Trưởng ty Bưu điện Sài Gòn, Hòa thượng mới thế phát xuất gia và đến năm 1967 Hòa thượng cho cải đổi tòa nhà năm gian sang trọng của một gia đình điền chủ trở thành ngôi Già lam cổ kính với tên gọi là “Chùa Giác Phước”.

Từ đây, người dân quanh vùng được nghe sớm mõ chiều chuông, bắt đầu tập sự đi chùa. Nhân đó, Hòa thượng nhắc nhở dạy bảo dân làng ăn chay, niệm Phật, lánh dữ làm lành, sống đời hiền lương đạo đức. Cảm mến đức độ và tấm lòng yêu thương của Hòa thượng cho nên bà con xóm giềng cũng như dân cư nhiều vùng lân cận tìm đến Quy y rất đông.

Năm 1976 vào ngày 28 tháng 7 âm lịch, Hòa thượng khai sơn viên tịch, chùa Giác Phước được Đại đức Thích Chánh Định là đệ tử xuất gia của Hòa thượng kế nhiệm trụ trì.


Đến năm 1989, Ni sư Thích Nữ Tịnh Nghiêm (nay là Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nghiêm – Phó Ban Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Tiền Giang) được Giáo hội bổ nhiệm về trụ trì để hướng dẫn tín đồ Phật tử tu tập. Ngôi chùa lúc bấy giờ đã xuống cấp trầm trọng, tường vách loang lỗ, mái ngói dột nát, sân trủng, nền thấp nên mỗi khi mưa xuống thì nước ngập. Vì thế vào đầu năm 1990, Ni trưởng đã tiến hành sửa chửa lại Chánh điện, hậu Tổ, liêu phòng, nhà bếp, v.v…và tráng xi măng toàn bộ sân chùa. Về sau, số Ni chúng tìm đến xuất gia tu học với Ni trưởng ngày càng đông, Phật tử các nơi câu hội về tu và học Giáo lý do Ni trưởng giảng dạy hàng tuần ngày một nhiều. Nên đến năm 1996, Ni trưởng Trụ trì lại tu bổ ngôi Chánh điện lần thứ hai đồng thời cất thêm Ni xá cho đại chúng cư trú.

Năm 1998, chùa Giác Phước được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh chọn làm điểm An cư Kiết hạ dành cho chư Ni liên huyện: Thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây và huyện Gò Công Đông.


Năm 1999, nhận thấy số Ni chúng xuất gia tu học tại chùa Giác Phước khá đông, đồng thời Ni trưởng Trụ trì và Sư cô Thích Nữ Tịnh Thủy (nay là Ni sư Thích Nữ Tịnh Thủy, là một trong những người đệ tử lớn của Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nghiêm) đang là Giáo thọ Trường Trung cấp Phật học Tiền Giang, nên Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh Tiền Giang và Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Phật học tỉnh quyết định đặt Lớp Sơ cấp Phật học tại chùa Giác Phước và phân công Ni trưởng Trụ trì làm Chủ nhiệm Lớp.

Năm 2003, sau khi Ni trưởng Thích Nữ Như Hảo – Trưởng ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang viên tịch, Ni trưởng Trụ trì được Giáo hội chỉ đạo thay thế Quyền Trưởng ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh. Để cho hoạt động Phật sự được nhiều thuận lợi, Ni trưởng đã trở về Ni viện Tịnh Nghiêm làm Trụ trì và giao lại chùa Giác Phước cho đệ tử là Ni sư Thích Nữ Tịnh Thủy quản lý.


Năm 2006, Giáo hội chính thức bổ nhiệm Ni sư Tịnh Thủy trụ trì chùa Giác Phước cho đến ngày nay.

Đến năm 2009, ngôi Chánh điện đã trải qua hằng thế kỷ (vì Chánh điện từ trước đến này chính là ngôi nhà 5 gian của gia đình Hòa thượng khai sơn được sửa chửa lại), giờ đây xuống cấp nặng nề. Thêm vào đó nhu cầu phát triển Đạo pháp ngày càng cao, trong những ngày sám hối, lễ hội, khóa tu của Phật tử, ngôi Chánh điện nhỏ hẹp không đủ cho hàng trăm Phật tử lễ bái, tu học.v.v… Ni sư Tịnh Thủy đã xin phép và tiến hành xây dựng ngôi Bảo điện, hậu Tổ. Sau 2 năm thi công, nhân Lễ kỷ niệm ngày Hòa thượng khai sơn viên tịch, lễ Khánh thành mừng công trình xây dựng viên mãn được tổ chức trang nghiêm và long trọng.


Từ cổng ngoài đi vào là sân chùa rộng thoáng, giữa sân được tôn trí Đức Bồ Tát Quan Âm ngự trên ao sen, phía sau là bờ trúc. Sân chùa nhìn vào là ngôi chánh điện sừng sững uy nghiêm. Bảo điện, hậu Tổ được xây dựng theo lối kiến trúc như các Thiền viện, thể hiện nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam, vừa cổ kính, vừa sâu lắng khiến cho ai bước vào cũng đều cảm nhận một sự bình yên, nhẹ nhàng, thanh thản nơi tâm hồn. Trước Chánh điện, hai bên được thờ Đức Hộ Pháp Vi Đà và Đức Tiêu Diện Đại Sĩ, trong điện Phật được chia làm 3 gian, gian giữa được xây thành tam cấp, cấp trên cùng được an trí tôn tượng Tam Thánh, cấp thứ hai là tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cấp thứ ba là Đức Thiên Thủ Thiên Nhãn và 7 Đức Phật Dược Sư, gian bên trái được an trí tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, gian phải thờ Bồ Tát Địa Tạng. Sau Chánh điện là Hậu Tổ, điện Tổ phía trên chỉ thờ duy nhất Đức Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, tầng dưới là chư Trưởng lão Hòa thượng tiền bối, hai bên là bàn thờ của quý Ni trưởng tiền bối và vong linh của thiện nam, tín nữ, tiếp theo hậu Tổ là trai đường, sau trai đường là Tăng phòng cùng các khu tịnh trù, tịnh khố, nhà vệ sinh. Phía trái Chánh điện là ngôi tháp của Hòa thượng khai sơn chùa Giác Phước, phía phải là dãy Giảng đường, phòng khách và phương thất của Ni trưởng Viện chủ.


Năm 2015, chùa được vinh dự đón nhận danh hiệu “Cơ sở Thờ tự Văn hóa” do Ban Chỉ đạo Phường 2 tổ chức.

Như bao tự viện khác, ngôi Già lam Giác Phước, mỗi ngày chư Ni và Phật tử tu niệm lục thời khóa lễ, hằng tuần lớp Giáo lý và Kinh bộ do Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nghiêm và Ni sư Thích Nữ Tịnh Thủy giảng dạy, mỗi tháng đạo tràng Đại bi câu hội tu tập định kỳ. Ngoài việc hướng dẫn Phật tử tu học và thực hiện tốt nhiệm vụ của người công dân đối với chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà Nước, hằng năm đến các ngày lễ lớn như Đại lễ Phật Đản, thắng hội Vu Lan Báo Hiếu, Giỗ Tổ, Tết Nguyên Đán, v.v.. Chùa đều tổ chức thật long trọng trang nghiêm và có chương trình tặng quà, khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo quanh vùng. Đồng thời để góp phần cùng Nhà nước xây dựng xã hội văn minh giàu đẹp, Chùa đã nhiệt tình hưởng ứng các phong trào đền ơn đáp nghĩa, ích nước lợi dân; tham gia các công tác từ thiện xã hội như xây nhà tình thương, cơm cháo cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, ủng hộ các Quỹ vì người nghèo, Chi Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo - trẻ mồ côi - người khuyết tật v.v…Thực hiện tinh thần từ bi của Đạo Phật và làm theo phương châm của Giáo hội:“ Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, chư Ni và Phật tử chùa Giác Phước xin nguyện sẽ cố gắng làm tất cả những gì để cho Đời - Đạo được viên dung, Đất nước được phồn vinh, nhân dân được ấm no và hạnh phúc.


Sau đây là một số hình ảnh tư liệu được ghi nhận:













Người viết: Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét