21 tháng 7, 2024

Chùa Bửu Long I

Huyện Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Bửu Long I

LỊCH SỬ CHÙA BỬU LONG I

Chùa Bửu Long I hiện nay tọa lạc tại ấp 1, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; do Ni sư Thích Nữ An Nguyệt đương nhiệm trụ trì.

Đây là một ngôi chùa cổ, được gia đình bà Văn thành lập năm vào năm 1876, tọa lạc tại chợ Cẩm Sơn với diện tích 18.000 m², để làm nơi thờ cúng, chiêm bái của dân làng. Do chùa không có Sư, lại bị ảnh hưởng bới các biến cố lịch sử, ngôi chùa ban đầu đã bị xuống cấp; sau đó được bà Hà Thị Bút cùng ông bà Cả Thàng (tức mẹ của ông Trương Văn Tỵ) khôi phục lại và lấy hiệu là Bửu Long Cổ Tự.

Năm 1932, chiến tranh loạn lạc, chùa Bửu Long không còn tọa lạc ở Chợ mà được người dân xung quanh di dời lên ấp 1, nơi rạch Thâm Rôm. Sau ngày đất nước hòa bình, vì thấy ngôi chùa hoang phế nên người dân mới đưa Phật về thờ ở trong một gian nhà nhỏ tại phần đất của Miễu Bà Chúa Xứ, thuộc ấp 1, xã Cẩm Sơn.

Theo lời các cụ cao niên thì chùa Bửu Long I trước đây có các vị đảm trách chăm lo hương khói như: Ông Mong (Hòa thượng Yết ma); Ông Đạo Thạnh; Hòa thượng Yết ma Hổ (người quê ở Phú Nhuận, Cai Lậy, Tiền Giang). Bấy giờ trong chùa còn lưu thờ 2 bài vị là:

  1. Hòa thượng thượng Khánh hạ Đức (Vì Hòa thượng trụ trì chùa Phước Thạnh nên hiện nay đã đưa bài vị về thờ ở chùa Phước Thạnh, thị trấn Cái Bè).
  2. Hòa thượng thượng Chơn hạ Duyên.

Năm 2001, Ban Đại diện (nay là Ban Trị sự) Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Cai Lậy đã đưa Sư cô Thích Nữ An Nguyệt, thế danh Võ Ngọc Ánh về đảm trách chăm lo Tam bảo chùa Bửu Long I; sau đó Sư cô được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang bổ nhiệm trụ trì theo tinh thần quyết định số 001 ký ngày 21 tháng 1 năm 2002. 

Sư cô Thích Nữ An Nguyệt, người quê gốc tại xã Bình Phú, phát tâm xuất gia tu học với Ni sư Thích Nữ Tắc Vạn tại chùa Giác Nguyên, thị trấn Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương. Sau đó về lại tỉnh Tiền Giang cầu Y chỉ sư và nương tựa tu học với Ni trưởng Thích Nữ Minh Nhẫn tại chùa Huỳnh Long (Giồng Tre).

Đến năm 2008 được sự chấp thuận của các cấp Giáo hội và Chính quyền địa phương Sư cô Thích Nữ An Nguyệt cùng bổn đạo Phật tử vận động mua đất và bắt đầu di dời chùa Bửu Long (đang ở tạm trên đất Miếu bà Chúa Xứ) về trên nền đất mới với diện tích 2.871,8 m², cách Miếu Bà khoảng 100 m, như nơi tọa lạc hiện nay; và lấy tên gọi là Bửu Long I, (vì ở xã Cẩm Sơn còn có một ngôi chùa Bửu Long II ở ấp 4). 

Khi dời về đất mới, Sư cô Thích Nữ An Nguyệt cũng đã vận động xây dựng ngôi Chánh điện bằng chất liệu bê tông cốt thép kiên cố theo kiến trúc thượng lầu hạ hiện. Mái lợp tôn, vách tường, cữa gỗ, nền lát gạch men sạch đẹp.

Tiếp theo đó Sư cô cũng đã xây dựng cổng Tam quan, làm tường rao xung quanh chùa, cất Giảng đường, Ni xá và một số công trình phụ để phục vụ cho việc sinh hoạt, tu học của chư Ni và Phật tử tại đạo tràng.

Sư cô cũng mở khóa tu Bát Quan Trai mỗi tháng một kỳ để hướng dẫn Phật tử tu học Phật pháp. Đồng thời tích cực ủng hộ các phong trào an sinh xã hội tại địa phương, góp phần làm “tốt đời đẹp đạo”.

Với sự tu tập tinh tấn, Sư cô Thích Nữ An Nguyệt được Giáo hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Ni sư trong kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc năm 2022 vừa qua.

Một số ảnh tư liệu:









Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Phật giáo Tiền Giang - 08/06/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét