- Địa điểm: ấp 8, xã Bình Sơn, huyện Long Thành
- Năm xây dựng: 1976
- Người khởi công xây dựng và trụ trì hiện nay: Thượng tọa Thích Thiện Pháp (Mahatherakusala Dhammo)
- Năm trùng tu: 1980, 1993, 1998
- Hệ phái: Nam Tông (Phật giáo nguyên thủy)
- Điện thoại: 061. 533042
Để có nơi cho chư Tăng sớm tối tụng kinh niệm Phật, Phật tử có nơi lễ bái, cúng đường, Thượng tọa Thích Thiện Pháp (khi ấy vẫn còn là Sa di) đã khởi công xây dựng một ngôi chùa nhỏ, đơn sơ, vách đất, lợp lá. Từ khi có ngôi chùa, hàng ngày tiếng chuông Chánh pháp vang lên ngân nga mời gọi các thiện nam, tín nữ về nghe Sư thuyết pháp, giảng đạo vào những ngày lễ. Dần dần Phật tử thông hiểu thêm về Phật pháp và đã ngộ đạo, một số xin được quy y, cầu pháp với Sư trụ trì.
Ngôi chùa nhỏ không còn đủ chỗ cho chư Tăng, Phật tử tu học, sinh hoạt. Năm 1980, Sư Thiện Pháp đã cho tiến hành trùng tu lại ngôi chùa khang trang rộng lớn hơn, diện tích khoảng 100 m², vách đất, mái lợp tole, đặt tên chùa là Thiền Quang với ý nghĩa: ánh sáng của Phật pháp lan tỏa khắp nơi nơi. Nhưng rồi, ngôi chùa vách đất đơn sơ cũng chỉ tồn tại được hơn 10 năm thì xuống cấp trầm trọng. Năm 1993, được sự cho phép, trợ duyên của Giáo Hội và chính quyền địa phương, Sư Thiện Pháp đã đứng ra lo đại trùng tu lại ngôi chùa bằng vật liệu hiện đại và nó được tồn tại cho đến ngày nay.
Mặt Tiền Chùa Thiền Quang 1
Chùa Thiền Quang Tọa lạc trong khu đất rộng 2,5 hecta, xung quanh có nhiều cây cổ thụ toả bóng mát. Chánh điện có diện tích 198 m² (18mx11m), kiến trúc mang đậm nét Phật giáo nguyên thủy Nam Tông, với những lá bồ đề trang trí trên mái chùa. Nóc chánh điện xây kiểu cổ lầu, hai mái lợp tole. Phía trên cửa ra vào có tượng Bổn sư Thích ca Mâu ni trong tư thế đang ban phước.
Nội thất chánh điện kiến trúc đơn giản, nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng đa dụng và không kém phần quan trọng về mặt tâm linh. Nơi đây là nơi để chư Tăng công phu sáng tối, cử hành các nghi lễ nhỏ, lớn như: xuất gia, Trai Tăng, thuyết pháp, lễ pháp lồ... Điện thờ Phật được bài trí tôn nghiêm mang lối kiến trúc Phật giáo nguyên thủy. Chánh điện chỉ tôn thờ duy nhất một tượng Phật Tổ tọa trên đài sen ở tư thế giảng đạo, gương mặt hiền từ, nhân ái, đặt bên trong lá bồ đề như là ánh hào quang, tượng trưng cho sự giác ngộ. Pho tượng tạc năm 1993, chất liệu bằng gỗ mít.
Đại Lễ Dâng Y Kathina
Vào chùa qua cổng tam quan được xây cất khá bề thế. Bên trái chánh điện có tượng Bổn sư Thích Ca tọa thiền dưới gốc cây bồ đề. Kế bên là lầu chuông, phía trong treo một đại hồng chung, nặng 800 kg, đúc năm 2001, tại lò đúc chuông Huế, chi nhánh Long Thành (Đồng Nai). Kế bên là tháp 3 tầng, cao 15 m, trong tôn thờ 5 vi ngọc Xá lợi Phật Tổ. Bên phải chánh điện có đài đức Phật nhập Niết bàn, pho tượng khá lớn.
Năm 1998, Sư Thiện Pháp tiếp tục xây dựng một giảng đường, diện tích 120 m² (20mx6m) ở bên trái phía sau chánh điện. Tường xây bằng gạch, mái lợp tole giả ngói vẩy cá. Nơi đây dành cho chư Tăng dùng cơm hàng ngày, đồng thời là nơi tiếp khách. Đây cũng là nơi dạy chữ Pà li, giáo lý cho chư Tăng, Phật tử và hội họp bàn luận về Phật pháp.
Ngoài ra, xung quanh chùa còn xây dựng nhiều liêu, thất dành cho chư Tăng và Phật tử tu thiền. Khung cảnh và trú xứ ở đây rất thanh tịnh, thích hợp cho những hành giả tu tập, thiền định.
Phật Điện
Thượng tọa Thích Thiện Pháp, thế danh Nguyễn Văn Ba, sinh năm 1950 tại Gò Công Tây (Tiền Giang), xuất gia năm 1968, ban đầu tu học theo hệ phái Bắc Tông, năm 1971 chuyển sang hệ phái Nam Tông, thọ Tỳ kheo năm 1980 tại chùa Giác Quang (Tp.Hồ Chí Minh). Từ khi xuất gia và là Sư khai sơn, trụ trì ngôi chùa Thiền Quang 1 tới nay, Sư Thiện Pháp luôn là người tu hành chân chính, được Tăng, Ni, Phật tử gần xa mến mộ. Ở địa vị người lãnh đạo ngôi chùa, Sư Thiện Pháp đã đào tạo thêm giới tử cho xuất gia, cho chư Tăng trẻ học văn hoá, mở khoá học Vi Diệu pháp, giáo lý, kinh tụng cho chư Tăng và Phật tử, phát huy và gìn giữ những ngày sám hối lệ. Những kỳ sám hối đều có thỉnh các vị pháp sư đến giảng đạo cho Phật tử. Sư còn tổ chức những ngày đại lễ như: Cầu An, Phật Đản, Vu Lan thu hút hàng ngàn người đến tham dự. Hàng năm, vào ngày 10-10 (âm lịch) chùa tổ chức lễ dâng Ykathina cho chư Tăng. Ngày này, có rất nhiều Tăng, Ni, Phật tử và nhân dân địa phương đến tham dự, bái Phật. Đây cũng là ngày hội của chùa Thiền Quang và nhân dân xã Bình Sơn.
Giảng Đường
Thượng tọa Thích Thiện Pháp luôn làm tốt công tác đạo và đời. Hiện nay, Sư là đại biểu Hội đồng nhân dân ba khóa (từ 1989 đến nay), là đại diện Phật giáo liên xã (Bình Sơn, Lộc An, Bình An). Đối với xã hội, Thượng tọa Thiện Pháp có nhiều đóng góp to lớn: xây 3 căn nhà tình thương tặng cho hộ nghèo, xây 1 phòng mẫu giáo ở thôn 7 (Bàu Tre). Hàng năm, Thượng tọa đều tổ chức phát thưởng: tập vở cho trẻ em ở địa phương. Mỗi năm một lần, đưa đoàn y bác sĩ về chùa trị bệnh miễn phí cho dân nghèo. Vào ngày lễ Vu Lan (rằm tháng 7), chùa tổ chức phát quà cho các hộ nghèo trong xã. Việc làm tình nghĩa này đã được thực hiện từ năm 1990 đến nay. Thượng tọa Thiện Pháp còn là người luôn đi đầu trong công tác tổ chức tham gia cứu hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn... Từ những thành tích trên, Thượng tọa đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Tỉnh và Trung ương. Đặc biệt là 2 Huy chương "Vì sự nghiệp Chữ Thập đỏ" và "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc" của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Từ ngày thành lập đến nay, chùa Thiền Quang 1 luôn luôn là bóng mát cho chư Tăng cư ngụ để yên tâm tu hành, là nơi trang nghiêm thanh tịnh cho các cư sĩ tu tại gia có nơi tôn nghiêm, lễ bái, cúng dường Tam bảo.
Thượng Tọa Thích Thiện Pháp
Sư trụ trì chùa hiện nay là bậc chân tu, đức độ, tấm gương sáng cho Tăng chúng nương theo tu hành. Chùa là một địa điểm hoằng pháp thu hút nhiều tín đồ cho Phật giáo Nam Tông và là nơi đào tạo chư Tăng có cả tài lẫn đức, xứng đáng là những sứ giả của Phật Như Lai.
Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét