2 tháng 12, 2022

Chùa Phước Thành (xã Vĩnh Hựu)

Huyện Gò Công Tây: Lịch Sử Chùa Phước Thành (xã Vĩnh Hựu)

CHÙA PHƯỚC THÀNH
Xã Vĩnh Hựu


Chùa Phước Thành tọa lạc tại ấp Bình An, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Vào năm 1920, nơi đây là ngôi am lá do một vị có phần tâm linh lập nên, vì vậy người dân địa phương gọi là am bà “Bóng Thị”. Sau thời gian vị này qua đời.

“Am bà ‘Bóng Thị’ thuở xưa,
Tiền nhân khai mở ngôi chùa hôm nay.”


Đến năm 1937, thầy Thích Thiện Phẩm, thế danh Đỗ Ngọc Tửng và thầy Thích Thiện Quế về đây tu hành, tạo lập nên ngôi chùa khang trang và từ đó ngôi chùa Phước Thành được ra đời.

“Thiện Tấn, Thiện Quế tu trì,
Hình thành, phát triển hiệu chi Phước Thành”.

Trong thời gian chiến tranh tranh, thầy Thích Thiện Phẩm viên tịch. Thầy Thích Thiện Quế bị bệnh nên Phật tử thỉnh về Phước Hựu (xã Long Vĩnh) để có người chăm sóc; ngôi chùa từ đó bị bỏ hoang, không người kế vị.

Mãi đến năm 1960, cô Diệu Nghĩa là người địa phương phát tâm đến hương khói cho Chùa. Đến năm 1961 chiến tranh lại nổi lên, ngôi Chùa một lần nữa không người trông coi.


Năm 1972, chiến tranh lắng dịu, chùa Phước Thành được ông Trương Văn Vinh và ông Võ Hồng Anh, là người địa phương, phát tâm tu sửa lần thứ nhứt, nhưng vẫn không người ở, chỉ có dân địa phương đến thắp hương hằng ngày.

“Trải qua năm tháng chiến tranh,
Chùa xưa vắng bóng chư Tăng truyền thừa.
Thiện Phẩm duyên hạnh về chùa,
Hương đăng cúng Phật hành trì tu tâm.”


Năm 1975 đất nước được hòa bình, thầy Thích Thiện Hương, thế danh Phan Văn Phẩm phát tâm về chùa Phước Thành tu hành, xiễn dương Phật pháp cho đến năm 1993 thị Thầy viên tịch; để ghi nhớ công ơn Thầy, Phật tử đạo tràng đã xây dựng ngôi Bảo tháp tại khuôn viên chùa để tôn thời. Từ đó chùa Phước Thành lại một lần nữa không người thừa đương mạng mạch Phật pháp, Phật tử không người hướng dẫn tu hành, ngôi Chùa xuống cấp trầm trọng.

“Viên thành phước đức hóa duyên,
Thầy về lạc cảnh ngàn năm an nhàn.”


Trước tình cảnh ấy, với sự tín tâm của hàng Phật tử nơi đây, vào ngày 04 tháng 07 năm 1994 Ban Đại diện Phật giáo (nay là BTS GHPGVN) huyện Gò Công Tây đề cử Sư cô Thích Nữ Diệu Đắc, thế danh Trương Thị Ẩn về kế thừa và được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang chính thức Bổ nhiệm theo Quyết định số:136/QĐ-TS ký ngày 25/12/1995 cho đến ngày nay.

Năm 1999, ngôi chùa xuống cấp trầm trọng, được sự cho phép của các cấp lãnh đạo chính quyền, sự đồng thuận của các cấp Giáo hội, sự tín tâm của tín đồ Phật tử, bá tánh thập phương; Sư cô Thích Nữ Diệu Đắc khởi công xây dựng lại ngôi chùa lần thứ hai bằng bê tông cốt thép, với kiến trúc Tứ trụ phổ biến của các chùa miền Nam Việt Nam. Dần dần các hạng mục công trình phụ như cổng chùa hàng rào, khung viên chùa được xây dựng lại khang trang, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ Phật tử, bá tánh đến hành hương và sinh hoạt tu tập.

Năm 2013 chùa được công nhận là “Cơ sở Thờ tự Văn hóa”, góp phần làm cho quê hương Gò Công Tây ngày càng tươi đẹp.


Với sự nỗ lực tu tập, được sự tín nhiệm của Tăng Ni huyện nhà, Sư cô Thích Nữ Diệu Đắc được mời vào làm Thư ký Ban Đại diện Phật giáo từ nhiệm kỳ 2002 – 2012 và tiếp tục làm Ủy viên phụ trách chuyên ngành trong Ban Trị sự GHPGVN huyện Gò Công Tây cho đến hôm nay.

Năm 2020 Sư cô Thích Nữ Diệu Đắc được Giáo hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Ni sư.

Hàng năm vào những ngày lễ lớn của Phật giáo cũng như của đất nước, Ni sư Trụ trì thường hướng dẫn Phật tử tổ chức tặng quà cho đồng bào nghèo, người mù, bệnh nhân nhiễm chất độc da cam …… để xoa dịu nổi khổ của mọi người, hòa chung vào nhịp sống tốt đạo đẹp đời.

“Diệu huyền tỏa ngát hương thanh,
Đắc thành sở nguyện đạo tràng tịnh an.”

Một số ảnh tư liệu:















Người viết: Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét