CHÙA LINH SƠN
Ấp 7 (Giồng Tháp), xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang
Sư tổ Tâm Chánh – Ý Thành (Thiền), là người gốc Cần Giuộc (Long An) về đây cất thảo am tu tập, Trụ trì hành đạo từ năm 1864 đến năm 1930 thì viên tịch. Để tiếp nối Tổ nghiệp, năm 1930 Hòa thượng Trừng Tố - Xuân Thanh, hiệu Hoằng Khai, thế danh Lê Văn Sửu (Tự Sạn), đảm nhiệm Trụ trì đến năm 1961 thì Hòa thượng viên tịch.
Hòa thượng Tâm Trí – Niệm Thành, hiệu Thiện Tín, thế danh Lê Minh Trí được thỉnh làm trụ trì năm 1961 đến năm 1977.
Sau khi Hòa thượng Niệm Thành viên tịch, Hòa thượng Thích Nguyên Thạnh thay mặt Giáo hội, tấn phong Thượng tọa Nguyên Minh – hiệu Chánh Tâm, thế danh Lê Minh Quang làm trụ trì năm 1977. Đến năm 1992, Thượng tọa vì phải đi tham dự khóa đào tạo Giảng sư 3 năm do Trung ương Giáo hội tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó về nhận Trụ trì chùa Từ Phong (huyện Chợ Gạo); nên đã giao Chùa lại cho sư đệ là Thượng tọa Nguyên Hoàng – hiệu Như Trang, thế danh Lê Minh Hoàng trông coi.
Đến năm 2006 Thượng tọa Thích Như Trang về nhận chùa Dư Khánh (thị xã Gò Công) để trụ trì và hành đạo, nên chùa Linh Sơn được chư Tôn đức trong Tông phong sắp xếp Đại đức Quảng Dũng – hiệu Phổ Tuệ thế danh Lê Duy Dũng trụ trì từ năm 2006 cho đến năm 2013 thì về tu tập tại thành phố Mỹ Tho.
Từ năm 2013 đến nay chùa Linh Sơn do Đại đức Thích Huệ Lý thế danh Lê Điền Sử trụ trì, chăm lo hương khói và hướng dẫn Phật tử tu tập.
“Công ai đổ xuống đất này,
Cho cây trí tuệ ngày càng thêm hoa.”
Hiện tại chùa được xây dựng bằng bê tông cốt sắt, mái đúc lợp ngói, các diềm mái, đầu đao có trang trí hoa văn rồng, vách tường, nền lát gạch men hiện tại, cửa gỗ. Mặt đứng tiền sảnh có cổ lầu, tầng trên thờ ba pho Tây phương Tam Thánh.
Ngôi Chánh điện thời Tôn tượng Phật Thích Ca, hai bên là Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí; bệ dưới phía trước là ba pho Tây phương Tam Thánh, chư vị Phật Dược Sư, và các pho Ngũ phương Đồng Tử. Phía trước sân Chùa là Quan Âm Các, Cổng Tam Quan và vườn Tháp Tổ.
Ngôi Tổ đường được nối với Chánh điện là khoảng không gian rộng, được bố trí thờ Tôn tượng Bồ tát Chuẩn Đề lớn, với bốn gốc là tượng các ngài Hộ Pháp, Tiêu Diện, Nam Tào, Bắc Đẩu. Hai bên tả hữu là Tôn tượng Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền. Phía trên tường là tranh mây nổi và ảnh chư thiên tung hoa cúng dường.
Tổ đường thờ Phù điêu Tổ Đạt Ma được đắp nổi, ảnh và long vị chư Hòa thượng trụ trì tiền nhiệm. Xung quanh tường phía trên cao được tôn trí 18 tượng La Hán bằng tranh vẽ.
Nói đến chùa Linh Sơn, rất nhiều chư Tăng Ni đều nghĩ ngay đến chiếc nôi của Nghi lễ Phật giáo nói chung và Phật giáo Tiền Giang nói riêng. Chư Tôn đức nơi đây luôn không ngừng nghiên cứu, đào tạo và phát huy pháp thiết lập Trai đàn Chẩn Tế (Siêu Hồn Tục) để phương tiện hóa độ chúng sanh.
Nghi lễ Phật giáo, có nghĩa là hòa quyện hình thức nghi lễ giữa đạo và đời. "Lễ" là sự thể hiện cho cái "nghĩa" sống của con người, song để thể hiện cái "Lễ" ấy thì cần phải dựa vào "Nghi thức" để thực hiện cho phải lẽ.
Theo giáo lý nhà Phật, Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, sự từ bi này không chỉ đối với người sống, mà còn với người chết, không chỉ từ bi với con người mà còn từ bi với các loài chúng sinh không phải con người, từ bi bình đẳng đến cả các vong linh khổ não, các oan hồn uổng tử vất vưởng, không nơi nương tựa, lang thang khắp mọi nơi, mọi cõi. Chính vì lòng từ bi đó mà người ta lập ra Trai đàn để cầu cho các vong hồn được siêu thoát, hoá giải mọi tai ương hận thù để cuộc sống được ấm no, yên ổn. Ý nghĩa căn bản của cầu siêu và trai đàn chẩn tế phổ độ là để biểu tỏ tấm lòng chân tình thương mến người thân quá vãng, thương xót đồng bào tử nạn, thương xót những cô hồn đói lạnh và nhất là để an tâm cho người còn sống.
Ngoài ra, chư Tăng chùa Linh Sơn còn luôn muốn đem ánh sáng Phật pháp đến với mọi người, mở khóa tu Niệm Phật mỗi tháng hai kỳ vào ngày 14 và 30 âm lịch để Phật tử câu hội tu học và sám hối theo lời Phật dạy, thúc liễm thân tâm, tấn tu đạo nghiệp.
Một số ảnh tư liệu:
“LINH thiêng một cõi trời Nam,
SƠN trung đất mẹ Gò Công anh hùng.
CHÙA xưa qua cảnh bão bùng,
CỔ kim hát khúc tương phùng Pháp âm.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét