18 tháng 8, 2022

Linh Thông cổ tự

Linh Thông cổ tự

Chùa Nôm hay còn gọi là Linh Thông cổ tự, nằm ở làng Nôm xã Đại Đồng huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Ngôi chùa được xây dựng lại vào thời hậu Lê với những nét kiến trúc cổ kính, là nơi lưu giữ nhiều pho tượng cổ vào loại bậc nhất vùng Đồng bằng Bắc bộ. Xung quanh ngôi chùa cổ này còn nhiều câu chuyện huyền tích linh thiêng thu hút đông đảo du khách tới thăm. 

Theo chú thích ở trên bia tại chùa, từ thời Hậu Lê, năm Canh Thân (1680), đời Chính Hòa, nhà vua cho xây dựng lại chùa. Trước đó, người ta cũng không biết ngôi chùa này xây dựng chính xác từ năm nào. Đến thời Cảnh Thịnh thứ 4 (cuối TK 18) chùa lại xây dựng thêm gác chuông và mở ra hai dãy hành lang. Đến thời Nguyễn, chùa Nôm lại tiếp tục được tu sửa. Trải qua thăng trầm và biến cố của lịch sử, tàn phá của thiên nhiên, chùa vẫn tồn tại và mang trong mình một tâm thế độc đáo riêng. 

Theo các cụ cao niên ở trong làng, Linh thông cổ tự còn gắn liền về một truyền thuyết xa xưa từ thời Hai Bà Trưng. Các cụ trong làng cho rằng, xưa kia có một sư thầy đang ngủ ở chùa Dâu, giữa đêm bỗng nhiên thức giấc. Khi tỉnh dậy, sư thầy nhìn thấy một ánh hào quang phát ra từ phía Nam. Biết đây là điểm báo nên sư thầy liền bám theo ánh hào quang dẫn ra rừng thông, rồi nó lan tỏa thành một quầng sáng. Nghĩ rằng trời Phật ban phước lành, nên sư thầy đã cho dựng một ngôi chùa tại đây và lấy tên là Linh thông cổ tự. 

Chùa Nôm thuộc quần thể di tích làng Nôm, thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, là ngôi đại tự có tiếng của Bắc bộ còn lưu giữ được nhiều nét xưa.


Qua cổng tam quan là giếng vuông lớn ở giữa, 2 bên là lầu chuông, lầu trống.

Bước chân vào bên trong, một không gian yên tĩnh, ngát hương hoa thanh tịnh, dáng vẻ uy nghi, trầm mặc lạ thường.

Cảnh chùa thanh tịnh, yên bình khiến nhiều du khách phương xa tìm về thắp hương, vãn cảnh.

Vết thời gian in dấu trên những cánh cổng của ngôi chùa.

Đến với chùa Nôm, có lẽ ấn tượng hơn cả vẫn là hệ thống tượng cổ làm bằng đất.

Những ngôi mộ tháp bằng đá ong ở chùa Nôm.

Họa tiết trang trí tinh tế, tài hoa và tâm huyết của các nghệ nhân dân gian được thể hiện tại chùa Nôm.

Những hoa văn cổ trên ô cửa sổ bằng gỗ được chạm khắc rất cầu kỳ và tinh xảo.

Ngôi chùa cổ giữ nguyên những nét rêu phong, cổ kính, được Phật tử khắp nơi về chiêm bái.

Lầu Quan Âm lộng lẫy nguy nga như một đài sen in bóng xuống mặt hồ.
Không gian như rộng mở, vẻ đẹp của kiến trúc như hòa quyện với vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời.

Dù ở bất cứ không gian, thời gian và góc hình nào, vẻ đẹp của chùa Nôm cũng giống như một một bức tranh thủy mặc.

Ngày nay, giữa ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống hiện đại, rất nhiều người vẫn luôn tìm đến chùa Nôm để vãn cảnh và tìm kiếm sự bình yên.

Vãn cảnh chùa Nôm, thỉnh tâm niệm Phật, để khi quay trở ra, bụi trần như được gột rửa, lòng người thanh tịnh, nhẹ nhàng hơn.

Cảnh chùa thanh tịnh, yên bình khiến nhiều du khách phương xa tìm về thắp hương, vãn cảnh. 

Chùa Nôm có khuôn viên rộng 15 ha, bố cục kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” (mặt bằng bên trong chùa có dạng chữ công (工), còn phía ngoài có khung bao quanh giống chữ khẩu, hay chữ quốc (国) trong tiếng Hán). Đi qua cổng Tam Quan là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng hai bên. Cạnh lầu chuông là một hồ nước trong xanh như mở ra một không gian tĩnh mịch cho ngôi chùa. Để phá vỡ không gian tĩnh mịch ấy, hàng ngày ở lầu chuông, tiếng chuông chùa vẫn được thỉnh lên, nó tựa như một thanh âm trong trẻo kéo dài để xua đi cái buồn, cái điềm tĩnh, gợi sự yên bình cho ngôi chùa.

Ngoài phong cảnh cổ kính, trầm mặc và uy nghiêm, chùa Nôm còn lưu giữ những hiện vật giá trị, đó là những pho tượng cổ có niên đại hàng trăm năm. Mặc dù mảnh đất này phải thường xuyên gánh chịu những trận bão lụt, tuy nhiên các pho tượng cổ vẫn được chùa lưu giữ nguyên vẹn. Các pho tượng vẫn giữ được những đường nét sơn son thếp vàng, đây là điều mà đến nay nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử cũng như kiến trúc của các ngôi chùa Việt chưa lý giải được.

Chùa Nôm hiện có trên 100 pho tượng cổ bằng đất sét. Hiện chưa có thông tin chính xác về niên đại và quá trình tạo tạc những pho tượng này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, các bức tượng được tạc vào thời Lý - Trần (thế kỷ XI-XIII).

Các pho tượng ở chùa đa phần đều được dùng bằng đất sét nung, chế tác rất tinh xảo. Mỗi một pho tượng lại thể hiện sinh động các tư thế, trạng thái khác nhau. Theo tìm hiểu của phóng viên, để tạo ra một bức tượng đẹp, các nghệ nhân phải hòa lẫn các chất liệu đất sét, mật, vôi và giấy bản giã thật kỹ và nhuyễn. Tiếp theo, các nghệ nhân mới bắt đầu nặn thành khối, tạo hình cho mỗi bức tượng. Tất cả các khâu đều được làm một cách rất tỉ mỉ, trau chuốt. Trong dòng chảy của nền văn hóa lịch sử của nước nhà, những pho tượng cổ của chùa Nôm ít nhiều đã minh chứng cho một thời đại phát triển, nhất là nghệ thuật tạo dựng gốm sứ và đất nung.

Ngoài những pho tượng cổ quý giá, trong khuôn viên chùa Nôm còn có một khu mộ tháp cổ được xây dựng bằng những phiến đá ong cổ. Đó là những tháp cổ đẹp và nguyên vẹn. Những thanh đá ong được mài nhẵn, vuông vắn, có kích thước giống nhau, xếp chồng lên nhau tạo thành ngôi bảo tháp ba tầng. Đến nay, những tòa tháp cổ vẫn đứng vững tọa lạc yên bình như thách thức với thời gian.

Chùa Nôm từ lâu đã trở thành nhân chứng lịch sử, gắn bó với người dân nơi đây cả trong thời chiến cũng như thời bình. Sự linh thiêng của chùa luôn thấm đẫm vào từng viên ngói, từng thớ gỗ, từng pho tượng… Cùng với sự phát triển và hội nhập của nền văn hóa đương đại, chùa Nôm cũng như rất nhiều các ngôi chùa khác ở làng quê Việt Nam đã và đang được bảo tồn, góp phần thúc đẩy đời sống tinh thần của người dân, đồng thời tạo đà cho nền văn hóa Việt Nam phát triển.

Thực hiện: Công Đạt
Chùa Nôm - Ngôi chùa mang vẻ đẹp trường tồn với thời gian

Chùa Nôm là một trong những ngôi chùa cổ có quy mô lớn của đồng bằng Bắc bộ hiện còn bảo tồn nguyên vẹn được những kiến trúc xưa.

Cách Hà Nội khoảng 30 km về phía đông, chùa Nôm thuộc địa phận làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Trụ trì hiện tại là Thượng tọa Thích Đồng Huệ. Tam quan chùa Nôm nằm dưới những bóng cây cổ thụ tạo nên vẻ trầm mặc, thanh bình
 
Bước qua tam quan là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng hai bên. Cạnh lầu chuông là một hồ nước trong xanh như mở ra thêm không gian tĩnh mịch cho ngôi chùa

Ngoài hồ nước nằm bên cạnh lầu chuông, chùa Nôm còn có một hồ nước nữa. Lầu Quan Âm của ngôi chùa nằm ở giữa hồ nước này như một đài sen nguy nga, lộng lẫy. Dẫn vào lầu Quan Âm là một cây cầu đá hình cánh cung mô phỏng cây cầu Nôm cổ, phía trước cầu là hai tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng tạo thành một cụm kiến trúc thống nhất làm mãn nhãn người xem.

Chùa Nôm còn có tên gọi khác là "Linh Thông cổ tự". Hiện vẫn chưa xác định được niên đại đầu tiên khi xây chùa mà chỉ được biết rằng chùa được xây dựng từ hàng trăm năm trước

Hai tấm bia lớn đặt sau hậu cung ghi lại những tư liệu quý từ thời Hậu Lê, đời Chính Hòa, năm Canh Thân (1680) sau khi lên ngôi, nhà vua đã cho xây dựng lại chùa

Tới năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796), chùa được xây thêm gác chuông và mở rộng hai dãy hành lang.

Nơi đây lưu giữ 122 pho tượng đất cổ. Các pho tượng được tạc ở nhiều trạng thái, tư thế và chủ đề khác nhau

Điều đáng ngạc nhiên không phải là số lượng các pho tượng đất mà là độ bền vững không tưởng của chúng

Trải qua nhiều trận lụt lịch sử, các pho tượng vẫn còn nguyên vẹn và hiện chúng vẫn là một ẩn số mà các nhà khoa học chưa giải thích được


Ngoài chùa Nôm, ta còn có thể khám phá Làng Nôm với một quần thể kiến trúc cổ thuần Việt cần được gìn giữ bảo tồn với: Cổng làng, Đình làng, chùa Nôm, chợ Nôm, những con đường gạch cổ…

Làng có một không gian cảnh quan tuyệt vời nằm ở trung tâm – ở giữa là mặt nước, hình thành một trục dẫn hướng từ cổng làng tới thẳng đình làng Nôm. Dọc hai bên ao là một số ngôi nhà thờ họ và nhà ở kiểu cổ, xen lẫn một số nhà đã có cải tiến và xây mới nhưng vẫn nằm trong không gian xanh và không xây cao nên không phá vỡ cảnh quan. Cả làng còn hơn chục nhà cổ và 7 nhà thờ của các họ.

Đình làng Nôm là một ngôi đình còn khá nguyên vẹn sau bao biến cố lịch sử. Đình làng Nôm hướng quay mặt ra ao làng, được xây dựng theo hình chữ tam, phía trước gồm năm gian đại bái, tiếp đó là ba gian chính đường, hai bên có tả vu hữu vu được làm thông nhau không phân gian, cuối cùng là phần hậu cung (cung cấm), trong cung có bài vị của Ngài, nơi đây chỉ mở cửa vào dịp đại lễ

Cầu đá làng Nôm như một biểu tượng của người dân làng Nôm. Gần như các câu ca dao tục ngữ về làng nôm xưa đều được thông qua biểu tượng chính là cây cầu này. Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo, chiếc cầu đá cổ hơn 200 năm này  được các nhà nghiên cứu di sản đánh giá là một công trình độc đáo còn nguyên vẹn chưa từng thấy ở bất cứ làng cổ nào của đồng bằng sông Hồng

Lê Anh
Tượng đất cổ chùa Nôm

Trải qua hơn 1000 năm lịch sử, Chùa Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) vẫn còn lưu giữ khoảng gần 100 pho tượng cổ làm bằng đất có giá trị tâm linh và thẩm mỹ cao. 

Nằm cách Hà Nội khoảng hơn 30 km, mất chừng hơn 40 phút chạy xe, du khách sẽ tới được chùa Nôm. Chùa Nôm còn có tên gọi khác là "Linh Thông cổ tự" bởi xưa ngôi chùa được dựng trong một khu rừng thông.

Chùa Nôm nằm tại xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Khuôn viên chùa Nôm nhìn từ lầu trống phía trái ngôi cổ tự.

Chính điện chùa Nôm còn giữ được nguyên vẹn lối kiến trúc của những ngôi chùa vùng Bắc bộ.

Hiện tại ở chùa Nôm có gần 100 bức tượng làm bằng đất; đây là ngôi chùa có số lượng tượng thờ bằng đất lớn nhất ở Việt Nam.

Theo các nhà nghiên cứu, nguyên liệu dùng để nặn tượng là một loại hỗn hợp đặc biệt gồm đất sét lọc sạch trộn với vôi tôi, mật mía, giấy bản nghiền nhỏ.... 

Qua cánh cổng lớn với lầu chiêng, lầu trống uy nghi bề thế là đến chính điện, hiện là nơi lưu giữ gần 100 pho tượng thờ cổ làm bằng đất. Các bức tượng thờ lớn, nhỏ bao gồm: tượng Bát bộ Kim Cương, Tứ đại Bồ tát, Thập bát La Hán, Tam Thánh .... Hiện tại chùa Nôm đang là ngôi chùa có số lượng tượng cổ bằng đất nhiều nhất Việt Nam.

Theo tài liệu các nhà nghiên cứu thì những bức tượng này được tạo ra ở thời Lý – Trần, cách khoảng ngàn năm. Thượng tọa Thích Đồng Huệ, trụ trì chùa Nôm cho biết, những bức tượng đất này đã từng phải chịu nhiều tác động của thiên nhiên, thiên tai trong quá khứ. Những trận lụt lịch sử vào năm 1971, 1986 và gần nhất vào năm 2000 đã nhấn chìm những bức tượng bằng đất này dưới nước nhiều ngày. Điều kì lạ là tuy bị ngâm lâu ngày trong nước nhưng các bức tượng bằng đất ấy vẫn không hề bị hư hại.

Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ số tượng đất này không bị hỏng khi ngâm nước là do ngày xưa các nghệ nhân tài hoa đã sử dụng một loại nguyên liệu đất đặc biệt để nặn tượng. Đó là loại đất sét đã được lọc sạch tạp chất, sau đó trộn với vôi tôi, mật mía, giấy bản đã nghiền nhỏ để tạo nên một loại hỗn hợp đặc biệt. Sau khi hoàn tất việc tạo hình tượng, người xưa còn phủ ở phía ngoài bằng một lớp sơn ta để bảo vệ.

Cũng theo Thượng tọa Thích Đồng Huệ cho biết, vào năm 1997 người dân nơi đây đã sơn lại gần 100 pho tượng đất trong chùa, nhưng nước sơn ta hiện tại so với trước không bằng. Sắp tới chùa sẽ mời các nhà khoa học giúp phục chế lại nước sơn ban đầu nhằm giữ gìn giá trị thẩm mỹ vốn có của những pho tượng độc đáo này.

Bức tượng Hộ pháp bằng đất với thần thái sinh động đặt tại chính điện chùa Nôm.

Dọc hai bên hành lang sau chính điện chùa Nôm là nơi đặt gần 100 bức tượng thờ bằng đất.

Hai bức tượng Bồ tát làm bằng đất phủ sơn ta ở chùa Nôm.

Những bức tượng Bát bộ kim cương ở chùa Nôm.

Những bức tượng Thập bát La Hán sinh động được thờ tại chùa Nôm.

Một trong hai bức tượng đất đắp nổi tại hai bên hồi chùa Nôm.

Một trong 4 bức tượng Tứ đại Bồ tát trong chùa.

Một trong 8 bức tượng Bát bộ Kim Cương làm bằng đất tại chùa Nôm. 

Bài & ảnh: Việt Cường
Ngắm ngôi chùa cổ có vẻ đẹp bất tử với thời gian

Ngôi chùa mang trong mình những nét đẹp cổ kính, linh thiêng và dường như bất tử với thời gian khiến ai tới thăm cũng ngỡ như mình đang trở lại không gian của vài trăm năm về trước.

Chùa Nôm nằm cách không xa làng Nôm (huyện Văn Lâm, Hưng Yên), chỉ cần bước chân qua 9 nhịp cầu rồng làm bằng đá xanh với tuổi đời hơn 200 năm bắc qua sông Nguyệt Đức là ngôi chùa với vẻ đẹp cổ kính và linh thiêng đã hiện ra trước mắt. 

Chùa Nôm nằm dưới những bóng cây cổ thụ lớn quanh năm tỏa bóng mát, tạo nên vẻ trầm mặc và thanh bình. Bước qua tam quan là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng hai bên. Chiều chiều tiếng chuông chùa vang lên một âm thanh lan tỏa sự thanh bình. 

Lầu Quan Âm của ngôi chùa nằm ở giữa hồ nước này như một đài sen nguy nga, lộng lẫy. Dẫn vào lầu Quan Âm là một cây cầu đá hình cánh cung mô phỏng cây cầu Nôm cổ. 

Phía trước cầu là hai tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng tạo thành một cụm kiến trúc thống nhất làm mãn nhãn người xem. 

Cánh cổng với những hoa văn hoạ tiết tinh xảo khiến du khách ngỡ ngàng khi được chứng kiến. 

Khu vườn mộ tháp bằng đá ong nằm sát cạnh chùa, dù trải qua hàng trăm năm với biết bao thăng trầm của lịch sử, những tòa tháp đá vẫn đứng sừng sững như thách thức với thời gian. 

Mái chùa cong vút nổi bật trên nền trời xanh, mang lại cảm giác uy nghiêm. 

Điều đặc biệt nhất của chùa Nôm là chùa còn lưu được hơn 100 pho tượng Phật bằng đất sơn son thiếp vàng tuyệt đẹp có tuổi hàng trăm năm. 

Theo các cụ cao niên trong làng, dù trải qua nhiều trận lụt lịch sử, dù nước dâng cao tới tận nóc chùa thế nhưng các pho tượng Phật bằng đất bị ngâm nước lâu ngày vẫn không hề bị mục nát, sừng sững hiên ngang như thách thức sự hà khắc của thiên nhiên. 

Mang trong mình vẻ cổ kính, uy nghi nhưng cũng vô cùng thơ mộng như vậy nên ngày nay chùa Nôm thu hút rất nhiều thu khách thập phương về đây tham quan và vãn cảnh chùa. 

Về thăm làng Nôm, chùa Nôm thì cũng không thể bỏ qua cụm quần thể di tích đình làng Nôm với đình, sân đình, cây đa, giếng nước... những dấu tích cổ đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc bộ. 

Tương truyền ngôi đình thờ Đức Thánh Tam Giang, là tướng dưới thời Hai Bà Trưng, có công đánh giặc cứu dân, cứu nước và hiển linh giúp Lê Đại Hành đánh thắng quân Tống, được vua sắc phong là “Hộ Quốc Phúc Thần”. 

Trước sân đình là cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, toả bóng mát cho cả một khoảng sân rộng lớn, gần đó có giếng làng được xếp bằng những vỉa đá đã phủ rêu xanh. 

Với không gian cổ kính và bình yên, cụm di tích chùa, đình làng Nôm vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa cổ xưa, những hoài niệm dân dã mà giờ đây rất ít nơi còn có được.

Việt Linh
Ngôi chùa có nhiều tượng đất cổ nhất Việt Nam

Trải qua nhiều trận lụt trong lịch sử, những bức tượng đất cổ ở chùa Nôm, tỉnh Hưng Yên vẫn còn nguyên vẹn và giữ được tất cả lớp sơn son thiếp vàng.

Cách Hà Nội 30 km về hướng đông, chùa Nôm thuộc quần thể di tích làng Nôm, thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, là ngôi đại tự có tiếng của phố Hiến còn lưu giữ được nhiều nét cổ. 

Chùa Nôm nhìn từ gác chuông cổng Tam quan. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn. 

Theo truyền thuyết xưa, chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ, có lẽ vì vậy mà chùa còn có tên gọi khác là Linh thông cổ tự. Không còn ai nhớ chính xác sự ra đời của ngôi chùa, chỉ biết rằng trên hai tấm bia lớn còn lưu lại tại đây thì chùa đã được xây dựng lại vào năm 1680 và được trùng tu nhiều lần sau đó.

Ngay từ khi bước vào cổng làng Nôm, du khách sẽ ấn tượng với cảnh quan cổ xưa với những nếp nhà xưa cũ, mái đình rêu phong, giếng nước, cây đa… Theo phong tục của làng, mỗi khi khách lạ tới chơi thường ghé qua đình Tam Giang thắp nén hương trầm để cầu may mắn. Sau đó bước qua 9 nhịp cầu trên phiến đá xanh hơn 200 năm tuổi bắc qua sông Nguyệt Đức, để đến ngôi chùa cổ linh thiêng. Tham quan chùa Nôm, du khách không khỏi ngỡ ngàng với không gian xanh, yên bình và thả hồn mình chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ bí của những pho tượng cổ linh thiêng. 

Cây cầu đá rêu phong nổi tiếng ở làng Nôm. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn. 

Thuộc thiền phái Lâm Tế, chùa Nôm sở hữu 122 pho tượng phật lớn nhỏ làm bằng đất, nằm rải rác khắp nơi với những kích cỡ lớn nhỏ khác nhau, mô tả con đường trưởng thành của đức Phật. Các bức tượng ở đây được khắc họa với những cử chỉ, nét biểu cảm trên khuôn mặt vô cùng sinh động, bao gồm Tam Thánh, Tam Thế, A Di Đà, Bát bộ Kim cương, Thập bát La hán... Có những pho tượng cao trên 3m nhưng đôi khi chỉ to bằng nắm tay. Theo đánh giá của các nhà khoa học, với những nếp nhăn trên áo và một số đặc trưng khác trong tạo tác, những bức tượng ở đây tiêu biểu cho nghệ thuật khắc tượng thế kỷ 18.

Trải qua các trận lụt lịch sử, nhiều nơi trong vùng bị lũ nhấn chìm, thậm chí nóc chùa bị nước cuốn trôi, nhưng kỳ lạ thay khi nước rút, các pho tượng Phật bằng đất bị ngâm nước lâu ngày vẫn không hề bị mục nát, sừng sững hiên ngang như thách thức sự hà khắc của thiên nhiên. 

Các bức tượng đất cổ ở chùa Nôm. Ảnh: Vietkings 

Lý giải cho sức sống lâu bền của các pho tượng Phật, một số phân tích của các nhà nghiên cứu cho rằng, đó chính là do trình độ tạo tác điêu luyện của các nghệ nhân thời đó, từ khâu dựng cốt, đắp đất, cho đến sự tỉ mỉ, chau chuốt trong việc phủ các lớp sơn dày.

Du khách có thể thấy được vẻ đẹp hài hòa, phong thủy của chùa Nôm khi đi dạo vãn cảnh chùa, với tháp chuông, lầu trống soi mình trong hồ nước, những tán cây cổ thụ rợp bóng mát. Xuyên qua con đường nhỏ phía hiên chùa, vườn mộ tháp bằng đá ong vàng óng trong nắng sớm. Những tháp đá tuyệt đẹp và nguyên vẹn với niên đại hàng trăm năm tuổi.

Với độ sâu thẳm về tâm linh cùng cảnh quan thiên nhiên đẹp, gợi những gì thuộc về quá khứ xa xưa, chùa Nôm là điểm đến dành cho những ai yêu thích vẻ đẹp xưa cũ. Du lịch đến chùa Nôm, du khách còn có thể khám phá, thưởng ngoạn những nét văn hoá cổ xưa của làng Nôm, một trong những ngôi làng cổ Việt Nam còn được gìn giữ đến ngày nay.

Thông tin thêm: 

Đường đi: Xe buýt đi Hưng Yên xuất phát từ bến xe Lương Yên, hoạt động từ 5h – 22h với tần suất là 20 phút/ chuyến, giá vé là 10.000 đồng. Nếu lựa chọn xe máy, các bạn có thể theo quốc lộ 5, đường 39 hoặc cao tốc Pháp Vân – Yên Lệnh để đến đây. 

Một số điểm có thể tham quan thêm: Khu di tích Đền Ủng, làng nghề làm hương xạ Cao Thôn, làng nghề chạm bạc Phù Ủng, hoặc ghé thăm phố Hiến với cây nhãn tổ và chùa Chuông. 

Đặc sản nên thử: Bún thang, canh cá rô, bánh bẻng, ếch Phương Tường, gà Đông Tảo (Đông Cảo)… 

Quà mang về: Tương bần, bánh răng bừa, mật ong, long nhãn… 

Lê Thương
Ngôi chùa độc đáo có hơn 100 pho tượng bằng đất 

Chùa Nôm (Hưng Yên) hiện đang lưu giữ hơn 100 pho tượng làm bằng đất với nghệ thuật điêu khắc độc đáo.

Cách thủ đô Hà Nội khoảng chừng 30km về phía Đông, chùa Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) vẫn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ cổ kính của kiến trúc chùa cổ đồng bằng Bắc Bộ. Điều đặc biệt nhất là ngôi chùa này đang lưu giữ hơn 100 pho tượng cổ bằng đất.

Bên cạnh đó là kiểu kiến trúc độc đáo – "nội công, ngoại quốc" với hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường (có thể là nhà tổ hay nhà tăng) ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh nhà thiêu hương, nhà thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa. Bố cục mặt bằng chùa có dạng phía trong hình chữ Công, còn phía ngoài có khung bao quanh như chữ khẩu hay như ở chữ Quốc.

Cổng chính chùa Nôm nằm trước chợ làng Nôm với kiến trúc khá độc đáo 

Cánh cổng được làm hoàn toàn bằng gỗ chạm khắc tinh xảo

Lối vào cổng sau của chùa là cây cầu đá gồm 9 nhịp đầu rồng bắc qua sông Nguyệt Đức 

Khuôn viên chùa Nôm có nhiều cây xanh và có hồ nước nhỏ phía trước. Theo truyền thuyết, xưa kia chùa Nôm nằm giữa một rừng thông cổ thụ, trên có một cái am nhỏ và có tên gọi là "Linh thông cổ tự".

Hai bên trái và phải của chùa là gác chuông... 

... và gác trống (được xây dựng sau này) 

Chùa Nôm hiện vẫn còn hai tấm bia lớn đặt sau hậu cung ghi lại những tư liệu quý: Thời Hậu Lê, đời Chính Hoà, năm Canh Thân (1680) sau khi lên ngôi, nhà vua đã cho xây dựng lại chùa này và tu bổ chùa các năm sau đó. 

Dù có nhiều công trình mới được xây dựng, chùa Nôm cổ vẫn giữ nguyên nền móng trên khuôn viên cũ. 

Hiện nay, chùa Nôm còn lưu giữ hơn 100 pho tượng lớn nhỏ đều được làm bằng đất. 

Theo lời trụ trì chùa Đại đức Thích Đồng Huệ, dù tượng làm bằng đất và trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng hình dáng vẫn không mấy thay đổi so với ban đầu. 

Chùa Nôm hiện nay đã được mở rộng và xây dựng thêm nhiều công trình mới, như... 

Lầu Quan Âm 

Nhà Thờ Tổ 

... nhà khách của chùa Nôm 

Lại Thìn - Huy Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét