21 tháng 7, 2024

Chùa Kim Phước

Huyện Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Kim Phước

LỊCH SỬ CHÙA KIM PHƯỚC

Chùa Kim Phước tọa lạc tại cồng Rạch Chùa, cạnh bờ sông Cái Lá, thuộc ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Thượng tọa Thích Nhuận Tâm đương nhiệm trụ trì.

Chùa Kim Phước do ông Nguyễn Tấn Quới thành lập vào năm 1745 tại thôn Tân Đức, huyện Kiến Đăng, trấn Định Tường (nay là ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức, Cai Lậy, Tiền Giang), bấy giờ chùa có tên gọi là “Thiên Phước Tự”. 

Dưới triều Nguyễn, có hai anh em ông Nguyến Tấn Quới và Nguyễn Tấn Lang cùng dân di cư vào vùng đất Tả ngạn sông Tiền khai hoang lập nghiệp. Vùng đất thôn Tân Đức do công sức của hai anh em ông Nguyễn Tấn Quới khai phá. Sau khi khai hoang lập ấp, ông Nguyễn Tấn Quới đã cất Chùa để cho bá tánh sinh sống quanh vùng có nơi chiêm bái, cầu nguyện.

Sau sự kiện tướng ngụy Lê Văn Khôi chống phá triều đình dưới thời vua Minh Mạng (năm 1838) và bị xử tử; hai anh em ông Nguyến Tấn Quới và Nguyễn Tấn Lang cũng bị liên lụy, nên vùng đất thôn Tân Đức được xung vào công quỹ. Chùa Thiên Phước cũng trở thành chùa của bổn thôn, do dân làng quản lý. Thời gian này cũng có một vài vị Sư đến đây hành đạo nhưng không trụ lại lâu. Đến đời thầy Yết-ma Nguyễn Văn Huấn, pháp danh Thích Vĩnh Thanh (Ngài sinh năm 1882) về hành đạo thì trụ được lâu dài.

Năm 1940 thầy Thích Vĩnh Thanh trùng tu lại ngôi Chùa và xin phép đổi tên “Thiên Phước Tự” thành “Kim Phước Tự”, vì để tránh sự trùng lấp với “Thiên Phước Tự” ở xã Thanh Hòa, cùng trong huyện Cai Lậy.

Năm 1940, thầy Thích Vĩnh Thanh rời đi nơi khác và giao quyền trông coi chùa Kim Phước lại cho người con là ông Nguyễn Văn Đạo, pháp danh Thích Thiện Chánh. Thời gian này đất nước bắt đầu rơi vào cảnh binh biến, chiến tranh bắt đầu ác liệt, chùa Kim Phước cũng dần chìm vào hoang phế.

Đến khi hòa bình lập lại, năm 1975 thầy Thích Thiện Thanh, thế danh Nguyễn Văn Nhàn phát tâm về phục dựng và chăm lo Tam Bảo chùa Kim Phước cho đến năm 1980 thì giao quyền trông coi chùa lại cho Thượng tọa Thích Nhuận Tâm.

Thượng tọa Thích Nhuận Tâm thế danh là Huỳnh Văn Bảy, sinh năm 1961, người quê gốc tại Cai Lậy. Thầy phát tâm xuất gia tu học với Hòa thượng Quảng Hưng – Chánh Định tại chùa Đông Long, về tiếp quản chùa Kim Phước vào ngày 15 tháng 3 năm 1980. Năm 1982, thực hiện theo lời kêu gọi của chính quyền địa phương, Thầy nhập ngũ và tham gia chiến trường Campuchia cho đến ngày 5 tháng 5 năm 1985 mới xuất ngũ và trở về tiếp tục chăm lo Tam bảo chùa Kim Phước.

Năm 1985, khi tiếp quản lại chùa Kim Phước với thực trạng đã bị xuống cấp trầm trọng, ngôi Chánh điện chỉ còn lại Tôn tượng Đức Phật A Di Đà bằng đồng và một số tượng Bồ tát với kích cở nhỏ; Năm 1987 Thượng tọa Thích Nhuận Tâm đã từng bước bắt đầu trùng tu, xây dựng lại để có nơi tu tập và hành đạo, tiếp Tăng độ chúng.

Năm 2005 Thượng tọa trụ trì thành lập Mái ấm tình thương Kim Phước để tiếp nhận và nuôi dưỡng người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi. Hoạt động này được các ngành chức năng huyện Cai Lậy cấp phép hoạt động năm 2012, nhưng vì không đủ điều kiện và tiêu chuẩn quy định về cơ sở vật chất nên Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang có quyết định rút giấy phép, tạm ngưng hoạt động vào cuối năm 2023 để chờ bổ sung hoàn thiện các tiêu chí.

Về phần xây dựng cơ sở, sau thời gian, do xây dựng chấp vá nên không còn đảm bảo an toàn cho việc tu học của chư Tăng và Phật tử tại bổn tự; năm 2013 Thượng tọa Thích Nhuận Tâm quyết định đại trùng tu lại công trình chùa Kim Phước trên phần đất 7.000m2, gồm nhiều hạng mục như: Chánh điện, Tăng xá, Khách đường, Đại tượng Bồ tát Quán Thế Âm, lầu chuông, gác trống, cổng Tam quan; khu nhà Dưỡng lão, nhà nuôi người khuyết tật, nhà nuôi trẻ mồ côi, nhà nghỉ cho bá tánh thập phương, khu nhà bếp và nhà ăn từ thiện, Vãng sanh đường cho người già, ….

Hiện tại chùa Kim Phước đã tương đối hoàn thiện về cơ sở vật chất. Ngôi Chánh điện được làm bằng bê tông kiên cố với kiến trúc một tầng trệt và một tầng lầu. Tầng lầu được làm Chánh điện, thờ Tôn tượng Đức Phật Thích Ca với kích cở lớn, chư Phật Dược Sư và chư vị Bồ tát.

Tầng trệt dùng làm Giảng đường để Phật tử vân tập nghe thuyết giảng mỗi khi về chùa tham dự các khóa tu.

Ngôi chánh điện cũ trước đây cũng được Thượng tọa trụ trì trùng tu lại trang nghiêm làm nơi tụng niệm, hành trì cho nội viện; cũng là lưu lại những bước thăng trầm của chùa Kim Phước với vùng quê Hiệp Đức thân thương này.

Với sự tu tập và những đóng góp cho Đạo pháp và Xã hội, Thượng tọa Thích Nhuận Tâm đã được Giáo hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Thượng tọa trong lần Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, năm 2022 vừa qua.

Một số ảnh tư liệu:



















Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Phật giáo Tiền Giang - 11/06/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét