18 tháng 7, 2022

Chùa An Lạc

Huyện Châu Thành: Lịch Sử Chùa An Lạc

CHÙA AN LẠC
532/2 ấp Tân Phú, xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang


Chùa An Lạc được thành lập vào năm 1990, do Ni sư Thích Nữ Liên Chu thế danh Lâm Thị Tân Hoa, là đệ tử xuất gia thọ Pháp với cố Ni trưởng Thích Nữ Như Ngộ - Trụ trì chùa Thiên Phước (Phường Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An) tạo dựng trên mảnh đất gần 3.000 m² để tịnh tu.

Ban đầu chùa được xây dựng bằng cây lá đơn sơ với tên gọi là “Tịnh thất An Lạc” và rất ít người biết đến. Do vì Tịnh thất nằm gần trường học nên hàng ngày các em học sinh thường lui tới nơi đây để chơi giỡn, nghe Ni sư nói pháp và cùng làm công quả như lao quét sân chùa, làm cỏ vườn, …


Năm 1993, được sự gợi ý và cho phép của Ban Đại diện (nay là Ban Trị sự) Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Châu Thành, ngôi Tịnh thất An Lạc được gia nhập Giáo hội và sinh hoạt dưới sự quản lý trực tiếp của BTS GHPGVN huyện Châu Thành với tên gọi là chùa An Lạc.

Đến năm 1994, thấy các em nhỏ thường lui tới chơi nhưng ngồi trên nền đất không được sạch sẽ lắm nên Ni sư Liên Chu cho xây dựng lại ngôi Chùa nhỏ bằng chất liệu bê tông, mái lợp ngói tây, nền lát gạch bông.

Dần dần các em nhỏ nói với cha mẹ, người thân nên Phật tử lớn tuổi bắt đầu biết đến chùa An Lạc và tới tụng kinh, cúng bái đông hơn. Ngôi Chùa An Lạc dần trở nên nhỏ hẹp, không đủ chổ để Phật tử trở về sám hối mỗi kỳ sóc vọng hàng tháng. Năm 1998 Ni sư Thích Nữ Liên Chu cho trùng tu thêm ngôi Chùa, cơi nới phần tiền sảnh phía trước và che thêm mái hiên hai bên ngôi Chánh điện để tạm làm Trai đường và có chổ cho quý Phật tử cùng bá tánh trở về tu học Phật pháp.

Năm 2008, sau 10 năm xây dựng chấp vá, ngôi chùa An Lạc đã bị xuống cấp, tường vách bị xé nức lớn, nền gạch bị lún bong tróc nhiều nơi; được sự động viên của chư huynh đệ trong tông phong, Ni sư Thích Nữ Liên Chu đã mạnh dạn khởi công đại trùng tru lại ngôi Chánh điện chùa An Lạc bằng chất liệu bê tông cốt sắt, chiều ngang rộng 11m, chiều dài 26m với lối kiến trúc một tầng trệt và một tầng lầu, phần nóc chùa có xây cổ lầu cao.


Phần mái được đúc bê tông dán ngói lưu ly màu xanh, các đầu đao trang trí hoa văn sen lá rất mềm mại. Tầng lầu được dùng là Chánh điện, các cửa đi và cửa sổ đều làm bằng gỗ căm xe nền lát gạch men hiện đại. Các khung hoa văn lan can được làm bằng hợp kim rất tinh xảo.

Bên trong Chánh điện thờ Tôn tượng đức Phật Thích Ca và hai bức phù điêu Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, phía trước là ban thờ Hộ Pháp và Tiêu Diện. Phía sau Chánh điện là Tổ đường thờ Đạt Ma Tổ sư. Kế tiếp là Hậu Tổ thờ di ảnh Ni trưởng Thích Nữ Như Ngộ và ban thờ chư hương linh bá tánh nam nữ.

Tầng trệt phía trước dùng làm Trai đường có ban thờ Bồ tát Chuẩn Đề; phía sau là Giảng đường thờ tôn tượng Phật Thích Ca (đây là tượng cũ Ni sư đã thờ từ khi mới cất chùa An Lạc đến nay)

Sau bốn năm xây dựng, công trình Chánh của chùa An Lạc đã hoàn thành vào năm 2012. Tiếp theo sau đó, Ni sư Trụ trì lần lượt kiến tạo lại tượng đài Bồ Tát Quán Thế Âm, xây dựng Khách đường, nhà chúng, nhà bếp, và các công trình phụ, bố trí lại hoa kiểng sân vườn khang trang như hiện nay.


Với hạnh nguyện lợi tha, ngoài việc kiến tạo, trùng hưng ngôi Tam Bảo, Ni sư Thích Nữ Liên Chu luôn duy trì khóa tu Niệm Phật cho Phật tử vào ngày 19 âm lịch và khóa tụng kinh Pháp Hoa vào ngày mùng 10 âm lịch mỗi tháng. Ni sư cũng thường xuyên tổ chức tặng quà đến các hoàn cảnh khó khăn vào những ngày lễ lớn của Phật giáo, tích cực tham gia với Giáo hội và chính quyền địa phương trong các phòng trào đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ chương trình “Tết vì người nghèo”,… góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh trong tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác.”

Sau đây là một số ảnh tư liệu:


















Người viết: Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét