14 tháng 7, 2022

Chùa Huệ Quang

Thị xã Gò Công: Lịch Sử Chùa Huệ Quang

CHÙA HUỆ QUANG
Số 5, đường Võ Duy Linh, Phường 5, Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang


Chùa Huệ Quang được thành lập vào năm 1930, do Hòa thượng Thích Bửu Thắng kiến tạo. Ban đầu chùa được đặt tên là chùa Thiên Ngươn, thuộc hệ phái Phật giáo Cổ truyền. Khởi nguyên nơi này chỉ là một thảo am vách lá để Hòa thượng tịnh tu, sau một thời gian được sự tín tâm mộ đạo của quý Phật tử xa gần nương về tu tập ngày càng đông, vì thế ngôi am tranh dần được tu bổ khang trang hơn.

Đến năm 1964, Hòa thượng khai sơn đã chuyển qua sinh hoạt theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất trực thuộc Tổ đình Ấn Quang (TP.Hồ Chí Minh). Lúc bấy giờ nơi đây được chư Tôn đức dùng làm Văn phòng làm việc của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Gò Công (cũ), do Hòa thượng Thích Huyền Quý làm Trưởng ban.


Năm 1968, trong phong trào chấn hưng Phật giáo, chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội đã đặt nơi đây là Miền Huệ Quang để điều hành công tác Phật sự và ngôi chùa cũng được đổi tên là Chùa Huệ Quang kể từ đó.

Trên tinh thần “Tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức” là bổn hoài của người con Phật cùng với hạnh nguyện lợi tha, nơi nào Đạo pháp cần ta đến, ở đâu chúng sanh cần ta đi, chẳng quản gian lao, chẳng từ khó nhọc, vì vậy chùa Huệ Quang luôn được chư Tôn đức tiếp nối đảm nhiệm trụ trì để hoằng truyền Phật pháp, đến nay đã trải qua các thời kỳ như sau:
  • Năm 1930 Hòa thượng Thích Bửu Thắng.
  • Năm 1959 Hòa thượng Thích Định Thiền.
  • Năm 1964 Hòa thượng Thích Nguyên Thạnh.
  • Năm 1972 Hòa thượng Thích Huyền Quý.
  • Năm 1973 Thượng tọa Thích Minh Nguyệt.
  • Năm 1975 Thượng tọa Thích Thiện Phước.
  • Năm 1982 Thượng tọa Thích Thiện Từ.
  • Năm 1998 đến nay Thượng tọa Thích Giác Nguyên đảm nhiệm.

Để thuận tiện cho việc tu tập của tứ chúng, chư Tôn đức trụ trì đã lần lượt cho trùng tu, tôn tạo lại ngôi chùa. Năm 1968, quý Ngài đã xây dựng ngôi Chánh điện, hậu Tổ và nhà thiền để khai hạ. Năm 1991, Thượng tọa Thích Thiện Từ đã trùng tu lại Chánh điện và nhà Tổ.

Từ khi tiếp nhận Trụ trì chùa Huệ Quang năm 1998 đến năm 2008, Thượng tọa Thích Giác Nguyên - Ủy viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban Trị sự Phật giáo thị xã Gò Công đã liên tục tiến hành tu sửa, cơ nới và xây dựng nâng cấp chóng ngập khuôn viên chùa Huệ Quang.


Thượng tọa cũng không ngừng tiếp Tăng độ chúng, nhận thế phát xuất gia gần 10 vị, dạy dỗ oai nghi hành điệu ban đầu, sau đó gửi đệ tử theo các trường Phật học trong và ngoài nước để trao dồi kiến thức Phật học hầu mong nối thạnh mạng mạch Phật pháp về sau.


Năm 2009, do nhu cầu tu học, sinh hoạt của Tăng chúng và Phật tử, nên Thượng tọa Trụ trì đã khởi công đại trùng tu ngôi Chùa bằng chất liệu bê tông cốt thép với kiến trúc hiện đại, bề ngang 15m, chiều dài 30m, gồm một tầng trệt và ba tầng lầu được sử dụng làm các hạn mục như: Tầng hầm là nhà để xe, tầng thứ nhất là Giảng đường, tầng thứ 2 là Chánh điện, tầng thứ 3 là Thiền đường. Song song thời gian này, Thượng tọa còn cho dựng tượng đài Phật A Di Đà lộ thiên cao 7m phía trước khuôn viên Chùa để cho bá tánh thập phương tiện chiêm bái và đảnh lễ. Trãi qua 1 năm thi công xây dựng thì công trình đã hoàn thành, lễ Lạc thành được tổ chức vào tháng 2 năm 2010 rất trọng thể.


Để hướng dẫn Phật tử tu tập, Thượng tọa Thích Giác Nguyên đã mở Khóa tu Phật thất mỗi năm 04 kỳ vào ngày mùng 3 đến mùng 9 âm lịch trong các tháng 3, 6, 9 và tháng 12. Một năm còn có 4 khóa tu nhập thất 7 ngày vào tháng 1, 5, 8 và tháng 10, trong các ngày từ mùng 5 đến 12 âm lịch. Mỗi tháng có 3 ngày tu Bát quan trai vào mùng 3, 13 và 24 âm lịch.

Ngoài ra trong những ngày lễ lớn của Phật giáo như Phật Đản, Vu Lan và những ngày Húy kỵ của chư Hòa thượng tiền bối, Thượng tọa Trụ trì cũng tổ chức rất trang nghiêm và trọng thể. Thượng tọa còn thường xuyên tổ chức các đợt mổ mắt từ thiện đem ánh sáng đến với bà con nghèo, khám bệnh miễn phí, tặng quà đến các hoàn cảnh khó khăn, xây nhà tình thương cho hộ nghèo …


Trong các cuộc kháng chiến, ngôi chùa Huệ Quang là nơi hoạt động ủng hộ và che dấu cách mạng, cùng nhân dân đứng lên chiến đấu giành độc lập giải phóng đất nước, vì vậy ngôi chùa cũng không khỏi bị thăng trầm hư hoại theo chinh chiến của thời gian. Chùa Huệ Quang được khang trang, hưng thịnh như hôm nay là nhờ ân đức của các bậc tiền bối Tổ sư đã dày công vun đắp, xây dựng, hoằng truyền Chánh pháp; chư Phật tử gần xa tín tâm hộ trì. Thật là:

“Công ai đổ xuống đất này,
Cho hoa đạo pháp ngày càng thêm tươi.”

Sau đây là một số ảnh tư liệu:

















Người viết: Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét