CHÙA SẮC TỨ LONG AN
Theo gia phả họ Trần ở xã Bình Phú, huyện Cai Lậy; khoảng đầu thế kỷ XIX, trong nhánh họ Trần tại rạch Tràm (thôn Bình Phú), có một người tên là Trần Văn Đôn xuất gia tu học ở Gia Định, sau đó về quê lập am ẩn tu. Sau khi ông mất, họ Trần cử người cai quản, dùng ruộng đất tài sản của ông Trần Văn Đôn làm hương hỏa, và lấy huê lợi tích lũy nhiều năm xây dựng nên một ngôi chùa hiệu là Long An tự vào năm 1855 – PL.2398. Đến cuối thế kỷ thứ XIX, trụ trì chùa Long An là ông Trần Văn Sóc (1835-1908), pháp danh Trường Độ, pháp hiệu Tâm Ngoạn đại sư; gần cuối đời, ông đến chùa Hội Thọ - Cái Bè (gốc là Sắc tứ Kim Chương tự) lạy Hòa thượng Thiệu Long, tôn làm Thầy.
Ngài Võ Ngộ Thông sinh năm 1878, thuở bé có tên Võ Niệm Thường, tự Sâm, cháu ngoại của ông Trần Văn Sóc. Năm 13 tuổi, Võ Niệm Thường theo ông ngoại đến chùa Hội Thọ lạy Hòa thượng Thiệu Long xin xuất gia, được pháp danh là Trường Đức, pháp hiệu là Ngộ Thông. Hai ông cháu cùng học một thầy nhưng Ngộ Thông thông minh lanh lợi, được thầy cử làm “Trưởng tử”. Dân gian truyền tụng Võ Ngộ Thông là người rất giỏi y dược, thông hiểu các phương thuật bói dịch, phong thủy, các loại bùa chú, đồng thời cho biết ông là một ông sư đẹp tướng, thông minh, có tài thuyết giảng, thu phục người khác.
Khoảng năm 1900, sư Tâm Ngoạn già yếu, nên gọi Võ Ngộ Thông về chùa Long An để tập sự làm trụ trì. Ít năm sau, sư Tâm Ngoạn mất. Sau tang lễ, Hòa thượng bổn sư cử ngài Võ Ngộ Thông làm thủ tọa chùa Long An. Bấy giờ Võ Ngộ Thông bị bệnh lao thổ huyết nên giao chùa cho người quản lý, rồi dùng một chiếc thuyền tự chèo đi hết tỉnh này đến tỉnh khác tìm thầy chữa trị. Đến Rạch Giá, ông gặp được một danh y hốt thuốc trị dứt căn bệnh. May mắn hơn, ông được gặp lại người bác ruột của mình đang tu tại đây là Yết ma Thanh Đường tự Diệu Hán (1839-1915). Võ Ngộ Thông được thầy Yết ma truyền cho một số phương thuật bổ sung vào vốn hiểu biết của mình. Võ Ngộ Thông cám ơn bác ruột và xem như thầy, nên sau khi Hòa thượng Thanh Đường mất, Võ Ngộ Thông đem nhục thân từ Rạch Giá về an táng trong khuôn viên chùa Long An.
Lúc bấy giờ tại chùa Kim Tiên (An Hữu, Cái Bè) thiết lập Chúc thọ Giới đàn, sư Võ Ngộ Thông được tôn làm Giáo thọ. Năm sau, chùa Lương Thành (Sa Đéc) cũng tổ chức Chúc thọ giới đàn, sư Võ Ngộ Thông lại được tôn làm Yết ma. Ở Tam Bình (Vĩnh Long) có một ông hương thân mộ đạo, hiến đất và xây dựng một ngôi chùa đem hiến cúng, được Yết ma Võ Ngộ Thông đặt hiệu là Long Nhơn tự. Khi khánh thành chùa Long Nhơn, sư tổ chức Chúc thọ giới đàn truyền giới cho 7 giới tử, được Tăng chúng tại đây tôn Đường đầu Hòa thượng.
Uy tín Hòa thượng Võ Ngộ Thông lan ra nhiều tỉnh và được nhân lên sau sự kiện giàn xếp ổn thỏa việc tranh chấp chùa Phước Tường. Lúc bấy giờ thực dân Pháp chỉnh trang thành phố, phạm đến chùa Phước Tường của bà Ba Đông ở Chợ Lớn. Bà hoảng sợ đem ngôi chùa dâng cúng cho Hòa thượng Ngộ Thông, mong nhờ tài phép của thầy hộ trợ. Hòa thượng dời ngôi chùa đến Thị Nghè tốt đẹp và cử sư Phổ Trí trụ trì. Mấy năm sau thì bà Ba Đông mất, người cháu ngoại của bà Ba Đông gốc lai Ấn là Domanhe lợi dụng sự thật thà của sư Phổ Trí đến mượn giấy tờ bằng khoán, rồi chở tượng thờ đem gởi, tuyên bố “bán nhà bán đất”. Sư Phổ Trí chạy xuống báo tin cho Hòa thượng nhờ sự giúp đỡ. Hòa thượng bèn đến nhà Domanhe (Sài Gòn) làm thuyết khách khiến cho Domanhe hồi tâm, trả lại tượng thờ và bằng khoán tài sản cho chùa Phước Tường.
Đầu năm Giáp Tý (1924), tình cờ đọc báo Lục Tỉnh Tân Văn, Hòa thượng biết tin giữa tháng 8 năm ấy ở kinh đô Huế sẽ tổ chức lễ Tứ tuần Đại Khánh của vua Khải Định, bèn gọi người cháu là Võ Công Phi - trụ trì chùa Long Nhơn (Vĩnh Long) đến tham vấn. Hai người thống nhất gần đến ngày ấy sẽ triệu tập Tăng chúng tông môn lại tụng kinh chúc thọ rồi lên Sài Gòn mua vé tàu thủy ra Huế.
Báo Trung Bắc Tân Văn bấy giờ đưa tin thuật lại việc vua Khải Định tiếp kiến Hòa thượng Võ Ngộ Thông như sau: Đến ngày rằm tháng 8 năm Nhâm Tý, (1924) chùa Sắc tứ Bảo Quốc tập hợp chư Tăng tại kinh đô tụng kinh chúc thọ, vua Khải Định đến dâng hương lễ bái. Sau đó nhà vua và bá quan đến thiền đường uống trà. Hai vị Hòa thượng trụ trì chùa Tây Thiên và chùa Sắc tứ Bảo Quốc giới thiệu có hai vị Hòa thượng người Nam kỳ ra kinh đô, muốn vào chúc thọ nhưng còn e ngại. Lúc đó có quan Phủ Doãn Thừa Thiên đứng bên cạnh nói vào nên vua Khải Định truyền cho Võ Ngộ Thông và Võ Công Phi ra trình diện. Hai người ra chào và dâng câu chúc thọ, được nhà vua vừa ý và hỏi thêm nhiều vấn đề về tình hình Phật pháp tại miền Nam lúc bấy giờ.
Khoảng hơn nửa giờ hỏi đáp, vua Khải Định khen Hòa thượng Ngộ Thông là người mộ đạo, chân tu, thông hiểu giáo lý nhà Phật, nên ra lệnh thưởng cho Tam hạng kim tiền, Tùy anh huyền bội (dây đeo) cùng một cấp bằng “Sắc tứ”. Ít hôm sau, hai thầy trò được mời vào cung An Định xem mạch bốc thuốc, tụng kinh cầu an cho tôn cung thái hậu (mẹ vua). Khi tôn cung thái hậu dứt bệnh, vua ban thưởng cho Hòa thượng Võ Ngộ Thông ba lạng Tinh ngân Khải Định niên tạo.
Sau mấy tháng ở Kinh đô, hai thầy trò Hòa thượng trở về chùa, thiết lập đại lễ khánh hạ và đổi hiệu là “Hoàng ân Sắc tứ Long An cổ tự”. Hòa thượng Võ Ngộ Thông mất vào năm 1935 sau một cơn bạo bệnh, nhưng ảnh hưởng của ông đối với ngôi chùa và Phật tử địa phương hiện vẫn còn.
Sau khi Hòa thượng viên tịch cũng là thời kỳ chiến tranh đói khổ nên ngôi chùa trở thành nơi tụ hội tâm linh cho nhân dân trong vùng. Có những lúc chùa không có Sư kế tự nên dân làng tự cử người thay nhau hương khói.
Vào khoảng năm 1968 có Thầy Quảng Minh, thế danh Nguyễn Văn Ngộ người địa phương xuất gia về trông coi và trụ trì. Đến khi đất nước độc lập năm 1975 Thầy trở về gia cảnh đời thường.
Sau đó có một Sư cô về tịnh tu khoảng 01 năm thì đi. Nhân dân trong vùng lại bầu ra Ban Quản tự chăm lo chùa chiền, nhang khói cho ngôi Tam Bảo.
Vào thập niên 90 Thầy Quảng Minh tái xuất gia trở lại và ở chùa chăm lo ngôi Tam Bảo cho đến năm 2008 Thầy trở về quê cất am tịnh tu.
Được sự cho phép của Ban Trị sự và sự đồng thuận của chính quyền các cấp, Đại đức Thích Phước Nhân được bổ nhiệm về Trụ trì chùa Sắc tứ Long An từ năm 2008 cho đến nay.
Để cho Tăng chúng và Phật tử tiện nghi trong sinh hoạt tu học, năm 2009 Đại đức trụ trì đã tạo mãi thêm 5.500 m² đất xung quanh chùa và tiến hành cho xây dựng Tăng xá, tiếp theo là xây Giảng đường, cổng tam quan, trùng tu lại khu vườn Tháp Tổ và các công trình trình phụ khác.
Bên trong ngôi Chánh điện bệ trên cao thờ tôn tượng Đức Phật Thích Ca làm bằng gỗ thếp vàng; phía trước bệ dưới là các pho tượng Phật Thích Ca, Tôn giả Ca Diếp, A Nan, tượng Nam Tàu, Bắc Đẩu đều là những pho tượng cổ của chùa được làm từ thời Hòa thượng Võ Ngộ Thông trước đây. Tả hữu là ban thờ Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền; dọc hai bên là dãy ban thờ Thập bát La hán và Thập điện Diêm vương. Các khung bao lam, liểng đối, các bức Đại tự đều được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng rất tinh xảo.
Phía sau điện Phật là Khám thờ di ảnh và long vị Hòa thượng Võ Ngộ Thông được chạm trổ rất tinh tế.
Giữa Chánh điện và Tổ đường là gian nhà trống để lấy ánh sáng. Tổ đường thờ di ảnh Tổ sư Đạt Ma, tôn tượng Lục tổ Huệ Năng và long vị, di ảnh chư Hòa thượng tiền bối. Ngôi Hậu Tổ thờ di ảnh Hòa thượng Thích Minh Trí – Bổn sư của Đại đức Trụ trì cũng là người trực tiếp nhận ngôi chùa Sắc tứ Long An và giao lại cho Đại đức Thích Phước Nhân đảm trách thực hành Phật sự. Gian nhà Hậu Tổ còn được an trí ban thờ Gia phả Họ Trần – là những người phát tâm thành lập ngôi Chùa và Ban thờ chư hương linh bá tánh.
Ngoài việc trùng hưng Tam Bảo, Đại đức Thích Phước Nhân còn tham gia sinh hoạt của Giáo hội và tích cực hướng dẫn Phật tử tu tập, thực hiện các công tác từ thiện, an sinh xã hội, góp phần vào công cuộc phát triển chung của đất nước.
Như vậy, gần 200 năm hình thành và phát triển, ngôi chùa Sắc tứ Long An luôn là chỗ dựa tâm linh vững chắc cho Phật tử gần xa nương về tu học Phật pháp, cầu nguyện bình an.
Sau đây là một số ảnh tư liệu:
Sau đây là một số ảnh tư liệu:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét