28 tháng 7, 2022

Tịnh Xá Ngọc Đồng

Huyện Gò Công Tây: Lịch Sử Tịnh Xá Ngọc Đồng

TỊNH XÁ NGỌC ĐỒNG


Đến triều nhà Nguyễn, do những biến cố lịch sử Phật giáo Việt Nam không còn vững mạnh như các triều đại Lý - Trần, do đó dẫn đến sự ra đời của các Hệ phái Phật giáo khác nhau, nhất là ở vùng đất Nam Bộ.

Tại miền Nam, vào cuối thế kỷ XIX có các Giáo phái Phật giáo mới được thành lập và phát triển mạnh như:

  1. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huyên, Pháp danh Minh Huyên (1807- 1856), người làng Tòng Sơn, xã Cái Tàu Thượng (Sa Đéc) sáng lập năm 1849.
  2. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do ông Ngô Lợi (1830-1890) sáng lập năm 1869. Giáo phái này phát triển ở vùng Thất Sơn tỉnh An Giang.
  3. Phật giáo Hòa Hảo do đức Huỳnh Phú Sổ (1919-1947) ở làng Hòa Hảo, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là tỉnh An Giang) sáng lập năm 1939.
  4. Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy. Vào năm 1938 Hoà thượng Bửu Chơn và Hòa thượng Hộ Tông đã xây dựng chùa Bửu Quang (Gò Dưa, Sài Gòn). Chùa Kỳ Viên năm 1945 là một ngôi chùa Nam Tông đầu tiên được xây dựng ở miền Nam. Nhưng mãi cho đến ngày 18/12/1957 Giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam mới chính thức thành lập.
  5. Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam. Hệ phái Phật giáo Khất Sĩ ra đời do Tổ sư Minh Đăng Quang (1923- ?) khai lập, dựa trên tinh thần chấn hưng Phật giáo, bằng con đường: “Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Nhằm nâng cao trình độ nhận thức giáo lý của Tăng, Ni, và Phật tử trong sự tu tập lên tầm cao Giác Ngộ. Tổ sư hoằng hóa khắp vùng miền Đông, miền Nam Việt Nam; đi tới đâu Tổ sư cất Tịnh xá tới đó, lập đạo tràng, tiếp Tăng độ chúng, thuyết giảng Phật pháp độ cư gia hướng thiện tu hiền. Sau hơn 10 năm mở đạo, vào ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1954) Tổ sư vắng bóng. Tiếp nối truyền thống của Thầy Tổ; Hòa thượng Giác Chánh là đệ tử lớn của Tổ sư Minh Đăng Quang, được Tổ thọ ký trao truyền Y Bát, kế thừa làm Tổ vị thứ hai của Giáo phái Khất Sĩ. Nhị Tổ tiếp tục dẫn dắt Tăng đoàn đi hành đạo ra tận các tỉnh miền Trung duyên hải, rồi Nhị Tổ trở vào Nam.

Vào năm 1959, Nhị Tổ, cùng Tăng đoàn về tỉnh Định Tường - Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) và tỉnh Gò Công nay là (thị xã Gò Công) để hoằng hóa. Trên đường đi hoằng pháp, đức Nhị Tổ dừng chân ở quận Hòa Đồng (nay là huyện Gò Công Tây), đây là vùng đất hiền hòa, dân lành chất phát mộ đạo; nơi đây đức Nhị Tổ cùng đoàn du Tăng Khất sĩ gặp ba chị em ruột có đạo tâm là bà Võ Thị Năm, Võ Thị Sáu, Võ Thị Tám hiến cúng đất vào ngày 04 tháng 04 năm 1960 để xây dựng Tịnh xá cho Tăng đoàn có nơi dừng chân trên bước đường hóa độ nhân sinh hướng thiện tu hành. Ngôi tịnh xá Ngọc Đồng được hình thành từ đó.

Tịnh xá Ngọc Đồng buổi ban đầu được xây dựng dưới sự chứng minh của Nhị Tổ Giác Chánh và Tăng đoàn tiếp nhận. Phật tử, và nhân dân có đạo tâm, nô nức phấn khởi đóng góp những vật liệu nhẹ như tôn, nhôm, cây dầu… Và chỉ trong vòng 6 tháng đã hoàn thành vào ngày 22/9/1960.


Tịnh xá Ngọc Đồng từ khi thành lập đến nay đã trải qua các đời Trụ trì như sau: 1. HT.Thích Giác Trang, 2. HT.Thích Giác Giới, 3. HT.Thích Giác Minh, 4. HT.Thích Giác Nhiệm, 5. HT.Thích Giác Nghĩa, 6. HT.Thích Giác Luật, 7. HT.Thích Giác Thông.

Sau 20 năm Trụ trì, HT.Giác Thông chuyển về Trụ trì tịnh xá Ngọc Thạnh (tỉnh Tây Ninh) và viên tịch năm 2014. Giáo Đoàn 1, Hệ phái Khất sĩ đã đề cử Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang bổ nhiệm TT.Thích Giác Tây trụ trì từ năm 1996 tới nay.

Trải qua các đời trụ trì, ngôi tịnh xá Ngọc Đồng đều có sửa chữa trùng tu nhỏ, mãi đến năm 1996, TT.Thích Giác Tây khởi công đại trùng tu, xây mới lại toàn diện bằng xi măng cốt sắt, kiên cố khang trang như ngày nay.


Tịnh xá Ngọc Đồng hiện tọa lạc tại số 274/1 trên đường Trần Quốc Toản, Khu phố 2, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Tịnh xá có diện tích là 1.115 m². Trong đó xây dựng các công trình cơ sở thờ tự là 860 m². Gồm một ngôi Chánh điện hình bát giác gồm 8 mái (4 mái lớn và 4 mái nhỏ) lợp ngói. Đỉnh nóc là cổ lầu; trên đỉnh cổ lầu trang trí hoa sen lớn, trong lòng sen có cây đuốc lửa cháy cao ngọn, tượng trưng cho ánh sáng Phật pháp tỏa sáng thế gian, soi sáng nhân sinh, thức tỉnh mê chấp mà quay về tu tập tâm linh Giác ngộ. Như sen ở trong bùn mà vẫn tỏa hương thơm ngát.


Sau Chánh điện là nhà thờ Cửu Huyền Thất Tổ gồm một tầng trệt, một tầng lầu. Hai bên tả hữu của ngôi chánh điện là Giảng đường, Nhà khách và Tăng phòng, trước Chánh điện là hòn non bộ và vườn hoa kiểng, bên hông cận Chánh điện là thư viện có 3 tủ kinh, sách đủ loại để Phật tử nghiên cứu tụng đọc. Trước thư viện là nhà trù có cây ăn trái như mận, xoài… bóng mát quanh năm. Tịnh xá có 10 vị Tăng, Ni xuất gia tu học, và hiện nay thuyên chuyển đi Trụ trì và hành đạo tại các tịnh xá trong và ngoài tỉnh như: thị xã Gò Công, Long An, Vũng Tàu, Đồng tháp. Phật tử đã quy y Tam Bảo tại Tịnh xá trên 400 vị. Hàng đêm Phật tử đều có về Tịnh xá tụng kinh. Vào ngày 15 và 30 âm lịch mỗi tháng, Phật tử đến tu học gồm: Cúng hội, Sám hối, tu Bát Quan Trai, nghe Thuyết giảng kinh pháp, …

Tịnh xá Ngọc Đồng qua hơn 54 năm thành lập, trải qua các đời chư Tôn đức trụ trì luôn giữ gìn và phát triển không xa rời bản sắc truyền thống của Hệ phái mà Tổ sư Minh Đăng Quang khai lập từ thuở ban sơ, góp phần trang nghiêm Giáo hội và mang lại an lạc cho nhân sinh.


Một số hình ảnh tư liệu:















Người viết: Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét