14 tháng 7, 2022

Chùa Mỹ Tuyền

Huyện Cái Bè: Lịch Sử Chùa Mỹ Tuyền

CHÙA MỸ TUYỀN
Ấp 2 xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang


Cái Bè là một huyện nằm ở phía tây tỉnh Tiền Giang, bên bờ phía Bắc của cầu Mỹ Thuận, là cửa ngõ đi thành phố Vĩnh Long và toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kinh tế chủ yếu của huyện là nông nghiệp với nghề chính là trồng lúa và cây ăn trái. Cái Bè là huyện xếp hàng đầu về tiềm lực kinh tế vườn của tỉnh Tiền Giang. Năm 2018, huyện Cái Bè có 16.350 ha vườn cây ăn trái, trong đó có 79% vườn chuyên canh các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.

Về địa lý hành chánh toàn huyện Cái Bè bao gồm thị trấn Cái Bè và 24 xã: An Cư, An Hữu, An Thái Đông, An Thái Trung, Đông Hòa Hiệp, Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B, Hậu Mỹ Phú, Hậu Mỹ Trinh, Hậu Thành, Hòa Hưng, Hòa Khánh, Mỹ Đức Đông, Mỹ Đức Tây, Mỹ Hội, Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B, Mỹ Lương, Mỹ Tân, Mỹ Trung, Tân Hưng, Tân Thanh, Thiện Trí, Thiện Trung.


Chùa Mỹ Tuyền tọa lạc tại ấp 2 xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đây là ngôi Chùa có mặt từ lâu đời trên mảnh đất phù sa này đến nay đã hơn 1 thế kỷ. Trước kia chùa Mỹ Tuyền năm cạnh bên bờ sông Tiền, nhưng về sau bị sạt lỡ gần hết nên gia đình ông Thân Chương phát tâm hiến cúng gần 8.000 m² đất để dời Chùa về vị trí như ngày nay.

Đến nay Chùa đã trãi qua nhiều đời trụ trì nhưng phần lớn các sử liệu đều bị thất lạc, có những giai đoạn Chùa không có Sư trụ trì nên bổn đạo lập Ban Hộ tự để cùng trông coi và nhờ ông Nguyễn Văn Phẩm thường xuyên ở chùa để lo hương khói.


Năm 2002 được sự cho phép của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang và sự chấp thuận của Chính quyền các cấp, bổ nhiệm Đại đức Thích Chiếu Thể, thế danh thế danh Phan Châu Tâm sinh năm 1970 về trụ trì chùa Mỹ Tuyền, trông coi Tam Bảo và hướng dẫn Phật tử tu tập cho đến nay.

Với cương vị Trụ trì, nhận thấy ngôi Chùa đã bị xuống cấp, không còn an toàn cho Tăng chúng và Phật tử tu tập, được sự phát tâm của Phật tử nên Đại đức Thích Chiếu Thể đã quyết định khởi công đại trùng tu vào năm 2007.


Ngôi Chánh điện được làm theo kiến trúc thượng lầu hạ hiên bằng chất liệu bê tông cốt thép chiều ngang rộng 12m, chiều dài 19m. Mái đúc bê tông dán ngói đỏ. 
Khoảng trống giữa hai mái là các khung bông gió thông thoáng. Các khung cửa sổ và cửa đi đều làm bằng gỗ căm xe, nền lát gạch men; Đông lan là phòng nghỉ của chư Tăng và phòng khách, Tây lan là Giảng đường, phía sau Hậu tổ là Trai đường và Nhà trù.

Bên trong Chánh điện được an trí Tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong tư thế thiền định theo phong cách của các Thiền viện. Phía sau Chánh điện là Tổ đường thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma và chư Hòa thượng tiền bối có công kiến taọ trùng hưng Chùa.

Đại đức Trụ trì còn cho xây dựng Cổng Tam quan, Quán Âm lộ thiên, Đức Phật Thành Đạo, Vườn Lộc Uyển, Phật Di Lặc, kiến tạo lại khuôn viên phía trước chùa và trồng nhiều cây kiểng như hiện nay.

Xuất thân từ gia đình thuần nông nên khi nhận trách nhiệm trụ trì chùa Mỹ Tuyền, Đại đức Thích Chiếu Thể đã không ngừng cải tạo diện tích đất chùa thành những mãnh vườn xum xuê, thâm canh trồng cây ăn quả có kinh tế cao với mong ước có thêm thu nhập để xây dựng Tam Bảo, tu sửa chùa cảnh. Hiện tại chùa Mỹ Tuyền có hơn 4.000 m² trồng cây sầu riêng được hơn 3 năm tuổi, theo ước tính khoản 2 năm sau sẽ cho chùa kinh tế ổn định hơn.


Đại đức Thích Chiếu Thể còn trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm làm vườn cho bà con quanh vùng để cùng nhau phát triển; với sự cần cù và đóng góp của Đại đức cho cộng đồng đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang trao tặng bằng khen “Nông Dân Giỏi” cấp Tỉnh và nhiều kỷ niệm chương trong lĩnh vực này.

Ngoài việc kiến tạo, trùng tu Tam Bảo, Đại đức trụ trì còn tổ chức trang nghiêm các ngày lễ lớn của Phật giáo như Phật Đản, Vu Lan, các ngày Húy kị Tổ sư hằng năm. Mở các khóa tu học cho Phật tử tham dự và học hỏi Phật pháp vào những ngày sám hối 14 và 29 hàng tháng. Đại đức Thích Chiếu Thể còn hướng dẫn chư thiện tín tham gia các công tác từ thiện, an sinh xã hội góp phần làm tốt đạo, đẹp đời đúng với tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”.


Ngày nay, nếu có dịp đặt chân về chùa Mỹ Tuyền, chúng ta sẽ không khỏi bồi hồi nhớ về bốn câu thơ thuở nào của đại thi hào Nguyễn Bính:

“Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm.
Chuông hôm, gió sớm, trăng rằm,
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi.”

Sau đây là một số ảnh tư liệu:










Người viết: Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét