10 tháng 8, 2022

Chùa Vạn Đức với chùa Vạn Linh

 Khi đã nói đến chùa Vạn Linh ắt phải nhắc tới chùa Vạn Đức. Hai ngôi chùa này - một ở trên núi Cấm thuộc huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang, một ở quận Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh - có mối liên quan mật thiết với nhau. Có thể nói, nếu không có chùa Vạn Linh thì sẽ không có chùa Vạn Đức, và ngược lại, nếu không có chùa Vạn Đức sẽ không có chùa Vạn Linh như ngày hôm nay.


Chùa Vạn Đức 2018. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Chuyện kể rằng Hòa thượng Thích Thiện Quang khai sơn chùa Vạn Linh trên núi Cấm từ năm 1927. Tại nơi đây, Ngài thu nhận một đệ tử xuất gia tu tập vào năm 1937, người sau này là Hòa thượng Thích Trí Tịnh. Năm 1946, do tình hình chiến tranh, chính quyền (Pháp) không cho người dân ở trên núi Cấm nữa nên hòa thượng trụ trì chùa Vạn Linh phải xuống núi, đến tu tập tại chùa Linh Bửu, Sài Gòn và sau đó viên tịch tại đây năm 1953. Một vị đệ tử tại gia của hòa thượng là cô Ba Hộ (Thế tục Nguyễn Thị Tánh – Pháp danh Diệu Tuyết) xin đưa về an táng trên phần đất thổ mộ của gia đình.

Tại thời điểm hòa thượng Thích Thiện Quang viên tịch thì đại đệ tử của ngài là Thích Trí Tịnh đang nhập thất ở chùa Linh Sơn, Vũng Tàu. Đến lễ chung thất của hòa thượng Thiện Quang vào đầu năm 1954 thì hòa thượng Trí Tịnh về dự lễ và viếng mộ tôn sư.

Nhân dịp này, cô Ba Hộ đã phát tâm cúng dường toàn bộ đất và ngôi nhà lớn cho Hoà thượng Trí Tịnh. Ngôi nhà nầy nguyên là của ông Nguyễn Văn Do, chú ruột thứ sáu của cô Ba Hộ. Sau khi ông Sáu Do mất, không người thừa kế, cô Ba là cháu ruột nên được đứng chủ quyền.

Chùa Vạn Đức 2018. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Ngôi nhà và lô đất chính là chùa Vạn Đức bây giờ, tọa lạc tại số 502 đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, quận Thủ Đức. Từ một ngôi nhà ban đầu, được cải gia vi tự (biến nhà thành chùa) một cách đơn sơ, chùa đã qua nhiều lần trùng tu, trong đó 2 đợt đại trùng tu là năm 1964 và 2004.

Chùa Vạn Đức 2018. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Trong khi đó, trên núi Cấm, chùa Vạn Linh trải qua nhiều thăng trầm. Đổ nát hoàn toàn vào cuối thập niên 1940, trùng tu năm 1958 rồi lại đổ nát do chiến tranh năm 1972. Suốt hơn 20 năm, một Phật tử của chùa Vạn Linh ngày xưa (ông Lâm Cáo Kia, thường gọi là Ông Hai) cất tạm một ngôi chùa mái lá để giữ chùa và tu hành. Người dân gọi đây là chùa Lá.

Ông Hai đã nhiều lần liên hệ với chính quyền để xin phép xây chùa, nhưng phần vì tuổi cao, không quen thủ tục đơn từ, phần vì chỉ là cư sĩ chớ không phải tu sĩ nên không được chấp thuận. Mãi đến năm 1994, ông Hai mới thỉnh cầu Hòa thượng trụ trì chùa Vạn Đức lo giúp việc này. Hòa thượng đã chủ trì việc xin phép và xây cất lại ngôi chùa Vạn Linh. Công việc đại trùng tu chùa Vạn Linh bắt đầu từ 1995, đến 2003 mới hoàn thành, an vị tượng Phật và sau đó còn nhiều lần trùng tu nữa.

Chùa Vạn Đức 2018. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Hòa thượng Thích Trí Tịnh viên tịch năm 2014. Trong một thời gian, Ngài đồng thời là trụ trì cả 2 ngôi chùa Vạn Linh và Vạn Đức.

Ngày nay hai ngôi chùa Vạn Linh và Vạn Đức - một ở trên núi và một ở đồng bằng - đều là những ngôi chùa nổi tiếng, có kiến trúc độc đáo, thu hút khách hành hương và du lịch.

Tôn tượng Hòa thượng Thích Trí Tịnh tại chùa Vạn Đức. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Phạm Hoài Nhân
(Thông tin trong bài viết chủ yếu ghi theo Kỷ yếu Trùng tu chùa Vạn Đức & Vạn Linh, năm 2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét