11 tháng 7, 2022

Phật Bửu Ni Tự

TX. Cai Lậy: Lịch Sử Phật Bửu Ni Tự

PHẬT BỬU NI TỰ
ĐC: phường 1, TX Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang


Phật Bửu Ni Tự hiện tọa lạc tại phường 1, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Chùa được Ni trưởng Liễu Tánh thành lập năm 1947 với tên gọi là Phước Bửu Ni Tự, trên mảnh đất đầm lầy và thưa vắng người sinh sống. Đến năm 1949, Chùa được đổi tên thành Phật Bửu Ni Tự. Đây là ngôi chùa Ni đầu tiên của Phật giáo tỉnh Tiền Giang, cũng là nơi hoạt động sôi nổi của Ni Bộ Bắc Tông khu vực Tây Nam Bộ trước năm 1975.


Ni trưởng thượng Liễu hạ Tánh (1916-1982) vốn sinh trưởng tại Cai Lậy, xuất thân trong gia đình tin kính Tam bảo. Năm 12 tuổi, Ni trưởng qui y với Tổ Phi Lai - Chí Thiền (1861-1933) - một danh Tăng nổi tiếng miền Nam thời bấy giờ và được ban pháp danh Diệu Tánh. Lúc này, Ni trưởng mới tròn 13 tuổi. Sau khi Hòa thượng viên tịch, Ni trưởng về quê nhà lo phụng dưỡng mẫu thân. Năm 15 tuổi, Ni trưởng thọ Sa di ni giới tại chùa Khánh Quới với Hòa thượng Tâm Bờ - Phước Chí. Đến năm 20 tuổi, sau mùa an cư kiết hạ ở chùa Thiên Phước, Ni trưởng thọ tỳ kheo Ni, đồng thời y chỉ với Hòa thượng Pháp Tạng và được ban pháp danh Nhựt Trinh Phổ Tiết hiệu Liễu Tánh, nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41. Năm 24 tuổi, Ni trưởng được Hòa thượng cho ra Huế tu học tại Ni viện Diệu Đức. Sau đó, Ni trưởng về lại quê nhà lúc 27 tuổi, gặp cảnh chiến tranh loạn lạc nên Ni trưởng quyết định về lại quê hương Cai Lậy tìm đất cất Chùa, tiếp độ đệ tử tu tập. Biết tâm nguyện của con, Thân phụ của Ni trưởng phát tâm để lại mảnh đất với diện tích khoảng 1.000 m² cho Ni trưởng xây chùa nhằm có điều kiện hoằng dương chánh pháp tại quê nhà vào năm 1947.

Ban đầu, ngôi Chùa được cất khá đơn sơn với vật liệu chủ yếu là tre lá. Tuy vậy với uy đức của Ni trưởng có rất nhiều vị đến xin xuất gia tu học. Cho nên, nhân dân trong vùng còn gọi là Chùa Sư nữ.


Những năm đầu vừa mới thành lập, mặc dù hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn, nhưng Ni trưởng Liễu Tánh vẫn quyết tâm vừa tổ chức giảng dạy kinh luật vừa tự túc kinh tế bằng việc thêu may, bán trái cây và thức ăn chay để có kinh phí duy trì sinh hoạt cho Ni chúng có lúc lên đến hơn 50 người.

Năm 1956, Ni bộ Nam Việt được thành lập tại Sài Gòn, sau đó một đại hội của Ni giới Định Tường (Tiền Giang ngày nay) được tổ chức với sự tham dự của quí Sư bà Bảo An, Hải Huệ, Thanh Lương, Huyền Huệ,… tại Phật Bửu Ni Tự. Sư bà Liễu Tánh vừa đảm nhiệm Vụ phó Ni bộ Nam Việt vừa trở thành người đại diện cho Ni bộ tỉnh Định Tường thời bấy giờ.


Năm 1957, Ni trưởng Liễu Tánh lớp sơ đẳng Phật học dành cho Ni tại Chùa. Ngoài ra, tổ chức Gia đình Phật tử Chánh Giác ra đời, qui tụ Phật tử tại địa phương tham gia hoạt động khá hiệu quả, sôi động vào chủ nhật hằng tuần cũng như các dịp lễ, vía. Vì thế, trong thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước, Phật Bửu Ni Tự trở thành một trung tâm hoạt động của Ni giới Tiền Giang.

Cũng trong năm 1957, Ni trưởng Liễu Tánh đích thân tổ chức Trai đàn chẩn tế cầu siêu cho vong linh rất lớn, thu hút đông đảo nhân dân đến cầu nguyện. Với tấm lòng từ bi của người con Phật trước tình cảnh chiến tranh lan rộng, Ni trưởng Liễu Tánh đã mở ký nhi viện tại chùa để cưu mang, đùm bọc trẻ em bơ vơ, mất cha mẹ.

Dưới sự chứng minh của Hòa thượng Pháp Tạng, trụ trì chùa Phước Trường (nay thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang); Ni trưởng Liễu Tánh đã tổ chức Trung, Tiểu giới đàn Chí Thiền tại chùa Phật Bửu để trao truyền giới luật cho Ni chúng vào năm 1949. Đây là giới đàn Ni đầu tiên của tỉnh Tiền Giang. Tiếp đó, nhờ vào uy tín, đức độ của Hòa thượng, Ni trưởng tiếp tục khai mở Giới đàn vào năm 1958, năm 1960 do Ni trưởng làm Đàn đầu Hòa thượng truyền giới.

Trước năm 1975, nhiều vị Hòa thượng đã đến viếng thăm, giảng dạy giáo lý tại chùa như: Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Huyền Vi,…Đặc biệt, trong chuyến thăm Việt Nam năm 1960, Đại đức Narada từ Tích Lan đến viếng Chùa. Ngài trao tặng xá lợi Thánh tăng đến Hòa thượng Pháp Tạng và Ni trưởng Liễu Tánh. Đây là niềm vinh dự lớn cho Ni chúng Chùa Phật Bửu. Viên xá lợi này là một báu vật được Chùa gìn giữ đến ngày nay.


Mặc dù Ni trưởng Liễu Tánh bận nhiều Phật sự, nhất là cùng gánh vác trọng trách với quí Ni trưởng lãnh đạo Ni bộ Bắc tông, nhưng ngôi chùa Phật Bửu luôn được Ni trưởng dành sự quan tâm lớn. Để ổn định cho Ni chúng tu học lẫn thuận duyên hoằng pháp, Ni trưởng tiến hành trùng tu, sửa chữa Chùa vào năm 1953, 1961 với sự hỗ trợ, giúp sức của các đệ tử thân cận. Nhờ đó, ngôi Chùa Phật Bửu được kiên cố hóa bằng bê tông, khang trang và đẹp hơn lúc ban đầu. Hiện tại, tổng diện tích đất chùa gồm 875 m², phía trước là khoảnh sân rộng, trong sân có Ngôi bảo tháp cao 8m uy nghiêm. Tháp này thờ linh cốt của Ni trưởng Liễu Tánh. Chánh điện chùa Phật Bửu rộng 120 m², thoáng mát và rộng rãi. Nét đặc biệt trong bài trí tượng thờ chánh điện duy nhất một pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni.


Tại gian nhà hậu Tổ, Chùa đặt bàn thờ trên cao nhất Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (bằng tranh sơn dầu), phía dưới đặt hình ảnh ba vị Hòa thượng ân sư của Ni trưởng Liễu Tánh: Hòa thượng Huệ Đăng, Hòa thượng Chí Thiền, Hòa thượng Pháp Tạng, cuối cùng là ảnh của các vị danh Tăng Việt Nam thời hiện đại như: Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hoà, Hòa thượng Bửu Huệ, Hòa thượng Thiền Tâm, … Gian nhà khách ngày nay chính là giảng đường của lớp học cho Ni chúng trước năm 1975. Tại gian nhà nghỉ của Ni chúng, phía trên lầu thiết kế phương trượng của Ni trưởng Liễu Tánh để hàng đệ tử mỗi ngày hương khói thờ phụng, lưu giữ những kỷ vật liên quan của vị danh Ni khai sơn tạo dựng ngôi Phật Bửu Ni Tự. Về kỷ vật quí của Ni trưởng Liễu Tánh, hiện Chùa Phật Bửu còn trưng bày: 

1/Khung tranh thêu nổi chữ Hán: "Tổ Ấn Trùng Quang" thờ ở gian nhà Tổ, 
2/ Hai câu đối thêu nổi chữ Hán: "Nhất hoa hiển thoại châu sa giới. Ngũ diệp lưu phương biến đại thiên".

Là ngôi chùa Ni đầu tiên trên mảnh đất Tiền Giang, trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, Phật Bửu Ni Tự gắn liền với nhiều hoạt động nổi bật của Ni giới tỉnh nhà (giáo dục, từ thiện xã hội, giới đàn truyền thừa, sinh hoạt Phật tử, hoằng pháp,…) trước năm 1975.


Từ ngày thành lập đến nay, mạng mạch truyền thừa ngôi Phật Bửu Ni Tự được các thế hệ kế vãng khai lai, nhờ đó mà công đức của Ni trưởng sáng lập được lưu truyền, nhiều thế hệ tiếp tục giữ gìn, mở mang đạo nghiệp để xứng đáng là ngôi Tổ đình của Tông phong Phật Bửu.

Hỗ trợ quản lý ngôi Chùa Phật Bửu trong thời gian Ni trưởng Liễu Tánh bận việc Phật sự là ba vị đệ tử: Minh Thiền, Minh Hạnh, Minh Viên chia việc trông coi, gìn giữ. Đến năm 1975, khi lâm bệnh duyên, sức khỏe suy yếu, Ni trưởng Liễu Tánh ân cần phó chúc chu toàn mọi việc bổn tự cho hai đệ tử Minh Hạnh, Minh Viên.


Sau khi Ni trưởng Liễu Tánh viên tịch năm 1982, Ni trưởng Minh Hạnh (1927-2001) kế thế Trụ trì. NT. Minh Hạnh là người đóng góp công sức cho việc giữ gìn, trùng tu, mở rộng ngôi Chùa mà không hề than van khó nhọc. Ngoài việc chăm lo cho Ni chúng, Ni trưởng đích thân tham gia vào công tác nuôi trẻ mồ côi với lòng từ bi vô bờ bến. Trong giai đoạn khó khăn của đất nước, Ni trưởng Minh Hạnh tổ chức cho Ni chúng trong chùa tu tập theo đúng qui cũ thiền môn, tự túc lao động, tham gia các hoạt động do chính quyền đề xuất. Ni trưởng cùng với Ni trưởng Minh Thiền, Minh Viên luôn duy trì việc an cư kiết hạ cho Ni chúng tại chùa. Năm 1996, Chùa Phật Bửu là một trong hai điểm an cư cho trên 50 hành giả Ni trong Tỉnh. Năm 2001, Ni trưởng xả báo an tường tại ngôi chùa Phật Bửu, hạ lạp 40 năm.


Đến năm 2000, Ni trưởng Minh Viên kế nghiệp Trụ trì Phật Bửu Ni Tự.. Ni trưởng sinh năm 1936 và xuất gia tại Chùa Phật Bửu lúc 12 tuổi. Năm 1961, thọ giới Tỳ kheo Ni tại Tổ đình Từ Nghiêm. Trong thời gian tu học tại Sài Gòn, Ni trưởng Minh Viên đã tốt nghiệp khóa học tá viên điều dưỡng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (1962) để làm nền tảng phụng sự xã hội sau này. Ngoài ra, Ni trưởng với chí nguyện thượng cầu Phật đạo, nên bản thân đã tham gia học, rồi tốt nghiệp Trung đẳng Phật học tại Ni trường Dược Sư. Đến 1966, với chí nguyện dấn thân phụng sự đạo pháp, Ni trưởng tình nguyện tham gia khám chữa bệnh tại Chẩn y viện chùa Sắc Tứ Khải Đoan, đồng thời dạy học Trường tiểu học Bồ Đề. Do chiến tranh lan rộng, cuối năm 1968, Ni trưởng quay về Phật Bửu Ni Tự phụ giúp bổn sư giảng dạy các sư đệ, mở lớp học tình thương dạy chữ trẻ em nghèo địa phương. Sau ngày giải phóng đất nước, Ni trưởng tích cực tham gia vào công tác xã hội, tiến hành tu sửa chùa, quản chúng tu học, tổ chức an cư kiết hạ cho Ni chúng toàn tỉnh năm 1991 và 1996 tại chùa Phật Bửu.

Năm 2002, Ni trưởng được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong giáo phẩm Ni trưởng. Năm 2008, khi thành lập Phân ban Ni giới Tỉnh Tiền Giang, Ni trưởng được vinh dự suy cử vào ngôi vị chứng minh phân ban, trở thành bậc tôn túc của Ni giới Tiền Giang. Với đức độ và đạo hạnh, Ni trưởng Minh Viên được suy cử vào ngôi vị thiền chủ các hạ trường Ni của Tỉnh nhiều năm liền, vai trò Tam sư tại các đại giới đàn Ni.


Hiện tại, tiếp nối nhiệm vụ Trụ trì của Ni trưởng Minh Viên là Ni sư Thích Nữ Như Trang - Ủy viên Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tỉnh Tiền Giang, Ủy viên văn hóa Phân ban Ni giới tỉnh, Trưởng ban hướng dẫn Phật tử thị xã Cai Lậy.
Tại chùa, Ni sư tổ chức khóa tu bát quan trai mỗi tháng hai lần, khóa tu cho người khiếm thị địa phương, … Ngoài ra chùa còn thường xuyên tặng quà cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam. Đặc biệt, Chùa Phật Bửu còn là điểm tập trung bố tát cho 20, 30 vị Ni trên địa bàn Thị xã Cai Lậy từ nhiều năm nay.

Như vậy, cho đến ngày nay, chùa Phật Bửu đã qua bốn đời Trụ trì với bốn thế hệ. Sự truyền thừa này mang tính liên tục, không đứt đoạn, mặc dù có thời điểm Phật Bửu Ni Tự gặp nhiều khó khăn trong chiến tranh hoặc sau năm 1975. Các thế hệ nối truyền mạng mạch từ Sư bà Liễu Tánh rất ý thức việc giữ gìn truyền thống tu tập của người khai sơn, nghiêm trì giới luật và qui cũ thiền môn.

Dù bất cứ hoàn cảnh nào, chư Ni tại Phật Bửu Ni Tự quan tâm đến việc phụng sự đạo pháp và xã hội, góp phần hoằng dương chánh pháp trên mảnh đất Cai Lậy bằng nhiều hoạt động có ý nghĩa.

Hằng năm, Tông phong Phật Bửu họp mặt vào ngày 19 tháng hai âm lịch. Ngoài ra, chư vị còn qui tụ tại lễ giỗ Ni trưởng Liễu Tánh vào ngày 12 tháng 9 âm lịch. Có khoảng 50 vị là môn đồ, pháp quyến của Ni trưởng về chùa dâng hương tưởng niệm vị Ân sư khả kính của mình với niềm nhớ thương trong muôn một.


Người viết : Ban TTTT Phật Giáo Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét